Trường phổ thông không công khai đầy đủ, trách nhiệm của Sở, Phòng GD ở đâu?

17/08/2024 07:27
Nhi Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Đại biểu Quốc hội, cơ quan quản lý cần thanh tra, kiểm tra và xử lý trường hợp các cơ sở giáo dục không thực hiện công khai thông tin theo quy định. 

Mới đây, vụ việc một học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền - Đông Anh (Hà Nội) bị trường "dừng đào tạo" sau khi phụ huynh có ý kiến băn khoăn một số vấn đề như chương trình đào tạo, học phí, đội ngũ giáo viên lớp chất lượng cao.

Sau đó, Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền - Đông Anh đã thu hồi quyết định "dừng đào tạo" đối với học sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nhà trường không tôn trọng và đảm bảo quyền lợi học tập chính đáng của học sinh, mập mờ trong công khai thông tin đến phụ huynh.

Theo tìm hiểu, năm học 2024-2025, Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền - Đông Anh tuyển sinh nhưng chưa thực hiện công khai thông tin với các biểu mẫu theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Không chỉ riêng tại cơ sở giáo dục này, vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có một số bài viết phản ánh về việc thực hiện công khai tại một số trường phổ thông, đặc biệt là với khối trường tư thục. Qua đó cho thấy, việc thực hiện yêu cầu công khai tại các cơ sở này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Cụ thể như Sentia School, Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam...

Dư luận băn khoăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định rất cụ thể, tại sao các cơ sở giáo dục vẫn không thực hiện công khai thông tin? Đồng thời, cũng cần nhìn nhận trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương khi để xảy ra thực trạng này.

Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT yêu cầu: Công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi khai giảng năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan.

Các báo cáo phải công khai vào tháng 6/2024 sẽ theo Thông tư 36.

Tới đây, các trường sẽ phải thực hiện công khai thông tin theo quy định tại Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 3/6/2024, có hiệu lực thi hành vào ngày 19/7/2024 thay thế cho Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Cơ sở giáo dục không thực hiện công khai, cần xem xét trách nhiệm của những đơn vị nào?

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng, mục tiêu thực hiện công khai đã được quy định rất rõ tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã nêu rõ mục tiêu thực hiện công khai. Đó là:

Thực hiện công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật.

Thực hiện công khai nhằm nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.

DAI BIEUCU.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn

"Chúng ta đã có những quy định cụ thể về việc cơ sở giáo dục phải công khai thông tin một cách minh bạch, rõ ràng về một số nội dung như các điều kiện đảm bảo chất lượng, đội ngũ, cơ sở vật chất, tài chính... Cơ sở giáo dục nào không thực hiện là đã vi phạm quy định, cần phải có sự xử lý phù hợp. Ngoài ra, việc không thực hiện công khai cũng khiến phụ huynh, dư luận không nắm bắt được các thông tin cần thiết", Đại biểu Trương Xuân Cừ bày tỏ.

Theo Đại biểu, trong vấn đề các cơ sở giáo dục thực hiện công khai, ngoài trách nhiệm của chính đơn vị đó thì chúng ta cũng cần nhìn nhận cả trách nhiệm quản lý nhà nước của phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo cũng như cơ quan quản lý giáo dục địa phương.

Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng cho rằng, Thông tư 36 đã nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị.

Sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục trực thuộc và các cơ sở giáo dục do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập thực hiện quy chế công khai theo quy định.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công khai của các cơ sở giáo dục trực thuộc; chủ trì phối hợp với cơ quan chủ quản (nếu có) tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công khai của các cơ sở giáo dục do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập. Việc thanh tra, kiểm tra có sự tham gia của đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc đại diện Hội sinh viên của cơ sở giáo dục và đào tạo.

Phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc và các cơ sở giáo dục do ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập thực hiện quy chế công khai theo quy định. Đồng thời tổ chức kiểm tra việc thực hiện công khai của các cơ sở giáo dục trực thuộc; chủ trì phối hợp với cơ quan chủ quản (nếu có) tổ chức kiểm tra việc thực hiện công khai của các cơ sở giáo dục do ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập. Việc kiểm tra có sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục.

"Dù là trường công lập hay trường tư thục thì đều cũng phải thực hiện công khai thông tin theo quy định. Mỗi phụ huynh, người dân đều sẽ là người giám sát, phản ánh vấn đề này để cơ quan quản lý cấp trên chấn chỉnh và xử lý các vi phạm", Đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, một trong những nhiệm vụ của trường trung học đã được nêu tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, yêu cầu nhà trường thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và thu, chi tài chính theo quy định của pháp luật.

Thực hiện dân chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.

