Theo thống kê từ dữ liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, tính đến ngày 31/8/2024, cả nước có 11/244 cơ sở giáo dục và 574 chương trình đào tạo (của 63 cơ sở giáo dục) được đánh giá, công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Cơ hội việc làm rộng hơn khi SV tốt nghiệp chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn nước ngoài
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hiện có 8 chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ, ngoài 33 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, nhà trường có 8 chương trình đào tạo được đánh giá, kiểm định bởi Tổ chức Mạng lưới Bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).
Trong 8 chương trình đào tạo đó, nhà trường có 4 chương trình đào tạo được đánh giá lần đầu tiên vào năm 2019 theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo bởi tổ chức AUN-QA phiên bản 3.0 và 4 chương trình đào tạo được đánh giá vào năm 2021 theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo của tổ chức AUN-QA phiên bản 4.0.
"Đối với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, việc chương trình đào tạo được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn nước ngoài nhằm từng bước tiếp xúc, xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng cốt lõi của nhà trường trong giáo dục và đào tạo”, cô Cầm chia sẻ.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Ái Cầm, nhà trường chủ trương việc tiếp cận và lựa chọn đánh giá chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước hay nước ngoài là do các khoa của trường đề xuất trên cơ sở phù hợp với nguồn lực, ngành đào tạo, định hướng phát triển của khoa.
Theo Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 14/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 – 2030”, đến năm 2025 nêu: "10% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế" và đến năm 2030 có "100% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước tự đánh giá theo khung tiêu chuẩn đánh giá của khu vực ASEAN, trong đó 20% đạt theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế".
Do đó, để hướng đến hội nhập và thực hiện Quyết định số 78/QĐ-TTg, nhà trường khuyến khích việc tiếp cận kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, theo từng khối ngành, đặc biệt là 8 ngành được luân chuyển lao động trong khối cộng đồng chung Đông Nam Á (theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển, gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch-PV). Từ đó, giúp người học tăng thêm cơ hội việc làm trên thị trường lao động quốc tế.
Cùng chia sẻ về một số chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết, nhà trường đặt mục tiêu trở thành trường đạt chuẩn quốc tế, do đó, tất cả các chương trình đào tạo của nhà trường hướng tới đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài - sản phẩm cốt lõi của nhà trường.
Theo cô Thúy, để có một chương trình đào tạo đạt kiểm định theo bộ tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nước ngoài là cả một quá trình. Với 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam, nhà trường căn cứ vào đó để đăng ký với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tiến hành đánh giá chương trình đào tạo của nhà trường.
“Một số chương trình đào tạo của Trường Đại học Hoa Sen được đánh giá, công nhận đạt kiểm định bởi tổ chức ACBSP – Hội đồng kiểm định các trường học và chương trình đào tạo về kinh doanh của Hoa Kỳ (5 ngành gồm Marketing, Quản trị Kinh doanh, Quản trị Nhân lực, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng); một số chương trình đào tạo đạt kiểm định bởi tổ chức FIBAA – Tổ chức phi chính phủ về đảm bảo chất lượng giáo dục của Thụy Sĩ,...”, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có 38 chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, 38 chương trình đào tạo của trường được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài là do nhà trường mong muốn được tiếp cận theo các tiêu chuẩn nước ngoài về đảm bảo chất lượng cũng như thiết kế và triển khai thực hiện chương trình đào tạo. Đây cũng là một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển nhà trường về nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hội nhập quốc tế.
Với những chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nước ngoài, nhà trường mong muốn sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ đáp ứng được thị trường lao động trong nước mà còn hoàn toàn có năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động ở khu vực và quốc tế; hoặc các em có thể tự tin, tiếp tục học tập tại các trường đại học uy tín trên thế giới.
“Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, nhà trường dự kiến sẽ tiếp tục triển khai kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ASIIN (viết tắt của Accreditation Agency for Study Programs in Engineering, Informatics, Natural Sciences and Mathematics - Tổ chức kiểm định của Hiệp hội kiểm định chất lượng đại học châu Âu).
ASIIN được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận tại Việt Nam đối với cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
Còn sau năm 2025, nhà trường sẽ ưu tiên kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn kiểm định của Hội đồng kiểm định ABET (Hoa Kỳ)”, thầy Hiếu chia sẻ.
Trước khi đánh giá chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, các cơ sở giáo dục đều có sự tìm hiểu kỹ lưỡng với cách thức khác nhau.
