Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 có nhiều đổi mới nên thí sinh cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc ôn tập, lựa chọn ngành nghề đến đặt nguyện vọng xét tuyển. Những năm gần đây, ngành Công nghệ thông tin thu hút số lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học. Để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành này, cần có một chiến lược đặt nguyện vọng hợp lý.
Nên ưu tiên nguyện vọng đầu tiên cho trường và ngành bản thân yêu thích nhất
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thành Vinh - Phó Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Vinh gợi ý thí sinh cách đặt nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin.
“Trước hết, thí sinh cần sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự hợp lý. Nguyện vọng đầu tiên nên dành cho trường và ngành bản thân yêu thích nhất, ngay cả khi điểm chuẩn có thể cao. Đây là cơ hội để các em thử sức vào ngôi trường bản thân mơ ước.
Tiếp theo, nguyện vọng thứ hai nên là một trường có ngành Công nghệ thông tin chất lượng nhưng có mức điểm chuẩn thấp hơn một chút, giúp tăng khả năng trúng tuyển.
Đối với các nguyện vọng tiếp theo, thí sinh nên ưu tiên những trường phù hợp với năng lực thực tế, có cơ hội trúng tuyển cao hơn. Ngoài ra, có thể cân nhắc thêm các ngành liên quan như Khoa học dữ liệu, An toàn thông tin hoặc Hệ thống thông tin quản lý.
Nguyện vọng cuối cùng nên được dành cho một trường có mức điểm chuẩn vừa sức, nhằm đảm bảo chắc chắn đỗ.
Bên cạnh phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh có thể tận dụng các phương thức khác như xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (IELTS, SAT, ACT…), hoặc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực từ các đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng. Các tổ hợp phổ biến cho ngành Công nghệ thông tin bao gồm A00 (Toán – Vật lý – Hóa học), A01 (Toán – Vật lý – Tiếng Anh) và D01 (Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh). Nếu thí sinh có thế mạnh về ngoại ngữ, việc chọn tổ hợp có môn Tiếng Anh sẽ giúp thí sinh tận dụng được lợi thế này.
Ngoài ra, môi trường đào tạo cũng là một yếu tố đáng cân nhắc. Nên lựa chọn các trường có thế mạnh về Công nghệ thông tin, sở hữu cơ sở vật chất hiện đại và có mối quan hệ tốt với doanh nghiệp để đảm bảo cơ hội thực tập và việc làm sau này. Đồng thời, thí sinh cần xem xét học phí, vị trí địa lý cũng như chương trình đào tạo của trường từ hệ đại trà hay chương trình tiên tiến hoặc chương trình liên kết quốc tế.
Cuối cùng, không nên chỉ tập trung vào danh tiếng của trường mà cần quan tâm đến chất lượng đào tạo thực tế. Nhiều trường không thuộc nhóm top đầu nhưng vẫn có chương trình Công nghệ thông tin mạnh, mang lại cơ hội thực tập và kết nối việc làm hấp dẫn. Do đó, việc nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định là vô cùng cần thiết để đảm bảo một lộ trình học tập và nghề nghiệp vững chắc trong tương lai”.

Cũng theo Phó Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Vinh, để đặt nguyện vọng một cách thông minh, thí sinh cần có chiến lược phù hợp với năng lực học tập của bản thân. Với ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Vinh xây dựng 4 tổ hợp xét tuyển (A00, A01, D01, D07), thí sinh nên dựa vào kết quả học tập để lựa chọn tổ hợp có điểm số cao nhất, tăng cơ hội trúng tuyển.
Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ là phương thức xét tuyển chính của Trường Đại học Vinh, đảm bảo tính công bằng và khách quan. Ngoài ra, một số trường có thể kết hợp xét tuyển dựa trên học bạ, nhưng phải xem xét kết quả cả năm lớp 12 để đánh giá năng lực học tập của thí sinh một cách toàn diện.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Huỳnh Triệu Vỹ - Phó Trưởng phòng, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Phạm Văn Đồng nhận định để xây dựng một chiến lược đặt nguyện vọng thông minh, trước hết, thí sinh cần hiểu rõ quy tắc xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, mỗi thí sinh có quyền đăng ký nhiều nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Khi trúng tuyển nguyện vọng 1, các nguyện vọng sau sẽ không được xét tiếp. Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, hệ thống sẽ tiếp tục xét đến nguyện vọng kế tiếp.
Điều quan trọng các bạn cần lưu ý là nguyên tắc "vòng lặp công bằng" – nghĩa là nếu một thí sinh không trúng tuyển ở nguyện vọng đầu, khi xét đến nguyện vọng tiếp theo, thí sinh đó sẽ cạnh tranh bình đẳng với tất cả thí sinh khác cùng đăng ký vào ngành đó. Quá trình này diễn ra qua nhiều vòng xét tuyển, và chỉ đến vòng xét cuối cùng, thí sinh mới được xác định có trúng tuyển hay không.
