Trường đại học cần được toàn quyền trong bổ nhiệm GS, PGS của cơ sở mình

18/02/2022 06:28
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- TS Phạm Hiệp: “Về kiểm soát chất lượng bài báo khoa học của các ứng viên GS, PGS, quy chế pháp lý đã rõ ràng, quan trọng là khâu triển khai thực hiện”.

Thời gian qua, quá trình xét duyệt của Hội đồng giáo sư cơ sở, Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành đối với các ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2021 đã đặt ra nhiều băn khoăn, tranh cãi xoay quanh chất lượng các bài báo khoa học của một số ứng viên.

Giới khoa học cũng đặt ra nhiều câu hỏi khi quá trình xét duyệt đã để lọt những ứng viên có bài báo quốc tế ở các tạp chí đã bị loại ra khỏi danh sách Scopus (thời điểm tác giả đăng bài) hoặc tạp chí phi pháp.

Bên cạnh đó, có những ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư các ngành thuộc khối khoa học xã hội như Chính trị học - Triết học, Tâm lý học, Giáo dục học,… lại kê khai bài báo quốc tế uy tín xuất bản trên tạp chí nghiên cứu lĩnh vực Toán học, Máy tính. [1]

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Trao đổi nội dung này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng bài báo khoa học quốc tế của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư thuộc về Hội đồng giáo sư cơ sở và Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành.

Hai hội đồng giáo sư này có nhiệm vụ là phải rà soát, kiểm tra được những bài báo đăng trên những tạp chí đã không còn thuộc hệ thống Scopus theo yêu cầu cứng đã được đặt ra.

Đối với một số bài báo đăng trên tạp chí vẫn nằm trong danh sách Scopus nhưng có những dấu hiệu nghi vấn thì hội đồng giáo sư cũng phải tìm ra để đánh giá công bằng, khách quan, ví dụ như nội dung một đằng mà tên tạp chí một nẻo; Tạp chí đã từng thuộc hệ thống Scopus nhưng thời điểm tác giả đăng bài đã bị loại khỏi hệ thống này.

“Đối với những trường hợp đã đầy đủ thông tin, khi bài báo đăng trên tạp chí không nằm trong Scopus hoặc tạp chí phi pháp thì Hội đồng hoàn toàn có thẩm quyền không công nhận những bài báo này.

Ngoài ra, có trường hợp bài báo đăng trên tạp chí vẫn thuộc danh sách Scopus (theo đúng tiêu chuẩn cứng) nhưng hội đồng cần phải phát huy quyền, nhiệm vụ và năng lực thẩm định của mình thông qua việc chấm điểm.

Không phải bài báo nào cũng đạt điểm tối đa 1,5 điểm hay 2 điểm, mà tùy vào chất lượng từng bài báo khoa học để hội đồng chấm các mức điểm khác nhau”, Tiến sĩ Phạm Hiệp nêu rõ quan điểm.

Bên cạnh yêu cầu đủ số điểm theo tiêu chuẩn cứng, ứng viên giáo sư, phó giáo sư còn phải đủ số phiếu tín nhiệm. Như vậy, quy trình đã đầy đủ, rõ ràng các bước để đánh giá đúng sai. Vấn đề là Hội đồng có tìm và chỉ ra được những trường hợp sai, có đánh giá đúng hay không.

Không nên đề ra tiêu chuẩn quá cứng nhắc

Đối với một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư thuộc khối khoa học xã hội nhưng lại kê khai bài báo quốc tế uy tín xuất bản trên tạp chí nghiên cứu lĩnh vực Toán học, Máy tính, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, theo tiêu chuẩn cứng, có bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh sách Scopus là đạt yêu cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ đối chiếu vào tiêu chuẩn cứng để đánh giá chất lượng bài báo thì không cần đến một Hội đồng giáo sư mà chỉ cần một cá nhân hiểu về đo lường khoa học là có thể làm được. Vì vậy, vai trò, chức năng thẩm định của Hội đồng giáo sư phải được thể hiện rõ khi đánh giá chính xác những trường hợp này.

“Rõ ràng, đây là trách nhiệm của Hội đồng giáo sư, quy trình xét duyệt các ứng viên có 3 vòng, từ Hội đồng giáo sư cơ sở, Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành đến Hội đồng giáo sư nhà nước. Nếu Hội đồng giáo sư cơ sở để lọt những ứng viên có bài báo không đảm bảo chất lượng thì Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành phải tìm ra được và đánh giá một cách khách quan. Nếu Hội đồng bỏ lọt quá nhiều ứng viên chưa đạt yêu cầu thì cần phải xem xét lại.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, quy định về liêm chính học thuật, đạo đức khoa học đã rõ ràng. Thủ tục pháp lý cũng đã tường minh, chặt chẽ, vấn đề còn lại là khâu triển khai thực hiện có đảm bảo hay không”, Tiến sĩ Phạm Hiệp chia sẻ.

