Trường Đại học Hải Phòng chuẩn bị xây dựng đề án phát triển trường đến năm 2030

08/12/2023 07:04
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Đại học Hải Phòng đã nêu rõ thực trạng của nhà trường trong giai đoạn từ năm 2018-2023, chỉ ra những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Trường Đại học Hải Phòng đã xây dựng đề án "Đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Trong đề án này, Trường Đại học Hải Phòng đã nêu rõ thực trạng của nhà trường trong giai đoạn từ năm 2018-2023, chỉ ra những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Quy mô đào tạo lớn

Trường Đại học Hải Phòng hiện có 32 đơn vị, trong đó có 11 phòng ban, 12 khoa, 6 trung tâm và 3 trường thực hành.

Cơ cấu tổ chức của nhà trường gồm: Đảng uỷ, Hội đồng trường, Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Hội đồng tư vấn khác, các đơn vị thuộc trường.

Theo thống kê của Trường Đại học Hải Phòng, hiện nay, trường có 754 viên chức, người lao động, trong đó có 9 phó giáo sư, 97 tiến sĩ, 407 thạc sĩ, 150 đại học, 91 trình độ khác.

Số giảng viên nhà trường là 417 người. Tỷ lệ bình quân sinh viên trên một giảng viên là 21 sinh viên/giảng viên.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường hiện nay là 417 người, chiếm 55% trong tổng số viên chức, người lao động (gồm 11 giảng viên cao cấp, 126 giảng viên chính, 280 giảng viên, trợ giảng), trong đó có 9 giảng viên chức danh phó giáo sư (chiếm 2,3%), 103 giảng viên trình độ tiến sĩ (chiếm 25%).

Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Hải Phòng đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Lã Tiến)

Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Hải Phòng đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Lã Tiến)

Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 02 ngành trình độ tiến sĩ, 06 ngành trình độ thạc sĩ, 24 ngành trình độ đại học, 01 ngành trình độ cao đẳng là cao đẳng sư phạm mầm non.

Các ngành đào tạo cơ bản ổn định và phát triển theo 4 khối ngành: Khối Sư phạm đào tạo giáo viên các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông;

Khối Kinh tế - Kế toán đào tạo cử nhân Kinh tế ngoại thương, Kinh tế vận tải và dịch vụ, Quản lý kinh tế, Quản trị kinh doanh, Marketing, Kế toán, Tài chính...;

Khối Công nghệ - Kỹ thuật đào tạo cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư các ngành Công nghệ thông tin, Xây dựng, Kiến trúc, Cơ khí, Điện, Điện tử…;

Khối ngành du lịch, ngoại ngữ và khoa học xã hội khác đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung, Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành, Văn học, Công tác xã hội, Việt Nam học…

Theo Đề án của Trường Đại học Hải Phòng, tổng số người nhập học các trình độ đào tạo trong giai đoạn 2018-2023 là 38.632 người, trong đó: hệ chính quy 16.514 sinh viên; cao học 1.029 học viên, 06 nghiên cứu sinh, vừa làm vừa học 18.620 học viên; các trường Thực hành sư phạm 8.222 học sinh.

Quy mô đào tạo trung bình qua các năm khoảng 16.000 người học. Số lượng người học tốt nghiệp giai đoạn 2018-2023 cụ thể: 1.135 thạc sĩ, tiến sĩ; 6.040 đại học, cao đẳng, 16.696 vừa làm vừa học.

Quy mô người học hiện tại của Trường Đại học Hải Phòng là 16.276 người, gồm sinh viên chính quy: 11.309; học viên sau đại học: 384; học viên hệ vừa làm vừa học: 3.216; các trường thực hành: 1.367 học sinh.

Bảng thống kê số người nhập học và quy mô đào tạo của Trường Đại học Hải Phòng giai đoạn 2018-2023 (Ảnh: Lã Tiến)

Bảng thống kê số người nhập học và quy mô đào tạo của Trường Đại học Hải Phòng giai đoạn 2018-2023 (Ảnh: Lã Tiến)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Trường Đại học Hải Phòng cho biết, tại cuộc làm việc của lãnh đạo thành phố Hải Phòng với nhà trường để nghe báo cáo về Đề án “Đổi mới và phát triển Trường đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, lãnh đạo thành phố, các sở, ngành đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Nhà trường đã nghiêm túc tiếp thu, hoàn chỉnh đề án với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện trong giai đoạn tới.

Nhà trường đã tiến hành khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng số sinh viên tốt nghiệp giai đoạn 2019-2022 đạt tỷ lệ trung bình trên 88,65% (năm 2019 là 83,38%, năm 2020 là 96,45 %, năm 2021 là 85,62%, năm 2022 là 89,15%).

