Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam đào tạo theo định hướng công nghệ ứng dụng.
Tiền thân từ trường chuyên nghiệp Hà Nội và trường chuyên nghiệp Hải Phòng, sau nhiều lần di chuyển địa điểm, nâng cấp, đổi tên, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vẫn luôn được đánh giá là cái nôi đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ kinh tế hàng đầu của cả nước.
Tại buổi lễ, Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Quý – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết:
“Trong 120 năm, nhà trường đã cung cấp hàng vạn các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, cử nhân cho đất nước.
Trong số đó có nhiều cựu sinh viên của trường đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, đã đi vào lịch sử làm rạng danh quốc gia, dân tộc...
Nhiều cựu sinh viên đã trở thành nhà quản trị, doanh nhân thành đạt, nhiều người trở thành nhà khoa học...”
Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Quý – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: LC) |
Trong suốt chiều dài lịch sử 120 năm ấy, Trường vinh dự được đón Bác Hồ 4 lần về thăm (từ năm 1945 - 1957): lần thứ nhất Bác về thăm vào tháng 9 năm 1945. Lần thứ hai sau đó 10 năm vào tháng 9 năm 1955.
Đặc biệt, năm 1957 Trường vinh dự đón Bác về thăm 2 lần vào tháng 1 và tháng 5.
Tại buổi gặp mặt ngày 26/1/1957, Người đã nói chuyện với cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường về vai trò của người cán bộ kỹ thuật đối với công cuộc xây dựng đất nước.
Người căn dặn: “Các cháu cần ra sức học tập để sau này phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Vì trong việc xây dựng kinh tế hiện đang cần nhiều cán bộ kỹ thuật”.
Định hướng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh |
Trường Đại học Hà Nội hiện có 3 cơ sở đào tạo với tổng diện tích 50ha, gần 1500 cán bộ, giảng viên, trong đó có trên 200 giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư.
Quy mô của trường trên 30000 học viên, sinh viên, đào tạ nhiều cấp trình độ gồm 4 ngành tiến sĩ, 9 ngành thạc sĩ, 33 ngành đại học, 15 ngành cao đẳng, đào tạo liên thông, đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo các chương trình ngắn hạn, chương trình hợp tác quốc tế...
Mỗi năm, trường Đại học Công nghiệp đã cung cấp cho thị trường lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài hơn 10000 kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên có kiến thức, kỹ năng và tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tại buổi lễ kỷ niệm, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng khẳng định:
“Đại học Công nghiệp Hà Nội quyết tâm thực hiện phát triển Nhà trường trên tầm cao mới với các nhiệm vụ trọng tâm:
Đổi mới quản trị đại học theo mô hình đại học điện tử, hướng tới quản trị đại học thông minh, thực hiện tự chủ đi đôi với trách nhiệm xã hội, coi người học là trung tâm của mọi hoạt động;
Đại học Công nghiệp Hà Nội trải qua 120 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành. (Ảnh: ĐHCN) |
Phát triển theo định hướng hội nhập quốc tế, áp dụng những tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế, tiếp thu chọn lọc những mô hình và kinh nghiệm thành công của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, chú trọng nâng cao năng lực thực chất của cả người dạy và người học;
Chú trọng phát triển chất lượng, giữ ổn định quy mô đào tạo, phát huy thế mạnh cốt lõi trong đào tạo chất lượng cao, đào tạo trình độ cao và nghiên cứu mũi nhọn, ưu tiên một số lĩnh vực, ngành nghề có vai trò then chốt đối với nền cách mạng công nghiệp 4.0...”
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.