Trước đó, nói về lý do ứng viên bị loại, Giáo sư Lê Tuấn Hoa – Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Toán có nhắc đến trường hợp ứng viên giỏi được đi công tác nước ngoài nhưng theo quy định của Việt Nam lại không đủ giờ giảng trong nước. [2]

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, quy chế này đã được bàn luận nhiều năm nay, liệu rằng được bổ nhiệm giáo sư rồi mới đi giảng dạy hay phải giảng dạy đủ số giờ mới được bổ nhiệm giáo sư.

“Quan điểm của tôi là không nên đưa ra một tiêu chí quá cứng nhắc mà nên có sự bù trừ giữa các tiêu chí khác nhau khi đánh giá, cho điểm các ứng viên. Tôi biết có những người vì thiếu giờ giảng, dù các tiêu chuẩn khác đều tốt mà họ không làm hồ sơ gửi lên.

Nhà khoa học vừa giảng dạy vừa làm công việc nghiên cứu. Hội đồng giáo sư không nên đưa ra, áp dụng những tiêu chuẩn quá cứng, thay vào đó, có thể quy đổi điểm giữa các tiêu chí.

Một người chỉ vì được mời đi nước ngoài mà thiếu giờ giảng trong nước, không đủ 3 năm liên tiếp giảng dạy trong nước, không đủ giờ giảng, dẫn đến không đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư là rất đáng tiếc”, Tiến sĩ Hiệp bày tỏ quan điểm.

Cũng theo chuyên gia này, Hội đồng giáo sư có thể tận dụng cơ chế đặc cách để không bỏ sót những ứng viên xuất sắc nhưng thiếu giờ giảng trong nước. Các hội đồng muốn bảo vệ người giỏi còn thiếu tiêu chuẩn cứng thì nên dùng quyền đặc cách để xét duyệt những ứng viên tài năng. Trong quá khứ, chúng ta cũng từng có giáo sư ngành Toán, ngành Cơ học được đặc cách như vậy.

Trường đại học cần có quyền bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học – những đơn vị sử dụng lao động lại không có nhiều quyền trong việc tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của trường mình. Điều này không giống với thông lệ quốc tế hiện nay.

Trong tương lai, cần phải tiến tới để các trường đại học được toàn quyền hoặc có nhiều quyền hơn trong việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của đơn vị mình.

Tiến sĩ Phạm Hiệp phân tích: “Ví dụ như Hội đồng giáo sư nhà nước chỉ đưa ra tiêu chuẩn cứng, Hội đồng giáo sư cơ sở của các trường sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn đó để xét duyệt các ứng viên của mình. Điều này cũng giống như yêu cầu tuyển dụng vị trí chuyên viên là ứng viên phải có bằng đại học, Bộ Nội vụ đưa ra tiêu chuẩn đó và các cơ quan căn cứ yêu cầu này để thực hiện.

Trao quyền cho các trường trong việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư còn giúp các đơn vị này thu hút người tài, những nhà khoa học giỏi vào làm việc và cống hiến vì sự phát triển của giáo dục.

Thương hiệu của một cơ sở giáo dục đại học sẽ tạo nên chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư. Nếu trường nào thương hiệu tốt thì có thể đặt tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn của Hội đồng giáo sư nhà nước”.

Cũng theo Tiến sĩ Hiệp, những năm gần đây, quy trình bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam đã rõ ràng, hội nhập với xu thế quốc tế tốt hơn. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt hiệu quả cao nhất thì cần phải có cơ chế trao nhiều quyền hơn cho các đơn vị sử dụng lao động: giáo sư trường nào, trường đó bổ nhiệm.

Còn như hiện nay, đơn vị sử dụng lao động không được trực tiếp bổ nhiệm mà chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/bai-bao-khoa-hoc-cua-ung-vien-gs-pgs-tren-cac-tap-chi-ai-kiem-soat-chat-luong-post1412614.tpo

[2] https://congluan.vn/mot-nua-ung-vien-gs-pgs-toan-hoc-bi-rung-chu-tich-hoi-dong-tiet-lo-ly-do-post180777.html

Phạm Minh