Đại biểu nhấn mạnh, việc nhà trường công khai, minh bạch cũng giúp người học, phụ huynh dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về trường, từ đó giúp tạo dựng uy tín. Do đó, công khai thông tin "có lợi cho đôi bên". Các trường không nên né tránh mà cần thực hiện một cách nghiêm túc. Đồng thời, trong mọi trường hợp, cần ưu tiên quyền lợi học tập chính đáng của học sinh, không thể vì có vấn đề chưa thống nhất với phụ huynh mà làm ảnh hưởng đến học sinh được.

Ngoài ra, trong vấn đề đảm bảo chất lượng dạy học, cần có quy định rõ ràng, quản lý chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, tại Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền - Đông Anh, nhà trường có lớp chất lượng cao nhưng phụ huynh không được cung cấp đầy đủ, minh bạch các thông tin họ băn khoăn trước khi quyết định cho con học. Thông thường, hệ chất lượng cao có mức học phí cao hơn, do đó, chương trình đào tạo cần được công khai, kiểm định, tránh trường hợp các cơ sở "đẻ" ra loại hình này để thu thêm tiền của phụ huynh.

Cần rà soát, thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở giáo dục không công khai thông tin theo quy định

Cùng bàn về vấn đề trên, ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà trường cũng cần đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh. Bên cạnh đó, về các thông tin liên quan đến chương trình đào tạo, học phí, đội ngũ... nhà trường cần thông tin một cách minh bạch, rõ ràng đến cha mẹ học sinh vì họ có quyền được biết trước khi quyết định cho con theo học.

nguyenbathuyenluatdansugiaoducnetvn-1840.jpg
Ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

"Trong quá trình thực hiện nếu trường gặp phải vướng mắc, khó khăn thì nên báo cáo vấn đề với cơ quan quản lý cấp trên để tháo gỡ. Còn trường không có ý kiến gì mà vẫn không thực hiện công khai thông tin theo quy định thì cần xử lý. Đối với lĩnh vực giáo dục, mọi thông tin cần phải minh bạch", ông Nguyễn Bá Thuyền cho hay.

Ngoài ra, nhìn nhận về thực trạng một số trường tư thục "đẻ" ra lớp chất lượng cao, học phí cao hơn, ông Nguyễn Bá Thuyền băn khoăn: "Tiêu chuẩn, tiêu chí nào để đánh giá một lớp được xem là chất lượng cao? Và lớp chất lượng cao đó có học phí cao hơn hẳn thì học sinh được học chương trình như thế nào, đội ngũ giảng dạy ra sao?... Những vấn đề này cần được làm rõ".

Trước thực trạng, một số cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là khối trường tư thục có mức học phí rất cao nhưng việc công khai thông tin theo quy định lại rất ít ỏi, không theo biểu mẫu, ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, tới đây, khi thực hiện Thông tư 09, các cơ quan quản lý cần có sự thanh tra, giám sát của các cơ sở chặt chẽ hơn. Thậm chí, nếu trường không thực hiện, cần có chế tài "mạnh tay" để xử lý.

Bên cạnh trách nhiệm công khai của cơ sở giáo dục thì sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo cũng cần có trách nhiệm sát sao hơn. "Nếu trường muốn giấu giếm, không công khai thì phải truy xem tại sao, có lý do gì mà không thực hiện. Các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa hoạt động này của các cơ sở giáo dục để tạo dựng niềm tin cho học sinh, phụ huynh và cả xã hội. Chúng ta cũng cần rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện giám sát tốt hơn", ông Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm.

Đảm bảo quyền học tập chính đáng của học sinh trong mọi trường hợp

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia giáo dục phổ thông tại Hà Nội đánh giá, theo quy định, dù là trường công lập hay tư thục cũng đều phải thực hiện công khai thông tin, chẳng hạn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thu chi tài chính... Nếu trường không công khai thì học sinh, phụ huynh và xã hội sẽ khó để giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục thực tế. Việc này, phía cơ quan quản lý giáo dục địa phương nên có sự thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh thực hiện.

Nhìn nhận vụ việc Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền - Đông Anh, chuyên gia cho rằng, không phải lúc nào phụ huynh cũng hài lòng với nhà trường, và ngược lại, cơ sở giáo dục cũng khó có thể đáp ứng được hết nhu cầu của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, khi có vấn đề phát sinh, cả hai bên cần tiến tới sự đồng thuận, tìm ra phương hướng giải quyết hiệu quả, thay vì làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh.

"Nhà trường cần tôn trọng quyền lợi của học sinh, không thể vì có vấn đề chưa thống nhất với phụ huynh mà làm tổn thương học sinh được. Giữa nhà trường với phụ huynh, có ý kiến gì chưa rõ thì cần đối thoại, trao đổi để làm rõ", chuyên gia nhấn mạnh.

Nhi Anh