Chuyện đang xảy ra ở Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương II.
Giáo viên có bằng thạc sĩ phải đi xách vữa, tưới cây
Theo thông tin mà giáo viên phản ánh về việc một số giáo viên nhà trường bị thầy Hiệu trưởng phạt phải đi làm những công việc như: xách vữa, tưới cây, dọn vệ sinh…
Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Hoàng Văn Dũng – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề để tìm hiểu. Ông Dũng cho biết, có việc một số thầy giáo bị chuyển xuống Phòng quản trị đời sống để làm những công việc như: xách vữa, tưới cây… Đó là trường hợp của thầy Đỗ Hoa Cương – thạc sĩ triết học công tác ở Phòng quản lý học sinh, sinh viên và thầy Nguyễn Văn Tuấn công tác ở khoa công nghệ hàn.
Đơn tố cáo của giáo viên Phạm Thị Nga |
Theo ông Dũng, đối với trường hợp của thầy Đỗ Hoa Cương, nhà trường có gọi lên để thầy làm công tác văn phòng Đảng ủy, nhưng thầy Cương lại lấy lí do là viết lách kém nên từ chối không làm. Vì vậy, nhà trường chuyển thầy Cương xuống làm việc ở Phòng quản trị đời sống.
Đối với trường hợp của thầy Nguyễn Văn Tuấn, nhà trường nhận được phản ánh của học sinh, sinh viên về việc thầy Tuấn có gợi ý cho học sinh đến biếu quà. Cho nên, đã chuyển thầy Tuấn xuống Phòng quản trị đời sống để thầy nhìn nhận lại bản thân…
Ngoài ra, ở trường còn có trường hợp thầy Nguyên công tác ở phòng quản lý học sinh, sinh viên thấy học sinh phản ánh có hành động phản cảm, sau khi xác minh nhà trường cho thầy Nguyên ra làm bảo vệ một thời gian– ông Dũng cho biết thêm.
Để có thông tin khách quan, chúng tôi đề nghị được gặp thầy Đỗ Hoa Cương và thầy Nguyễn Văn Tuấn.
Thầy Cương cho biết: “Tôi đã giảng dạy chính trị ở khoa cơ bản gần 10 năm và được nhiều thành tích, sau đó chuyển xuống phòng công tác học sinh, sinh viên, nay tôi được điều động xuống phòng quản trị đời sống. Thực ra tôi không có lỗi gì! Thầy Hiệu trưởng gọi tôi lên, nói là cho tôi làm công việc văn phòng. Tôi có trả lời là công việc văn phòng không hợp với tôi. Tôi không làm. Thì thầy Hiệu trưởng điều động tôi xuống phòng quản trị đời sống với công việc chủ yếu là: xách vữa, chăm sóc cây cảnh....”.
Thầy Tuấn cho biết: “Do Phòng quản trị đời sống thiếu người, nên nhà trường có điều động tôi xuống đó”. PV có hỏi lại thầy Tuấn: có đúng như vậy không? Thầy Tuấn khẳng định là đúng như vậy. Phải đến khi hiệu trưởng to tiếng nói thì thầy Tuấn nói lại, do mắc lỗi nên bị điều động xuống và để…nhìn nhận lại bản thân.
Như vậy, việc một số giáo viên của trường Cao đẳng nghề bị phạt phải làm những công việc xách vữa, tưới cây như phản ánh là có thật. Thiết nghĩ, với cách luân chuyển cán bộ của trường Cao đẳng nghề như thế chưa bàn đến đúng hay sai mà hãy bàn đến việc giảng viên bị “phạt” phải đi làm công việc xách vữa, tưới cây… thì trong mắt học sinh sẽ nghĩ gì về giáo viên trường Cao đẳng nghề và nhà trường này?
Bị tố “ăn” tiền của học sinh tu nghiệp tại Nhật Bản
Giáo viên Phạm Thị Nga - công tác tại tổ môn ngoại ngữ, Khoa cơ bản cơ sở gửi đơn tố cáo lên tòa soạn báo GDVN. Trong đơn chị Nga có trình bày, Trường Cao đẳng nghề giao thông vận tải Trung ương II (trường Cao đẳng nghề) thu tiền trái quy định của mỗi học sinh đi tu nghiệp tại Nhật Bản từ 20 đến 40 triệu đồng.
hai giảng viên phải đi xách vữa, tưới cây... |
Cụ thể, trường Cao đẳng nghề có phối hợp với Cơ quan đào tạo nhân lực quốc tế (IM JaPan) về việc tuyển tu nghiệp sinh nghề Hàn đến tu nghiệp tại công ty tại Nhật Bản. Đây là chương trình xuất khẩu lao động phi lợi nhuận (người lao động được chọn không phải đóng tiền đặt cọc, không phải nộp thuế thu nhập, không phải chi phí tiền mua vé máy bay đi và về, được bao ăn, ở).
