Trường học ở Hà Nội hoàn tất khâu chuẩn bị, sẵn sàng đón năm học mới

27/08/2022 06:53
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường học rà soát, đảm bảo đủ sách giáo khoa, thiết bị, an toàn công tác phòng, chống dịch để sẵn sàng đón năm học mới. 

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là năm học mới chính thức bắt đầu. Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này, các trường học trên địa bàn Hà Nội cơ bản hoàn tất khâu chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên, sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một số trường nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động để tạo tâm thế thoải mái, hứng khởi cho thầy cô và học trò trước khi bước vào năm học mới.

Tổ chức cho học sinh đầu cấp "tuần lễ làm quen"

Ngày 24/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về việc tổ chức lễ khai giảng và tổ chức một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023. Theo đó, yêu cầu tổ chức Lễ khai giảng gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.

Học sinh lớp 1 đến trường làm quen trước khi chính thức bước vào năm học mới 2022-2023. (Ảnh: Ngân Chi).

Học sinh lớp 1 đến trường làm quen trước khi chính thức bước vào năm học mới 2022-2023. (Ảnh: Ngân Chi).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Túy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, phụ huynh, học sinh và nhà trường đều rất vui mừng đón đợi một mùa khai giảng năm học 2022-2023 thực sự ý nghĩa.

“Thực hiện theo công văn hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức, hơn 1 tuần qua, nhà trường tổ chức đón học sinh đầu cấp đến trường trước để làm quen với thầy cô, bạn bè, môi trường học tập mới. Trước đó, nhà trường rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, cũng như chú trọng công tác tập huấn bồi dưỡng giáo viên để sẵn sàng cho năm học mới, nhất là đối với các môn mới triển khai nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Qua quá trình rà soát, trường nhận thấy, hầu hết các em đã có đầy đủ sách, vở, đồ dùng học tập đáp ứng yêu cầu.

Năm học này, toàn trường có 889 học sinh và con số này dự kiến sẽ biến động vì có những trường hợp học sinh chuyển đi, chuyển đến. Đội ngũ giáo viên cơ hữu của trường hiện tại đạt định mức 1,5 giáo viên/lớp, đáp ứng yêu cầu giảng dạy”, cô Nguyễn Thị Túy chia sẻ.

Nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của nhà trường dành cho học sinh khối lớp 3 khi là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, qua khảo sát, học sinh lớp 3 đã có đầy đủ sách giáo khoa. Những học sinh nghèo, không có điều kiện mua sách mới thì đã được các nhà hảo tâm ủng hộ và tặng. Đội ngũ giáo viên qua thời gian miệt mài tập huấn đã thể hiện được năng lực, tay nghề giảng dạy chương trình mới.

“Tin học là môn bắt buộc đối với lớp 3. Do năm đầu triển khai môn học này nên nhà trường cũng gặp những trở ngại nhất định. Nhưng với tinh thần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, trường đã trang bị hoàn tất 1 phòng máy với 30 bộ máy tính. Tuy nhiên, số lượng máy tính còn khiêm tốn. Theo đó, học sinh lớp 3 có giờ thực hành sẽ di chuyển đến học, còn lại sẽ ôn lý thuyết tại lớp để “nhường” phòng máy tính cho lớp khác.

Ngoài Tin học, môn Công nghệ cũng được triển khai đối với lớp 3 trong năm học này. Do đó, nhà trường yêu cầu tổ chuyên môn chuẩn bị đồ dùng dạy học, tạo điều kiện cho các em tiếp cận an toàn với những thiết bị, từ đó xây dựng góc nhìn trực quan, sinh động.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường, để trường học "nói không với COVID", nhà trường quán triệt thực hiện công tác khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp sạch sẽ, khuyến cáo phụ huynh, học sinh tuân thủ biện pháp như đeo khẩu trang, sát khuẩn, tránh tụ tập trong quá trình tham gia học tập, đưa đón con em”, cô Nguyễn Thị Túy chia sẻ thêm.

Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học, đặc biệt đối với các lớp triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường cũng chú trọng xây dựng, cải tạo thêm phòng học nhằm giảm tải gánh nặng sĩ số.

Một số địa phương trong thành phố tiếp tục hoàn thiện các dự án xây mới trường học. Đơn cử, trước thềm năm học mới, Trường Trung học cơ sở Linh Đàm (ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang gấp rút hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mở lớp học, bổ sung thiết bị để thực hiện nhiệm vụ năm học.

Trường Trung học cơ sở Linh Đàm được xây dựng, hoàn thiện tạo nên niềm vui chung cho nhân dân phường Hoàng Liệt, giúp giải quyết gánh nặng quá tải khi số lượng học sinh tại phường quá đông, từ đó đảm bảo số lượng lớp/trường và sĩ số học sinh/lớp cũng giảm xuống.

Đồng hành cùng các trường đón năm học mới

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Văn Hiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết: "Ngay sau khi nhận chỉ đạo của Thành phố về việc chuẩn bị đầy đủ điều kiện khai giảng năm học mới 2022-2023, Phòng đã gửi thông báo đến các trường trên địa bàn toàn huyện để kịp thời triển khai".

Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, các trường đã và đang hoàn thiện những khâu cuối cùng trong công tác chuẩn bị bước vào năm học mới, đảm bảo lễ khai giảng diễn ra an toàn.

Ngoài quán triệt chuẩn bị đầy đủ về đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng phòng học, Phòng yêu cầu các trường quan tâm nhiều hơn đến các khối lớp 3, lớp 7 khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, không để học sinh thiếu sách giáo khoa. Động viên, khích lệ và đồng hành cùng học sinh lớp 1 để các em tập làm quen với môi trường học đường.

Dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, phòng định hướng cho các trường tự đánh giá về mức độ an toàn trong công tác phòng, chống dịch, chủ động bố trí phòng cách ly, cơ số thuốc, sẵn sàng phục vụ yêu cầu sơ cấp cứu trong mọi tình huống phát sinh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho thầy và trò.

Cùng trao đổi về vấn đề này, thầy Nguyễn Đức Lượng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai (Hà Nội) chia sẻ: “Đồng hành cùng các trường sẵn sàng bước vào năm học mới, lãnh đạo Phòng đã có hướng dẫn trường về công tác chuẩn bị theo đúng tinh thần chỉ đạo của toàn ngành giáo dục, đảm bảo lễ khai giảng diễn ra an toàn, đúng kế hoạch".

Năm học 2022-2023, Phòng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo chất lượng, yêu cầu cốt lõi, trọng tâm các điều kiện triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước mắt, không để tình trạng học sinh thiếu sách giáo khoa hay thiếu giáo viên làm chậm tiến độ tổ chức các môn học, ảnh hưởng quyền lợi được tham gia học tập công bằng của học sinh.

Tính đến tháng 8/2022, số trường công lập trên địa bàn huyện Thanh Oai được công nhận đạt chuẩn quốc gia là 43/71 trường, đạt tỷ lệ 60,56%. 100% cán bộ quản lý các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo quy định.

Năm học 2022-2023, với mục tiêu tiếp tục đổi mới, các trường tập trung thực hiện giải pháp nhằm nâng cao chất cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh. Từ đó, xây dựng trường học an toàn, thân thiện, văn minh.

“Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tâm thế chủ động, sẵn sàng, tin tưởng rằng, thầy và trò nhà trường nói riêng, toàn ngành giáo dục nói chung sẽ tiếp tục đón đầu thuận lợi, đạt nhiều thành tích, bứt phá trong năm học mới 2022-2023”, cô Nguyễn Thị Túy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tâm bày tỏ kỳ vọng.

Ngọc Mai