Một số ngành có tỷ lệ việc làm đúng ngành cao như: Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Du lịch, Công nghệ kỹ thuật điện tử, Giáo dục tiểu học đạt trên 90%...

Nhà trường đã đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ đầu vào năm 2018, đang chuẩn bị kiểm định cơ sở giáo dục chu kỳ 2. Tuy nhiên, số lượng chương trình đào tạo được kiểm định còn ít (3/32 chương trình đào tạo, đạt 10%).

Cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu

Theo Quyết định số 133/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, từ tháng 1/2020, Trường Đại học Hải Phòng là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) theo quy định của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Nguồn thu của nhà trường giai đoạn 2018-2022 trung bình đạt 206 tỷ đồng/năm. Số chi trung bình giai đoạn 2018-2022 là 171 tỷ đồng, trong đó chi cho con người chiếm 50,92%; chi cho người học là 4,37%; chi chuyên môn chiếm 17,7%; chi hoạt động thường xuyên khác là 18,23% và chi đầu tư cơ sở vật chất chiếm 8,78%.

Hàng năm sau khi hạch toán các khoản chi phí, nộp thuế theo quy định, phần chênh lệch thu chi, nhà trường trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ thu nhập tăng thêm, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi. Việc sử dụng các quỹ được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ.

Từ khi thực hiện tự chủ nhóm 2, Trường trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trung bình 7,6 tỷ đồng mỗi năm, tập trung chi hỗ trợ cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ; cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất nhà trường.

Bảng thống kê số lượng người học tốt nghiệp giai đoạn 2018-2023 (Ảnh: Lã Tiến)

Bảng thống kê số lượng người học tốt nghiệp giai đoạn 2018-2023 (Ảnh: Lã Tiến)

Trường Đại học Hải Phòng có 6 địa điểm đào tạo đặt tại quận Kiến An và Ngô Quyền, với tổng diện tích quy hoạch hơn 30 ha, bao gồm: (1) Trụ sở chính tại số 171 Phan Đăng Lưu, Kiến An có quy hoạch tổng thể trên diện tích 27,17 ha;

(2) Trường Tiểu học Thực hành, Trường Mầm non Thực hành (số 40 Phan Đăng Lưu, phường Trần Thành Ngọ); (3) Trường Phổ thông Phan Đăng Lưu (số 6 Khúc Trì, phường Ngọc Sơn);

(4) Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học và Đào tạo thường xuyên (số 49 Trần Phú, phường Cầu Đất); (5) Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ (số 246A Đà Nẵng, phường Cầu Tre); (6) Khu phòng học tại số 1A7, ngõ Nam Pháp 1, phường Đằng Giang.

Các địa điểm trên có hơn 1.000 phòng (giảng đường, phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm, phòng nghiệp vụ, phòng hội thảo, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng ở cho sinh viên nội trú…).

Dự án xây dựng mở rộng Trường Đại học Hải Phòng theo Quyết định số 2089/QĐ-UBND được triển khai từ năm 2000 đến nay ước tính tổng mức đầu tư được duyệt là 1.650 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách Trung ương và thành phố.

Hiện tại, dự án đã thi công và bàn giao đưa vào sử dụng 60% hạng mục; còn 03 dự án đang thi công dở dang và 06 dự án chưa được đầu tư. Các dự án được xây dựng từ năm 1989, đến nay đã được trên 15 năm, bao gồm 48 công trình; hiện trạng các công trình đã xuống cấp cần phải bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa.

Thư viện trường có diện tích 2.695m2 (phòng đọc, kho sách, phòng làm việc và các khu vực phụ trợ); có tổng 200 chỗ ngồi được bố trí trong các phòng đọc; phòng đọc chưa được thiết kế theo không gian mở; chưa có phòng đa phương tiện để sinh viên khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin số có định dạng khác nhau (văn bản điện tử, âm thanh, hình ảnh)…

Nguồn học liệu gồm 37.567 đầu tài liệu (154.753 bản), trong đó: 33.267 đầu sách (150.264 bản); 413 đề tài nghiên cứu khoa học; 3.821 luận văn, luận án; tài liệu số có 1.825 tài liệu (luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học: 1.483; sách: 342); có liên kết hợp tác để khai thác và chia sẻ tài liệu số nội sinh với thư viện một số trường đại học trong nước như: Trường Đại học Thương Mại, Hồng Đức, Hàng Hải Việt Nam, Đại học Mở Hà Nội)…

LÃ TIẾN