Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 20 tháng 11 đưa tin, Hội nghị cấp cao APEC vừa được tổ chức ở thủ đô Manila của Philippines. Do sự "va chạm" giữa Trung-Mỹ trong vấn đề Biển Đông, tại hội nghị lần này, có phương tiện truyền thông Đức đã “ngửi thấy mùi vị” đọ sức giữa Trung-Mỹ.
Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama tham quan tàu chỉ huy Hải quân Philippines |
Tờ “Frankfurter Allgemeine Zeitung” Đức cho rằng, hai nước khoe cơ bắp không chỉ bằng tàu chiến và máy bay, mà còn các loại thỏa thuận cũng đã được ký kết để hai bên mở rộng vai trò ảnh hưởng. Mỹ đóng vai trò "thần hộ mệnh", nhưng hoàn toàn không phải chỉ vô tư.
Trong thời điểm tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần này, báo Đức cho rằng, trước khi khai mạc Hội nghị cấp cao APEC, hai nước đã bắt đầu hành động khoe cơ bắp với nhau, phô trương sức mạnh bằng hiệp định thương mại và tàu chiến.
Theo bài viết, thông thường, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cân nhắc nhiều hơn tới vũ khí, chứ không phải là thương mại. Nhưng, trong một số thời điểm, hiệp định thương mại cũng có ích.
Ông cho biết, tầm quan trọng của Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - mà châu Âu hầu như không quan tâm - tốt hơn so với triển khai mới một tàu sân bay ở đường bờ biển Trung Quốc.
Việc Mỹ điều máy bay ném bom (B-52) bay gần hoặc cho tàu chiến (tàu khu trục USS Lassen) đi vào vùng biển 12 hải lý của đá ngầm trên Biển Đông đều là biểu hiện bề ngoài. Điều quan trọng hơn là hiệp định thương mại của ông Barack Obama. Dựa vào TPP, 12 nước tập trung xung quanh Mỹ.
Ngày 18 tháng 11 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Philippines tổ chức hội đàm |
Đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, hiệp định thương mại này là bộ phận cốt lõi trong chiến lược quay trở lại châu Á của Mỹ. Trong khi đó, người Trung Quốc dựa vào Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIB) để tiếp tục khẳng định họ có vai trò ảnh hưởng như thế nào.
Theo bài viết, trong vài tuần qua, ông Barack Obama đã chứng minh thực lực của Mỹ ở khu vực này - dùng tàu chiến lắp súng thật pháo thật và hiệp định thương mại có "năng lực tấn công" tương đương.
Tờ "Handelsblatt" Đức đồng thời đã quan tâm đến cuộc đấu đá giữa Trung-Mỹ ở Hội nghị cấp cao APEC, cho rằng, Tổng thống Mỹ Obama muốn thể hiện sự đoàn kết với đồng minh ở Hội nghị cấp cao APEC. Ông lên tham quan tàu chiến Philippines đã thể hiện một thái độ khác, cho thấy, hội nghị lần này của các nền kinh tế APEC tổ chức ở Manila không chỉ liên quan đến hợp tác kinh tế.
Trung Quốc mặc dù nhiều lần cho biết sẽ không bàn về vấn đề Biển Đông ở hội nghị cấp cao lần này, nhưng Cố vấn an ninh quốc gia của Obama, bà Susan Rice khẳng định, tranh chấp chủ quyền Biển Đông là "vấn đề trung tâm" trong chuyến thăm châu Á lần này của ông Obama. Trên thực tế, nó đã diễn ra đúng như vậy.
Theo bài viết, trước khi tổ chức hội nghị cấp cao, ông Obama đã tăng cường thế tấn công: Ông đã điều một tàu khu trục tới vùng biển mục tiêu, không lâu sau lại điều 2 máy bay ném bom chiến lược bay gần khu vực đảo "tranh chấp".
Như vậy, về chính trị, ông Obama đã tập trung nhấn mạnh chiến lược quay trở lại châu Á mà ông đã đưa ra tuyên bố nhiều lần.
Ngày 19 tháng 11 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao APEC |
Hãng tin Reuters Anh ngày 20 tháng 11 còn dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, mỗi quý, Hải quân Mỹ có kế hoạch tiến hành tuần tra 2 lần trở lên ở khu vực này để định kỳ thực hiện quyền lợi của họ và nhắc nhở Trung Quốc và các nước khác về thái độ của Mỹ.
Theo quan chức này, Hải quân Mỹ có thể tiến hành tuần tra lần tiếp theo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) vào tháng 12 tới để thách thức yêu sách vô lối của Trung Quốc.
