Ngành Công nghệ thông tin Trường ĐHSP Hà Nội 2: Gắn thực hành, thực hiện dự án

12/07/2024 06:40
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chú trọng đào tạo nền tảng cho sinh viên để các em có tư duy thuật toán, tư duy công nghệ và năng lực tiếp cận công nghệ.

Công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thời đại kỷ nguyên số. Đây là ngành học nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh và được nhiều trường đại học đào tạo.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng là một trong những đơn vị đào tạo ngành Công nghệ thông tin. Theo Đề án tuyển sinh Đại học hệ chính quy năm 2024, năm nay ngành Công nghệ thông tin của trường có 74 chỉ tiêu.

22 năm đào tạo ngành Công nghệ thông tin

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Minh Tước, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ: "Chúng tôi đào tạo ngành Công nghệ thông tin từ năm 2002 với tên trước đây là Tin học, sau đó đổi tên thành Công nghệ thông tin (theo Quyết định chuyển đổi tên ngành số 5240/QĐ-BGDĐT). Tính đến nay, chúng tôi đã đào tạo ngành này được 22 năm.

Trong thời đại công nghệ 4.0, nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin là không thể thiếu trong bất cứ doanh nghiệp, cơ quan, xí nghiệp, tổ chức nào. Vì vậy, nhu cầu nhân lực cho ngành này là rất lớn. Với nền tảng kiến thức được đào tạo các bạn sinh viên sẽ đáp ứng việc công việc cho các đơn vị chuyên về công nghệ thông tin và kể cả không chuyên một cách nhanh chóng".

TS Trần Minh Tước, Viện trưởng Viện CNTT, Trường ĐH SP HN 2 (ảnh NVCC) 2.JPG
Tiến sĩ Trần Minh Tước, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: NVCC

Sinh viên ngành Công nghệ thông tin sau khi ra trường có thể đảm nhận công việc ở các công ty lắp ráp, phân phối máy tính và thiết bị tin học; các công ty phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm; các công ty tư vấn - thiết kế giải pháp mạng, giải pháp công nghệ thông tin cho doanh nghiệp.

Các bạn cũng có thể làm việc tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, các trung tâm thông tin - truyền thông hoặc làm chuyên viên, kỹ thuật viên, nghiên cứu viên ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, viện nghiên cứu liên quan đến công nghệ thông tin.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có định hướng đào tạo sinh viên các vùng trung du miền núi phía Bắc nên khi các em học sinh ở vùng đặc thù theo học tại trường sẽ nhận được nhiều hỗ trợ, giảm thiểu chi phí so với việc học tập thủ đô trong khi vẫn có được một chương trình học cập nhật.

Thầy Tước thông tin: “Từ phía nhà trường, chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Đảng ủy hiện đang xây dựng nghị quyết riêng về việc phát triển Viện Công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Viện Công nghệ thông tin để thực hiện các chế độ chính sách, chế độ hỗ trợ sinh viên một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất”.

Học Công nghệ thông tin trong môi trường sư phạm có gì đặc biệt?

Tiến sĩ Trần Minh Tước chia sẻ: "Việc đào tạo đa ngành là xu hướng chung của các cơ sở giáo dục đại học. Hơn nữa nhà trường hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của việc đào tạo các ngành ngoài sư phạm. Việc mở rộng phạm vi ngành đào tạo sẽ tăng cơ hội cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được lựa chọn ngành, chọn trường khi xét tuyển đại học.

Ngoài ra, chúng tôi luôn luôn rà soát, đánh giá, đối sánh với các chương trình đào tạo ngoài trường để xây dựng khung chương trình cập nhật nhất cho ngành Công nghệ thông tin. Đồng thời chú ý đến vấn đề giảng dạy thực hành để sinh viên kiểm chứng lý thuyết. Bằng chứng là trong khung chương trình có khoảng ¾ nội dung thực hành.

Còn trong các học phần lý thuyết, sinh viên được thực hiện dự án công nghệ thông tin. Phía nhà trường và Viện Công nghệ thông tin cũng có nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học khuyến khích sinh viên tham gia”.

Sinh viên ngành Công nghệ thông tin học tập ảnh NTCC.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: NTCC

Được biết, ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 xét tuyển theo 4 tổ hợp môn Toán, Vật lý, Hóa học (A00); Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh (D01); Toán, Vật lý, Tiếng Anh (A01) và Ngữ văn, Toán, Vật Lý (C01). Như vậy, hai tổ hợp xét tuyển có môn Ngữ Văn.

Thầy Tước chia sẻ: "Mặc dù kiến thức nền tảng cho Công nghệ thông tin là Toán nhưng việc có thêm môn Ngữ văn trong các tổ hợp xét tuyển cũng không phải không có lý do. Thứ nhất, việc này tạo thêm cơ hội cho học sinh khi lựa chọn tổ hợp xét tuyển. Thứ hai, môn Ngữ Văn trong tổ hợp đó cũng có những tác dụng tốt trong quá trình học tập.

Chẳng hạn, trong phạm vi chương trình đào tạo, của chúng tôi cũng có những nội dung, học phần liên quan đến vấn đề ngôn ngữ. Nói đến ngôn ngữ, từ lý thuyết đến thực tiễn, nếu người học không có kỹ năng tốt về ngữ pháp cũng có thể bị ảnh hưởng nhất định".

