LTS: Xung quanh chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trung Quốc ông Tập Cận Bình và những phát biểu của ông về vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Không nên ảo tưởng Tập Cận Bình sẽ xuống thang ở Biển Đông
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
Trước thềm chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, ông Tập Cận Bình có trả lời phỏng vấn độc quyền tờ The Wall Street Journal bằng văn bản, trong đó đề cập đến cái gọi là "chủ quyền không tranh cãi" của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lập luận của ông Bình không có gì mới, không có gì khác so với những gì các thuộc cấp của mình vẫn nói lâu nay.
Chỉ có điều, đây là lần đầu tiên chính ông Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc chính thức lên tiếng phát ngôn về vấn đề Biển Đông - Trường Sa và hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông trong bối cảnh đặc biệt - thăm chính thức Hoa Kỳ.
Khi một nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc công khai khẳng định trước dư luận quốc tế về cái gọi là "chủ quyền từ cổ đại" của họ với Biển Đông và Trường Sa, thì đúng như giáo sư người Mỹ gốc Hoa Bùi Mẫn Hân nhận xét, Tập Cận Bình đã đánh cược uy tín quốc gia lẫn danh dự cá nhân của mình vào canh bạc bành trướng Biển Đông này.
Có một điều đáng lưu ý, Tập Cận Bình không đả động gì đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cất quân xâm lược, chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ năm 1956, 1974 đến nay. Sự né tránh này rõ ràng là tính toán có chủ ý.
Ông Bình đã phủ đầu tất cả. Từ những quan ngại lo lắng của các bên liên quan ở Biển Đông, khu vực Đông Nam Á cho đến kêu gọi của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc Trung Quốc hãy ngừng các hoạt động cưỡng chế, thay đổi hiện trạng, phá vỡ luật pháp và trật tự quốc tế cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Trung Nam Hải cũng phớt lờ yêu cầu của công luận và chính cá nhân Tổng thống Obama về việc làm rõ đường lưỡi bò vô lý. Thái độ cứng rắn, bất chấp tất cả của các nhà lãnh đạo Trung Quốc không chỉ thể hiện bằng phát biểu cứng rắn như ông Tập Cận Bình đã nói, mà còn bằng các hành động leo thang ngoài thực địa với 3 đường băng quân sự dài trên 3000 mét ở Trường Sa.
Như vậy không chỉ các bên liên quan trực tiếp như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cảm thấy lo ngại và phải tìm cách đối phó, mà ngay cả các nước khác trong khối ASEAN cũng đừng nên ảo tưởng vào những lời hứa hão của Trung Quốc về việc kiềm chế, xuống thang ở Biển Đông, đặc biệt là những nước nào đang trông chờ vào "củ cà rốt" mang tên "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21" với 400 tỉ USD.
Một khi 3 đường băng quân sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp đi vào hoạt động, tàu chiến, tên lửa, radar, máy bay chiến đấu được họ kéo ra bố trí ở Trường Sa thì cả Biển Đông và eo biển Malacca sẽ nằm trong vòng kiểm soát hoàn toàn của Trung Quốc.
Lúc đó không những an ninh, ổn định và hòa bình khu vực Biển Đông và các nước xung quanh bị đe dọa, mà mọi hoạt động hàng không hàng hải của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Ấn Độ... qua tuyến đường huyến mạch trọng yếu này cũng phải theo "nội quy" do Trung Quốc đặt ra, và lẽ dĩ nhiên nếu điều này xảy ra thì nó sẽ đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ trên thực tế bị đánh bật khỏi khu vực.
Ông Tập Cận Bình trong ngày đầu tiên tại Mỹ, ảnh: SCMP. |
Khu vực trông cậy vào phản ứng của ông Obama và đoàn kết của ASEAN
Phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy thái độ cứng rắn không thay đổi, thậm chí còn hung hăng hơn trước trong các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia cốt lõi của Hoa Kỳ. Về đối nội, đó là những cuộc tấn công mạng nguy hiểm và dai dẳng không dứt, về đối ngoại là leo thang bành trướng ở Biển Đông.
Hơn nữa thủ đoạn của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần này lại đánh thẳng vào sân sau của chính giới Mỹ - giới kinh tế tài phiệt Hoa Kỳ để gây sức ép lên ông Obama. Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm, bầu cử Tổng thống mới đang đến gần. Giới tài phiệt và doanh nghiệp lớn ở Hoa Kỳ có tiếng nói và tác động rất lớn tới kết quả bầu cử.