Theo cô Thúy, để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tiến hành đánh giá, công nhận bất kỳ chương trình đào tạo nào của nhà trường, lãnh đạo nhà trường đều phải căn cứ vào thế mạnh, mục tiêu phát triển của ngành đào tạo, từ đó, nhà trường sẽ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài sao chương trình cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí của tổ chức kiểm định đó.
Cùng chia sẻ, cô Cầm cho biết, trước khi 8 chương trình đào tạo của nhà trường được đánh giá theo tiêu chuẩn AUN-QA, nhà trường đã đăng ký làm thành viên của Tổ chức mạng lưới các trường đại học hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á (AUN-QA).
“Để tham gia làm thành viên của Mạng lưới AUN-QA, nhà trường cần đáp ứng các yêu cầu của tổ chức như: phải có nhân sự phụ trách đảm bảo chất lượng; có chiến lược đảm bảo chất lượng; cử nhân sự tham gia tập huấn về tiêu chuẩn AUN-QA, tham gia các hội thảo,... nhằm học hỏi các “điển hình” trong công tác đảm bảo chất lượng để sau đó về triển khai áp dụng cho nhà trường. Quá trình tham gia làm thành viên của Mạng lưới AUN-QA cũng giúp nhà trường hiểu và thiết lập các hoạt động đảm bảo chất lượng phù hợp với yêu cầu trước khi chương trình đào tạo được đánh giá chính thức”, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bày tỏ.
Trong khi đó, thầy Hiếu cho rằng, trước khi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài nào đánh giá chương trình đào tạo của trường, nhà trường có tham khảo, xem xét về tính pháp lý, uy tín của tổ chức kiểm định đó. Điều này được thể hiện rõ qua danh sách 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, nhà trường còn xem xét đến sự phù hợp giữa thế mạnh, năng lực của tổ chức kiểm định trong việc kiểm định chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ đối với chương trình đào tạo của nhà trường.
Tổ chức kiểm định nước ngoài có mức phí đánh giá tùy vào quy mô, thương hiệu
Theo lãnh đạo các trường đại học cho biết, giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước cũng có một số điểm giống và khác biệt cơ bản.
Thầy Hiếu nêu quan điểm, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài cơ bản là giống nhau về quy trình đánh giá chương trình đào tạo. Cụ thể, đầu tiên, các chương trình đào tạo phải được thực hiện tự đánh giá, chuẩn bị hệ thống các minh chứng và gửi cho tổ chức kiểm định. Sau đó, tổ chức kiểm định sẽ có phản hồi, nếu đồng ý với báo cáo tự đánh giá thì sẽ thực hiện đánh giá ngoài.
Điểm khác biệt rõ giữa hoạt động kiểm định chương trình đào tạo nước ngoài và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước là thời gian đánh giá ngoài của các tổ chức kiểm định nước ngoài thường ngắn hơn trong nước từ 1-1,5 ngày.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Ái Cầm cho rằng, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp cận về quy trình, bộ tiêu chuẩn chất lượng với các tổ chức kiểm định giáo dục nước ngoài. Điều này thể hiện ở Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học; Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang thực hiện kế hoạch triển khai chương trình phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm năm 2024, 2025,... Từ đó, giúp định hướng công tác đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo trong nước ngày càng tiệm cận với nước ngoài.
Trước một số ý kiến cho rằng, quá trình thực hiện kiểm định chương trình đào tạo bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có phần tốn kém, cô Thúy cho hay, hiện nay, số lượng chương trình đào tạo được công nhận theo bộ tiêu chuẩn kiểm định nước ngoài còn ít so với số lượng chương trình đào tạo trên cả nước. Mức chi phí kiểm định còn tùy vào từng tổ chức, về cơ bản không có quá nhiều chênh lệch. Nhưng để tiến hành kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, nhà trường phải chuẩn bị rất kỹ, nội tại của chương trình đào tạo phải đạt tiêu chuẩn thì trường mới đăng ký để đánh giá, kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài nên cần khá nhiều thời gian chuẩn bị chu đáo.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Cầm chia sẻ thêm, mỗi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có mức chi phí khác nhau khi kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, tùy thuộc vào quy mô, thương hiệu.
Còn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước hiện nay không có sự khác biệt nhiều về chi phí đánh giá.
"Với chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài còn có các chi phí khác như: vé máy bay, khách sạn cho thành viên tổ chức kiểm định đáp ứng theo tiêu chuẩn của tổ chức; biên dịch tài liệu trong hồ sơ minh chứng từ tiếng Việt sang tiếng Anh, phiên dịch,...”, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 07 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục thành phố Hồ Chí Minh); Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục Hà Nội).
Và có 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam, gồm: HCERES, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, ABET, ACBSP, THE-ICE, ACQUIN.