Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mở ngành Vật lí học đáp ứng bối cảnh phát triển KHCN

22/04/2025 06:52
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dự báo cho thấy nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này gia tăng mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu cấp bách về đào tạo chuyên sâu bài bản, gắn kết với ứng dụng thực tiễn.

Năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy với tổng chỉ tiêu dự kiến là 4.995, phân bổ cho 50 ngành thuộc 9 lĩnh vực đào tạo. Đáng chú ý, nhà trường mở thêm 5 ngành mới gồm: Công nghệ sinh học, Vật lí học (chương trình đào tạo Vật lí bán dẫn và kỹ thuật), Lịch sử, Xã hội học, và Tiếng Việt cùng Văn hóa Việt Nam.

Như vậy, mùa tuyển sinh này, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu triển khai đào tạo ngành Vật lí học (chương trình đào tạo Vật lí bán dẫn và kỹ thuật), mở ra nhiều cơ hội học tập và nhu cầu việc làm đáp ứng bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ hiện nay. Sự đổi mới này không chỉ gắn liền với yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong xã hội, mà còn thu hút sự quan tâm lớn từ các em học sinh và bậc phụ huynh.

Bước đệm để Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu

Từ những con chip bán dẫn bé nhỏ đến các hệ thống điện tử phức tạp vận hành cả thế giới – tất cả đều bắt nguồn từ nền tảng vật lí học. Vật lí bán dẫn không chỉ là lý thuyết trong phòng thí nghiệm, mà còn là "trái tim" của cuộc cách mạng công nghệ hiện đại hóa. Chia sẻ về vai trò của ngành Vật lí học, Tiến sĩ Trịnh Hải Đăng - cựu sinh viên K47, Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; hiện đang đảm nhiệm vai trò quản lý kỹ thuật tại Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - một trong những tập đoàn sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới cho biết:

"Vật lí chính là nền tảng cốt lõi của cuộc sống và của hầu hết các ngành kỹ thuật tiên tiến hiện nay. Đặc biệt, trong ngành công nghệ bán dẫn - đây là lĩnh vực đòi hỏi độ chính xác và sự cải tiến không ngừng. Vì vậy, nhận thấy giá trị thực tiễn và tầm quan trọng của những kiến thức đã được lĩnh hội trong quá trình học tập và làm việc, tôi cho rằng nền tảng vật lí đóng vai trò then chốt, tạo bệ phóng cho những đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số và phát triển bền vững của thế giới trong bối cảnh ngành công nghiệp công nghệ cao đầy cạnh tranh hiện nay".

480919637_640609414993498_2964769901907706711_n.jpg
Sinh viên tham quan, trải nghiệm hệ thống phòng thí nghiệm của Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bao gồm phòng Raman (Bộ môn Chất rắn Điện tử); phòng BET (Bộ môn Vật lí Đại cương); phòng lab (Bộ môn Phương pháp dạy học). Ảnh: HNUE.

Thực tiễn cho thấy, nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành kỹ thuật công nghệ cao, điển hình như chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, một thách thức mang tính chiến lược hiện nay là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao – lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong tiến trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ – vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả, có thể gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và triển vọng phát triển bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên số.

Theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/9/2024 về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Việt Nam xây dựng mục tiêu trở thành một trong các trung tâm nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, từ đó tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, với quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 25 tỷ USD/năm và có hơn 50.000 kỹ sư, cử nhân ngành này [1].

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam cần ưu tiên đẩy mạnh năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), nhưng thực trạng hiện nay, tỷ lệ nhân lực R&D của Việt Nam chưa đến 10 người trên 1 vạn dân, đồng thời tỷ lệ dân số từ 18 đến 29 tuổi học đại học chỉ đạt dưới 29%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên 50% của các quốc gia có thu nhập trung bình cao [2]. Điều này có thể gây cản trở đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Nhất là khía cạnh khoa học vật liệu và năng lượng đòi hỏi nguồn nhân lực chuyên sâu để phát triển vật liệu nano, pin mặt trời, graphene,... Sự thiếu hụt lao động công nghệ cao ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh quốc gia và cũng là rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ.

Đội tuyển của Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã xuất sắc giành giải Đặc biệt toàn đoàn tại Cuộc thi Olympic Vật lí Sinh viên Toàn quốc lần thứ XXVI năm 2024, xếp ở vị trí cao nhất trên tổng số 44 đoàn tham dự. Ảnh: HNUE.
Đội tuyển của Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã xuất sắc giành giải Đặc biệt toàn đoàn tại Cuộc thi Olympic Vật lí Sinh viên Toàn quốc lần thứ XXVI năm 2024, xếp ở vị trí cao nhất trên tổng số 44 đoàn tham dự. Ảnh: HNUE.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Danh Bích - Trưởng khoa Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong bối cảnh công nghệ và khoa học đang phát triển nhanh chóng, việc đào tạo cử nhân ngành Vật lí học (chương trình đào tạo Vật lí bán dẫn và kỹ thuật) đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực và sự phát triển bền vững của khoa học công nghệ. Bởi lẽ, vật lí là cơ sở nền tảng cho hầu hết các ngành công nghệ cao như bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng tái tạo, và cảm biến quang học.

Dự báo cho thấy nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực này sẽ gia tăng mạnh mẽ trong những năm tới, đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác đào tạo lực lượng lao động trình độ cao mang tính hệ thống, bài bản, đồng thời gắn liền chặt chẽ với ứng dụng thực tiễn và đổi mới công nghệ. Từ đó góp phần giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, thúc đẩy hợp tác quốc tế và đổi mới sáng tạo, tăng cường vị thế công nghệ của nước ta trên trường quốc tế.