Tại Philippines, ngày 18 tháng 11, khi hội đàm với Tổng thống Philippines, Tổng thống Mỹ Obama đã tiếp tục yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động bồi đắp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông.
Đáp lại, chiều ngày 19 tháng 11, khi tiếp Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi dọa Mỹ không được ngăn cản họ bành trướng: “Nếu Mỹ bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, tiếp tục khiêu khích, Trung Quốc có năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh”.
Đến tối ngày 19 tháng 11, khi hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Philippines, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: Mỹ sẽ triển khai “hành động (tự do đi lại) thường xuyên” ở Biển Đông. “Về các quy tắc quốc tế, vấn đề trên biển và tự do đi lại sẽ đưa ra các biện pháp liên quan”.
Ông Shinzo Abe cho biết, Nhật Bản sẽ quan tâm những ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh của Nhật Bản, đồng thời “tiến hành nghiên cứu” khả năng điều Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đến Biển Đông.
Ngày 18 tháng 11 năm 2015, tàu ngầm hạt nhân lắp tên lửa hành trình USS Ohio Hải quân Mỹ đã đến vịnh Sepanggar, bang Sabah, Malaysia tiến hành tiếp tế. |
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật chỉ ra tầm quan trọng của trật tự biển, tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất trí bày tỏ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với cộng đồng quốc tế để ngăn chặn “những nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng” (của Trung Quốc).
Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao tiếp tục đòi Nhật Bản không được “thổi phồng, chỉ trích” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đòi Nhật Bản tuân thủ “đồng thuận” giữa hai bên, “bảo vệ đại cục quan hệ Trung-Nhật”.
Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 22 tháng 11 cho biết, Quân đội Mỹ lại có động thái mới ở Biển Đông, ngày 18 tháng 11, tàu ngầm hạt nhân lắp tên lửa hành trình USS Ohio đã đến vịnh Sepanggar, bang Sabah, Malaysia tiến hành tiếp tế. Đây là một điểm tiếp tế quan trọng của tàu ngầm hạt nhân Quân đội Mỹ khi tuần tra Tây Thái Bình Dương.
Điều này diễn ra đúng vào thời điểm Trung Quốc và Malaysia vừa đạt được thỏa thuận, Malaysia cho phép tàu chiến Trung Quốc sử dụng cảng Kota Kinabalu, bang Sabah của Malaysia làm “địa điểm cập bến giữa đường”. Bài báo nghi ngờ trong tương lai tàu chiến Trung Quốc và Mỹ sẽ “đụng mặt”.
Ngày 18 tháng 11 năm 2015, tàu ngầm hạt nhân lắp tên lửa hành trình USS Ohio Hải quân Mỹ đã đến vịnh Sepanggar, bang Sabah, Malaysia tiến hành tiếp tế. |
Ngoài ra, Nhật Bản, một đồng minh then chốt của Mỹ cũng vừa đạt được một thỏa thuận với Việt Nam để tàu chiến Nhật Bản tiếp cận vịnh Cam Ranh, tiến hành tiếp tế cho các hoạt động biển xa của họ. Đầu tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã đến thăm nơi này.
Đến sáng ngày 22 tháng 11, khi tham dự cấp cao Đông Á ở Malaysia, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại tiếp tục đưa ra cái gọi là “sáng kiến 5 điểm” về việc các nước “cùng bảo vệ hòa bình và ổn định Biển Đông”.
Báo chí Trung Quốc đưa tin về việc này, nhưng không thấy ông Cường nhắc đến “có chủ quyền từ thời cổ đại” như ông Tập Cận Bình ra rả nói ở Mỹ, ở Anh và ở Singapore như thời gian qua.
Đáng chú ý, mặc dù Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, ra sức bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông, nhưng giữa các quan khách Đông Á, ông Lý Khắc Cường vẫn dàm nhắc tới sẽ sử dụng “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” để đàm phán, cùng với đẩy nhanh tham vấn COC.
Đấy là ông Lý Khắc Cường nói ở diễn đàn, cái gì cũng phải thực tế. Cộng đồng quốc tế sẽ theo dõi chặt chẽ từng hành động cụ thể của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, xem lời nói có đi đôi với việc làm hay không.
Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 8 tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia chiều ngày 21 tháng 11 năm 2015 |
Tuy nhiên, “sáng kiến 5 điểm” của ông Cường cũng không có gì mới lắm, hầu như là vẫn muốn dùng đàm phán song phương trực tiếp giữa Trung Quốc với từng nước liên quan, đồng thời đòi hỏi các nước ngoài khu vực không được can thiệp đối với vấn đề Biển Đông.