Truyền thông Canada cuối tuần vừa qua đã đăng tải một số ý kiến bày tỏ trạng thái lên án quyết định tham gia tích cực vào cuộc xung đột ở Ukraine của Thủ tướng nước này.
Canada tuần trước tuyên bố sẽ phái 200 binh sĩ tới Ukraine để hỗ trợ đào tạo quân sự nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng vũ trang chính phủ Kiev.
Ảnh Rian. |
Tờ La Presse hôm 19/4 đăng tải bình luận của nhà báo Lysiane Gagnon cho rằng, sự hiện diện của 200 binh sĩ Canada tại một đất nước đang có xung đột nằm cách xa hàng ngàn cây số sẽ không giúp thay đổi bất kỳ điều gì về mặt quân sự hay đem lại lợi ích cho Ottawa.
Việc Mỹ, Anh và Canada điều quân tới Ukraine trong bối cảnh hiện nay đều được Moscow xem là một hành động gia tăng khiêu khích sau khi các nước phương Tây lôi kéo quốc gia Baltic này rời khỏi quỹ đạo của Nga.
Việc Canada đưa quân tới đất nước xa xôi giống như hành động "thêm dầu vào lửa". Trong khi châu Âu không khéo từ chối tham gia vào chiến dịch "thèm muốn" kiểm soát chính quyền Kiev của NATO, thì Thủ tướng Canada lại háo hức "lướt sóng" theo đảng Cộng hòa Mỹ, những người ủng hộ mạnh mẽ hành động can thiệp vào tình hình ở Ukraine.
Thậm chí, một số quan chức Canada ở nước ngoài còn đề xuất nên đưa Ottawa vào các cuộc hội đàm với Nga về vấn đề Ukraine để tăng cường vai trò của nước này trong sự kiện Ukraine.
Sự tham gia tích cực này của Thủ tướng Stephen Harper trong cuộc xung đột Ukraine thực chất xuất phát từ mong muốn tìm kiếm thêm phiếu bầu cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới chứ không phải vì lợi ích của người dân Ukraine như những gì ông tuyên bố trước đó.
Tờ La Presse cho rằng, vận động bầu cử là một hiện tượng bình thường trong chính trị. Nhưng nỗi ám ảnh Ukraine của Thủ tướng Harper là không thể chấp nhận được và là một "trò chơi nguy hiểm". Kết thúc bài bình luận, tác giả bài viết Gagnon đã kêu gọi Thủ tướng Harper: "Hãy rời Ukraine".
Trước đó, tờ Ottawa Citizen của Canada dẫn lời nhà văn David L. Parnas chỉ trích quyết định điều quân tới Ukraine của Thủ tướng Harper và kêu gọi Canada không nên góp phần vào việc tiếp tục cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách gửi vũ khí cho chính phủ Kiev.
Ngoài ra, theo ông, người Ukraine muốn sống trong hòa bình thì phải tạo ra một chính phủ đoàn kết bao gồm đại diện của tất cả các lực lượng chính trị. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép các thành viên của chính phủ bị lật đổ trước đó trở lại.
Nếu không thể tạo ra được chính phủ đoàn kết, Ukraine có thể sẽ phải đối mặt với bi kịch như ở Tiệp Khắc năm 1993.