Tiềm năng và cơ hội rộng mở cho sinh viên theo đuổi ngành Vật lí học

Chia sẻ về thế mạnh đào tạo ngành học này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Danh Bích cho biết, chương trình Vật lí bán dẫn và kỹ thuật thuộc ngành Vật lí học của Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cung cấp hệ thống nội dung kiến thức bài bản, chuyên sâu về vật lí bán dẫn và các kỹ thuật liên quan, từ vật lí chất rắn, linh kiện bán dẫn cho đến quy trình sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Sinh viên theo học ngành Vật lí học sẽ có cơ hội tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế, từ đó nâng cao năng lực nghiên cứu và thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ. Điều này không chỉ giúp Việt Nam vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất, mà còn mở rộng tiềm năng để trở thành điểm sáng về sáng tạo và nghiên cứu phát triển trong khu vực và thế giới.

MINICOURSE LIÊN KHOA XÂY DỰNG KẾ HOẠCH BÀI HỌC STEM TRONG DẠY HỌC MÔN KHTN.jpg
Sinh viên Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia hoạt động minicourse liên khoa "Xây dựng kế hoạch bài học STEM trong dạy học môn khoa học tự nhiên". Ảnh: HNUE.

Bên cạnh đó, cơ hội nghề nghiệp cũng vô cùng phong phú và đa dạng, mở ra nhiều hướng phát triển cho các em trong sự nghiệp và công việc. Người học tốt nghiệp ngành Vật lí học có thể đảm nhiệm các vị trí như: kỹ sư tại các doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và thiết kế linh kiện bán dẫn, điện tử và vật liệu; chuyên gia kiểm tra và quản lý chất lượng sản phẩm trong ngành công nghiệp vật liệu, năng lượng tái tạo hoặc sản xuất linh kiện; nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyên sâu về vật lí, vật liệu hoặc công nghệ bán dẫn; giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, hoặc giáo viên phổ thông sau khi bổ sung chứng chỉ sư phạm. Các em cũng có thể học tập và nghiên cứu ở bậc cao hơn tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, hướng tới vai trò lãnh đạo hoặc chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Đặc biệt, Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thiết lập những quan hệ hợp tác sâu rộng với nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, các đối tác quốc tế, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Hằng năm, Khoa đón tiếp nhiều chuyên gia quốc tế, tổ chức các hội thảo khoa học, đồng thời nhận được sự hỗ trợ quý giá trong công tác nghiên cứu, ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học.

CHUNG KẾT THE DEBATERS 2025.jpg
Sinh viên Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tích cực tham gia nhiều hoạt động rèn luyện kỹ năng tư duy, phản biện, kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề liên ngành. Ảnh: HNUE.

Ngoài ra, nhiều cựu sinh viên của Khoa hiện đang là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn, làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC - Taiwan Semiconductor Manufacturing Company); Tập đoàn Micron Technology (Nhật Bản);... Đây là minh chứng rõ nét cho sự thành công của Khoa Vật lí trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường lao động trong ngành công nghệ, đồng thời khẳng định vị thế của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bán dẫn.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân - cựu sinh viên K50 của Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện đang công tác tại phòng nghiên cứu phát triển với vai trò quản lý kỹ thuật tại một công ty hàng đầu tại Đài Loan chuyên sản xuất các cấu trúc laser bán dẫn ứng dụng trong lĩnh vực truyền tải thông tin, radar cảm biến tiệm cận và nhiều ứng dụng công nghệ khác - đánh giá: "Chương trình đào tạo của Khoa Vật lí tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp học tập và công tác làm việc.

Hầu hết các linh kiện điện tử bán dẫn mà mai sau người học tiếp xúc và làm việc đều gắn liền với các tính chất vật lí đặc thù của vật liệu bán dẫn, bao gồm tính chất điện quang, cơ học và sự tương tác của các hạt trong cấu trúc bán dẫn. Chính những kiến thức này đã giúp tôi hiểu rõ và có thể phát triển nghiên cứu về các công nghệ bán dẫn tiên tiến. Vì vậy, nếu các em muốn định hướng nghề nghiệp trong ngành bán dẫn, quyết định học tập chương trình đào tạo chuyên sâu về vật lí bán dẫn và kỹ thuật là một lựa chọn đúng đắn và cần thiết".

HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KHOA VẬT LÍ NĂM 2024.jpg
Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024 của Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: HNUE.

Theo Tiến sĩ Vương Văn Cường - cựu sinh viên K53 của Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện là trợ lý giáo sư tại Viện Công nghệ Công nghiệp bán dẫn, Trường Đại học Hiroshima, nằm trong top 10 trường đại học hàng đầu Nhật Bản và top 100 trường đại học hàng đầu châu Á; trong quá trình học tập tại Khoa, người học được sự hướng dẫn, giảng dạy tận tình và tâm huyết từ các thầy cô. Điều này giúp các em dễ dàng lĩnh hội những kiến thức chuyên sâu về vật lí bán dẫn và kỹ thuật cơ bản, phát huy trách nhiệm và khả năng làm việc trong lĩnh vực bán dẫn và kỹ thuật liên quan.

Ngoài ra, người học còn được rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề liên ngành trong môi trường đa văn hóa. Chương trình đào tạo cung cấp cho sinh viên năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, sử dụng tiếng Anh chuyên ngành để phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, góp phần vào sự phát triển tiềm năng của đất nước và hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vtv.vn/kinh-te/viet-nam-se-co-50000-ki-su-nganh-cong-nghiep-ban-dan-vao-nam-2030-20240923121558986.htm

[2] https://vietnamnet.vn/tang-toc-r-d-de-dinh-hinh-vi-the-viet-nam-2371776.html

Lưu Diễm