LTS: Mỗi người có một phương pháp học tập khác nhau, tuy nhiên hiện nay, có rất nhiều lựa chọn cho mình cách học tủ và học vẹt. Phương pháp học tập này đang ngày một trở nên phổ biến.
Để thấy được hậu quả của phương pháp này, cô giáo Phan Tuyết gửi tới độc giả bài viết dưới đây.
Thầy cô giáo và một số học sinh đánh giá đề thi môn Văn vào lớp 10 ở tỉnh Bình Thuận vừa qua là dễ, kiến thức rõ ràng, sát với chương trình học của các em mà không có sự đánh đố.
Tuy nhiên vẫn còn không ít học sinh có tâm trạng lo lắng vì làm bài không được. Nguyên nhân được các em thổ lộ do “học tủ” nên bị “tủ đè” (cách nói phổ biến của học sinh).
Bước chân ra khỏi phòng thi, khác với khuôn mặt hồ hởi, hào hứng của nhiều em vì làm bài tốt, một số học sinh tại cụm thi trường THPT Nguyễn Huệ nói:“Đề dễ nhưng không làm được vì chỉ ôn về thơ họ lại ra truyện. Mà tác phẩm“Lặng lẽ Sa Pa” học từ học kì 1 nên quên hết trơn rồi”.
Công nghệ "văn mẫu" (Ảnh: dantri.com.vn) |
Lướt một vòng trên mạng, cô con gái tôi cũng vừa đi thi về nói lớn:“Mẹ ơi! Bạn con nhiều đứa nói là “tạch” hết rồi". Nghe lạ, cô bé vội giải thích: “Có nghĩa là rớt đó mẹ”.
Nó nói tiếp:“Có nhiều đứa là học sinh giỏi nhưng vẫn không làm được vì đã lâu không đọc lại tác phẩm, không có dẫn chứng để viết nên đành nói lan man”.
Trao đổi với cô Hoài Thương tổ trưởng chuyên môn tổ Văn trường trung học cơ sở Tân An thị xã La Gi, Bình Thuận được biết:
“Đề thi môn Văn năm nay nói chung là dễ. Học sinh nắm chắc kiến thức lớp 9 cùng với sự hướng dẫn của thầy cô giáo sẽ dễ dàng đạt được mức điểm khá cao.
Phần đọc hiểu, lần đầu tiên ra đề theo kiểu này, thầy cô cũng đã cho các em làm quen. Thời gian ôn tập chỉ có một tháng nên chủ yếu ôn cho các em phần khó và mới. Những phần dễ các em tự học ở nhà. Nhưng nhiều em lười học thường bỏ qua”.
Khi được hỏi: “Đề dễ nhưng vẫn còn nhiều em nói mình không làm được”.
Cô Thương khẳng định: “Do những em này học tủ. Các em tập trung ôn về thơ vì nghĩ đề sẽ ra theo nội dung khó. Còn ra văn xuôi thì dễ, nói về anh thanh niên lại càng dễ hơn nhưng nhiều em chủ quan không học. Vì vậy, một số học sinh này làm không được cũng là điều dễ hiểu”.
Lời gan ruột của thầy giáo dậy cấp 3 góp ý với giáo dục nước nhà(GDVN) - "Rà soát lại chất lượng các cấp học, giữ cho bằng được cán bộ giáo viên chất lượng" là kiến nghị thầy Bằng muốn gửi tới lãnh đạo ngành giáo dục và chính phủ. |
Tình trạng học sinh “học tủ”, thậm chí một số thầy cô giáo cũng “dạy tủ” vẫn đang tồn tại ở nhiều trường học.
Có nhiều giáo viên dạy ôn thi nhưng thường lấy kinh nghiệm của mình đề phán đoán theo kiểu: “Năm nay đề có thể ra theo hướng này...cần học kĩ những tác phẩm này...”.
Và thế là cô cùng trò chỉ tập trung “cày” những điều phán đoán trên đến thuộc lòng như cháo.
Những năm học sinh may mắn ‘trúng tủ” như thế thì điểm thi của những học sinh này sẽ cao chót vót và ngược lại, năm nào không “trúng tủ” nhiều em đã bị trượt oan vì cách học tủ và sự chủ quan của mình.
Nếu năm nào thầy cô giáo may mắn ôn trúng tủ thì tiếng tăm bỗng nổi như cồn. Hết phụ huynh đến học sinh cứ truyền miệng nhau: “Cô( thầy) đó dạy giỏi thường ôn thi trúng tủ”.
Cũng nhờ thế, hàng năm “lò luyện” của những giáo viên này thường quá tải bởi lượng học sinh đăng ký được học ôn rất đông.
Để tránh tình trạng đề dễ mà không làm được như nhiều học sinh cần phải dẹp bỏ tư tưởng “học tủ” hoặc “dạy tủ” như hiện nay.