“Năm 2025, ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Phạm Văn Đồng vẫn giữ nguyên 4 tổ hợp môn xét tuyển như năm 2024 bao gồm: A00, A01, D01, D90. Về phương thức tuyển sinh, nhà trường áp dụng hai phương thức chính: xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 và xét tuyển dựa trên điểm tổng kết lớp 12 của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển.
Khi đăng ký trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh không cần đăng ký tổ hợp môn cụ thể mà chỉ cần chọn trường, ngành và thứ tự nguyện vọng. Ví dụ nếu mong muốn theo học tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, thí sinh cần đặt ngành học tại trường làm nguyện vọng 1, vì quá trình xét tuyển sẽ ưu tiên theo thứ tự nguyện vọng", Tiến sĩ Huỳnh Triệu Vỹ bày tỏ.

Cần kết hợp hài hòa giữa sở trường, sở thích và nhu cầu thực tế của thị trường lao động
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, chiến lược đặt nguyện vọng thông minh cần kết hợp giữa 3 yếu tố là sở trường, sở thích và nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Điều này giúp thí sinh không chỉ có động lực học tập mà còn tăng cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
"Việc lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực cá nhân là yếu tố quan trọng, giúp thí sinh dễ dàng phát huy thế mạnh và đạt kết quả tốt trong quá trình học tập. Nếu chọn một ngành quá khó so với khả năng, các em có thể gặp nhiều áp lực và dễ rơi vào tình trạng chán nản, thậm chí bỏ cuộc giữa chừng.
Bên cạnh đó, việc học ngành mà bản thân yêu thích sẽ tạo ra động lực và niềm vui trong suốt thời gian học. Nếu chỉ chạy theo xu hướng mà không có đam mê thực sự, thí sinh có thể nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi và thiếu động lực phát triển bản thân.
Ngoài ra, nhu cầu của thị trường lao động cũng là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc. Lựa chọn những ngành có nhu cầu cao sẽ giúp thí sinh dễ dàng tìm được việc làm với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng xu hướng nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian. Vì vậy, bên cạnh việc chọn ngành có triển vọng dài hạn, thí sinh cũng nên trang bị thêm các kỹ năng mềm để thích ứng với sự biến động của thị trường.
Để đặt nguyện vọng hiệu quả, thí sinh nên ưu tiên những ngành bản thân yêu thích nhất và có điểm chuẩn cao nhưng vẫn trong khả năng trúng tuyển. Tiếp theo, nên cân nhắc ngành phù hợp với năng lực, có cơ hội việc làm tốt và điểm chuẩn vừa tầm. Đối với những nguyện vọng tiếp theo, có thể chọn các ngành có tính thực tế cao, dù không phải là lựa chọn yêu thích nhất nhưng đảm bảo khả năng tìm kiếm việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp”, thầy Minh chia sẻ.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Trưởng phòng, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, việc cân bằng giữa sở trường, sở thích và nhu cầu thực tế không hề đơn giản. Thí sinh nên lựa chọn ngành học dựa trên nhiều yếu tố quan trọng. Trước hết, cần xem xét năng lực của bản thân để đảm bảo có thể theo học và đạt kết quả tốt trong ngành đã chọn. Đồng thời, hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng là một yếu tố không thể bỏ qua, bởi chi phí học tập và điều kiện tài chính có thể ảnh hưởng đến quá trình học đại học.
Bên cạnh đó, sở thích và đam mê đóng vai trò quan trọng, vì khi thực sự yêu thích một ngành học, thí sinh sẽ có động lực để theo đuổi và phát triển bản thân. Dù vậy, việc lựa chọn cũng cần gắn liền với thực tế của thị trường lao động, đảm bảo ngành nghề có triển vọng phát triển, cơ hội việc làm rộng mở và mức thu nhập ổn định sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, định hướng từ gia đình và xu thế xã hội cũng là những yếu tố đáng cân nhắc. Nếu gia đình có truyền thống trong một lĩnh vực nhất định, việc tiếp nối truyền thống có thể là một lợi thế lớn. Tương tự, nếu xã hội có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong một số ngành thì việc lựa chọn ngành học theo xu hướng này cũng có thể mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp.
Nhìn chung, một chiến lược đặt nguyện vọng hợp lý không chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất mà cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố. Khi có quyết định hợp lý, thí sinh không chỉ tăng khả năng trúng tuyển mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.