Không chỉ tạo điều kiện cho các bạn học sinh có nhiều cơ hội được lựa chọn ngành học, phía nhà trường cũng rất chú ý đến việc giúp các bạn sinh viên có thêm cơ hội học tập như việc được xét chọn đi học đại học ở nước ngoài; có thể học cùng lúc hai chương trình đào tạo đại học (ngành 1, ngành 2); có thể tiếp tục học tập nâng cao trình độ (thạc sĩ, tiến sĩ)

"Trong vài năm gần đây việc tạo điều kiện cho các bạn đi học đại học ở nước ngoài khá nhiều. Gần gũi nhất, chúng tôi có những biên bản ghi nhớ (MOU - Memorandum of Understanding) liên kết với các trường đại học ở Hàn Quốc, Trung Quốc như Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc hoặc Đại học Bưu điện Trùng Khánh, Trung Quốc - những trường có kinh nghiệm về đào tạo công nghệ thông tin.

Các bạn sinh viên cần bổ sung thêm năng lực ngoại ngữ (tiếng Trung, tiếng Anh hoặc tiếng Hàn) để có thể nắm bắt được những cơ hội trao đổi, liên kết học tập.

Ngoài ra, sinh viên của Viện Công nghệ thông tin cũng có một số bạn học ngành 2 là Giáo dục tiểu học, Ngôn ngữ Tiếng Anh, Sư phạm Toán. Chắc chắn, nếu hoàn thành được cả hai chương trình, các bạn sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn.

Nhưng để làm được điều này không phải dễ dàng nếu như người học không thực sự cố gắng và có sự sắp xếp thời gian hợp lý” - thầy Tước nói.

Công nghệ thông tin không chỉ dành cho sinh viên nam

Các bạn sinh viên theo học ngành Công nghệ thông tin thường là người có sự hứng thú, say mê với máy móc, công nghệ với sự cẩn thận, tỉ mỉ. Theo thầy Tước, thông thường ngành Công nghệ thông tin có tỉ lệ sinh viên nam theo học nhiều hơn so với sinh viên nữ, nhưng điều quan trọng là tư duy, không phải giới tính.

Tiến sĩ Trần Minh Tước cho hay: "Chúng tôi chú trọng đào tạo nền tảng cho sinh viên để các em có tư duy thuật toán, tư duy công nghệ và năng lực tiếp cận công nghệ. Chúng ta biết rằng công nghệ luôn phát triển không ngừng. Vì vậy chỉ khi có nền tảng tư duy tốt, năng lực tiếp cận tốt, chúng ta mới có thể nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm".

Bạn Hoàng Ánh Tuyết - sinh viên năm 2 ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ: “Ngành học này các bạn nam thường nổi trội hơn so với các bạn nữ nhưng điều đó không có nghĩa là các bạn nữ không thể lựa chọn, quan trọng là mỗi người tìm được phương pháp học tập đúng.

Vì ở bậc trung học phổ thông, mình theo học khối D01 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh) nên thời gian đầu học về máy tính cảm thấy không quen. Bởi vậy, mình đã phải tự học rất nhiều, luyện thêm code để phát triển tư duy lập trình kết hợp với kiến thức thầy cô dạy trên lớp.

Đồng thời, mình phải sẵn sàng cập nhật cái mới vì Công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, mình luôn nhận được sự giúp đỡ của thầy cô. Giảng viên ở Viện Công nghệ thông tin luôn hỗ trợ sinh viên nhiệt tình, cầm tay chỉ dạy rõ ràng.

Ngoài ra, ngành Công nghệ thông tin có nhiều mảng không chỉ là lập trình, viết code mà còn có những mảng khác như cơ sở dữ liệu, kiểm thử. Đây cũng là hướng mình muốn theo đuổi trong tương lai để trở thành một chuyên viên kiểm thử phần mềm”.

Sinh viên Viện Công nghệ thông tin, Trường ĐH SP 2 (ảnh NTCC).jpg
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin có nhiều cơ hội việc làm. Ảnh minh họa: NTCC

Nói về cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, Tiến sĩ Trần Minh Tước khẳng định: "Sinh viên ngành Công nghệ thông tin ra trường đa số có ngay việc làm. Kể cả các bạn chưa tốt nghiệp cũng đã có thể kiếm được công việc với mức lương từ 8 đến 10 triệu đồng và đều làm đúng ngành. Tùy thuộc vào năng lực mà các bạn sinh viên có thể đảm trách công việc từ các cửa hàng máy tính nhỏ lẻ đến cơ quan, doanh nghiệp chuyên về Công nghệ thông tin".

Bạn Đặng Tiến Thành, cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, hiện đang làm việc tại Khối Công nghệ thông tin, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội chia sẻ: “Mình chọn học ngành Công nghệ thông tin vì nhận thấy đây xu hướng của tương lai, nhu cầu lao động lớn. Tuy nhiên, các bạn cần xác định được mục tiêu thực sự sau đó chọn ngành học chứ không nên đi theo đám đông.

Bản thân mình đã xác định được mục tiêu ngay từ năm đầu tiên nên thuận lợi vạch sẵn đường đi để thực hiện điều đó. Vì Công nghệ thông tin là lĩnh vực rộng lớn, do vậy các bạn nên tiếp cận sớm mảng mình muốn tập trung. Đây sẽ là bước đệm hoàn hảo cho công việc tương lai.

Khi bước vào môi trường làm việc, mình đã áp dụng các kiến thức được dạy ở đại học. Đây là những kiến thức nền tảng cần được nắm chắc để từ đó dễ dàng tìm hiểu, đào sâu những kiến thức khó hơn.

Ngoài ra, mình cũng đã sử dụng các kỹ năng mềm được đào tạo từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Vì Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có truyền thống giảng dạy, sư phạm nên sinh viên được trải nghiệm nhiều hoạt động giúp phát triển toàn diện các kỹ năng bên cạnh kiến thức sách vở”.

Hồng Linh