Sau khi về nước tu nghiệp sinh được phía Nhật Bản chi cho một khoản tiền để tái hòa nhập tại Việt Nam và được ưu tiên tuyển chọn vào làm tại các công ty liên doanh Nhật Bản tại Việt Nam. Từ nhiều năm nay, trường Cao đẳng nghề đã phối hợp đưa nhiều đợt học sinh sang Nhật tu nghiệp.
Phóng viên đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu trường Cao đẳng nghề để tìm hiểu thông tin. Ông Hoàng Văn Dũng - Hiệu trưởng Cao đẳng nghề khẳng định không có việc nhà trường thu tiền của học sinh đi tu nghiệp tại Nhật Bản từ 20 đến 40 triệu đồng. Theo ông Dũng, chương trình đi tu nghiệp tại Nhật Bản học sinh chỉ phải đóng các khoản học phí và các khoản khác với số tiền khoảng 4 đến 8 triệu đồng, ngoài ra không phải mất bất kỳ kinh phí nào.
Trước kia, nhà trường cũng nhận được phản ánh về việc nhà trường thu 40 triệu một học sinh đi tu nghiệp tại Nhật bản và có gọi thầy Nguyễn Đình Tấn - Giám đốc trung tâm dịch vụ và giới thiệu việc làm lên xác minh thì thấy không có việc thu tiền của học sinh.
Tuy nhiên, với danh sách của giáo viên cung cấp gồm những học sinh tu nhiệp tại Nhật phải “lót tay” cho nhà trường từ 20 đến 40 triệu đồng. Phóng viên xác minh một số học sinh đã đi tu nghiệp tại Nhật Bản về và một số học sinh hiện đang tu nghiệp bên Nhật.
Học sinh Phạm Văn L., Nguyễn Đức T.; Nguyễn Văn B. (đã tu nghiệp tại Nhật Bản về) khẳng định: “Chúng em phải đóng các khoản tiền từ 4 đến 8 triệu đồng để ôn luyện, sau đó phía bên Nhật Bản trực tiếp về tuyển sinh. Khi đã trúng tuyển phía Nhật Bản họ gửi kết quả về trường, rồi nhà trường có thông báo đến từng học sinh. Khi chuẩn bị đi chúng em phải đóng cho nhà trường 20 triệu đồng và có nói là thu tiền để nhà trường đi “quan hệ”.
Còn Học sinh Lê Văn L. – khoa hàn khẳng định, sau khi trúng tuyển phỏng vấn, em này phải đóng 30 triệu đồng. Học sinh Tùng (hiện đang tu nghiệp tại Nhật Bản) cũng khẳng định, đã đóng 30 triệu đồng. Theo các em học sinh này cho biết, đã có gần chục khóa sang tu nghiệp tại Nhật Bản. Tùy theo các đợt mà số tiền đóng cũng khác nhau, có đợt 30 triệu đồng, 40 triệu đồng, có đợt nhiều hơn.
Cô Phạm Thị Nga – giáo viên dạy tiếng Anh và dạy tiếng Nhật cho các học sinh đi tu nghiệp cũng khẳng định: “Tôi được giao nhiệm vụ giảng dạy tiếng Nhật cho lớp tu nghiệp sinh tại Nhật Bản. Học sinh rất bức xúc về việc nhà trường thu của mỗi học sinh 20 đến 40 triệu đồng. Chính tôi là người hướng dẫn cho một em học sinh làm đơn xin vay tiền đề “nộp” cho nhà trường”.
“Việc làm của Hiệu trưởng nhà trường khiến cán bộ giáo viên rất bức xúc nhưng họ còn công tác ở trường nên không dám nói. Ngoài việc luân chuyển cán bộ vô lý, thu tiền của học sinh trái quy định, nhà trường còn tổ chức cắt xén tiền đứng lớp và thừa giờ của giáo viên; xây miếu thờ trong trường rồi tổ chức cúng bái…” – cô Nga bức xúc cho biết.
Với những thông tin về việc trường Cao đẳng nghề thu tiền của học sinh trái quy định và những phản ánh của giáo viên đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.
(Còn nữa)