Trung Quốc "vũ trang hóa" cảnh sát biển, cùng khai thác với Philippines

22/03/2018 06:55
Vũ Thanh
(GDVN) - Trung Quốc chuyển cảnh sát biển về Quân ủy trung ương, làm mờ ranh giới hoạt động hàng hải với hoạt động hải quân, thúc đẩy hiện thực hóa đường lưỡi bò.

Nikkei Asia Review ngày 22/3 đưa tin, cảnh sát biển Trung Quốc sẽ được đặt dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương trong năm nay, làm mờ đường biên giữa hoạt động tuần tra hàng hải với hoạt động hải quân.

Động thái này cho phép cảnh sát biển Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn với hải quân khi họ tiến hành các hoạt động trên Biển Đông và Hoa Đông. Diễn biến mới này gây ra báo động trong chính phủ Nhật Bản.

Lực lượng này đã hoạt động khá hiệu quả dưới sự chỉ huy của Bộ Công an sau khi hình thành năm 2013 bằng cách thống nhất các lực lượng chức năng khác nhau thuộc các đơn vị khác nhau (Hải giám, Kiểm ngư / Ngư chính...)

Tuy nhiên Quốc hội Trung Quốc hôm thứ Ba 20/3 đã bỏ phiếu thông qua phương án biên chế cảnh sát biển về Lực lượng Cảnh sát vũ trang trực thuộc Quân ủy Trung ương. Cục Hải dương Trung Quốc bị giải thể.

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, ảnh: RAND Corporation.
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, ảnh: RAND Corporation.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang phát triển sức mạnh hải quân và tìm cách khẳng định các yêu sách "chủ quyền" (vô lý và phi pháp) ở Biển Đông, Hoa Đông, dẫn tới các cuộc xung đột với các nước láng giềng.

Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên lui tới vùng biển gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát ở Hoa Đông, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Thông thường Nhật Bản xử lý các tình huống xâm nhập này bằng lực lượng cảnh sát biển của mình. 

Tuy nhiên ranh giới giữa hoạt động cảnh sát với hoạt động quân sự đã trở nên không rõ ràng, và khó đối phó hơn, một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết. [1]

Nhà bình luận quân sự Nghê Lạc Hùng từ Thượng Hải được tờ South China Morning Post ngày 22/3 dẫn lời phân tích:

Việc chuyển cảnh sát biển Trung Quốc về Cảnh sát vũ trang thuộc Quân ủy trung ương sẽ khiến cảnh sát biển hoạt động như một lực lượng quân sự chứ không phải dân sự.

Động thái này có thể gây ra những lo ngại về ngoại giao trong việc xử lý các xung đột, bởi trong tranh chấp hàng hải thì xử lý bằng một cơ quan phi quân sự có thể giúp giảm căng thẳng.

Tuy nhiên Trung Quốc dường như cân nhắc nhiều hơn về đối nội, đưa toàn bộ các lực lượng vũ trang về đặt dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tháng Giêng năm nay, lực lượng Cảnh sát vũ trang cũng được chuyển về dưới sự quản lý và chỉ huy trực tiếp của Quân ủy trung ương, thay vì Quân ủy trung ương và Quốc vụ viện (Chính phủ) cùng quản lý, chỉ đạo như trước.

Chuyên gia Lyle Morris từ tổ chức RAND Corporation, Hoa Kỳ cho hay, chuyển động này có thể để lại những hậu quả trong tương lai.

Vì cảnh sát biển Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực như hải quân nước này, đặc biệt là trong bối cảnh tranh chấp, mâu thuẫn trên Biển Đông và Hoa Đông gia tăng. [2]

Trong một động thái khác có liên quan, Reuters ngày 21/3 đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với báo giới, nước này sẽ thận trọng thúc đẩy hợp tác thăm dò khai thác dầu khí chung với Philippines ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: ABC News.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: ABC News.

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp với người đồng cấp Philippines Alan Pteter Cayetano. 

Đầu tháng này, một quan chức cấp cao Philippines nói với báo giới, bất kỳ thỏa thuận thăm dò khai thác chung nào giữa Philippines với Bắc Kinh sẽ được thống nhất với một doanh nghiệp chứ không phải chính phủ Trung Quốc.

Ông Vương Nghị nói: "Chúng tôi sẽ tăng cường đối thoại về hàng hải và theo đuổi việc tham vấn lẫn nhau bình đẳng, chân thành, tiến tới hợp tác thăm dò dầu khí ngoài khơi."

Ngoại trưởng Philippines nói với báo giới:

"Philippines và Trung Quốc đang tìm kiếm một khuôn khổ pháp lý chung để tiến hành thăm dò, khảo sát chung.

Với các cuộc thảo luận ngày hôm nay của chúng tôi, tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm thấy một khung pháp lý thích hợp cho những khác biệt giữa 2 bên."

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nói rằng, đề xuất gác tranh chấp, cùng khai thác của Trung Quốc "cũng giống như đồng sở hữu" và tốt hơn là chiến tranh.

Ông Rodrigo Duterte sẽ thăm Trung Quốc trong tháng Tư để dự hội nghị Bác Ngao do Trung Quốc tổ chức tại Hải Nam. [3]

Nguồn:

[1]https://asia.nikkei.com/Politics-Economy/Policy-Politics/China-to-place-coast-guard-under-military-control

[2]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2138257/chinas-military-police-given-control-coastguard-beijing

[3]https://www.reuters.com/article/us-china-philippines/china-says-to-have-prudent-oil-exploration-with-philippines-idUSKBN1GX1WO

Vũ Thanh