Ông Tập Cận Bình đã có tính toán rất kỹ trong từng đường đi nước bước để gây sức ép tối đa lên Nhà Trắng về Biển Đông và các vấn đề họ coi là lợi ích quốc gia cốt lõi khác.
Không phải ngẫu nhiên ông Tập Cận Bình lựa chọn Seatle làm điểm dừng chân đầu tiên, gặp gỡ các chủ doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ và thế giới như lãnh đạo các doanh nghiệp General Motors, Amazon, Apple, Disney, Microsoft, Berkshire Hathaway...và các chính khách thân Hoa, có công rất lớn trong việc giúp Bắc Kinh vận động hành lang ở Hoa Kỳ như cựu Ngoại trưởng Henry Kisinger.
Giới doanh nghiệp và tài phiệt hàng đầu nước Mỹ có ảnh hưởng rất lớn tới những quyết sách đối nội cũng như đối ngoại của Nhà Trắng. Vận động hành lang nhằm vào đối tượng này không phải thủ đoạn mới mà đã được Trung Quốc sử dụng từ lâu. Nhưng trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình nó càng trở lên nổi bật.
Trong ngày đầu tiên tới Mỹ, phái đoàn tháp tùng ông Tập Cận Bình đã ký kết hợp đồng mua 300 chiếc máy bay Boeing và mở một trung tâm hoàn thiện dòng máy bay Boeing 737 tại Trung Quốc. Mặc dù là đồng minh thân thiết, Nhật Bản đã thất bại trước Trung Quốc trong việc giành gói thầu xây dựng đường sắt cao tốc nối Los Angeles với Las Vegas tổng trị giá gần 13 tỉ USD.
Tập Cận Bình đã cam kết với các chủ doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong ngày hôm qua rằng Bắc Kinh sẽ đối xử công bằng với họ. Ông Bình lưu ý, năm ngoái chính ông đã "bỏ phiếu" ủng hộ Disney mở chi nhánh tại Thượng Hải.
Trước 30 CEO hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc, Tập Cận Bình nhấn mạnh thông điệp cốt lõi của chuyến thăm này là quan hệ thương mại giữa 2 nước là cần thiết. Các doanh nghiệp Mỹ cần Trung Quốc và nên tin tưởng ông trong việc thúc đẩy cải cách. Giới doanh nhân Mỹ đang rất kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong nhiều lĩnh vực hơn nữa.
Thành hay bại của chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương mà chính quyền Tổng thống Barack Obama theo đuổi từ năm 2009 đến nay và đã nhiều lần cam kết trước các đồng minh, đối tác của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc rất lớn vào cách ông Obama giải quyết vấn đề Biển Đông trong cuộc họp thượng đỉnh với ông Tập Cận Bình.
Quan điểm và lời nói của ông chủ Nhà Trắng đã khá rõ ràng. Nhưng nói không chưa đủ, Mỹ cần phải hành động.
Trước thái độ cứng rắn không xuống thang của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu Mỹ muốn tiếp tục duy trì vị thế, vai trò của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có lẽ ông Obama nên tính đến các giải pháp mà Lầu Năm Góc và Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ đề xuất để bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế ở Biển Đông.
Mặt khác, các bên liên quan và khu vực cũng cần nhận rõ hơn nữa bản chất hành động và chiến lược bành trướng của Trung Quốc cũng như những nguy cơ chính mình sẽ phải đối mặt một khi Bắc Kinh xưng bá trong khu vực, biến các nước láng giềng thành "chư hầu kiểu mới", lập chốt thu tô ở Biển Đông. Đừng để ngư dân các nước ven Biển Đông muốn ra ngư trường truyền thống của nước mình đánh bắt phải xin phép và nộp tô cho Trung Quốc.
Muốn vậy, cần có tiếng nói thống nhất của khu vực về việc bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp và trật tự quốc tế ở Biển Đông, lên án bất kỳ hành vi nào làm phương hại hoặc đe dọa đến nó. Trung Quốc ngán nhất là khu vực và quốc tế đoàn kết lại, bởi bẻ từng chiếc đũa thì dễ, bẻ cả bó đũa thì khó vô cùng.
Chiến lược "Một vành đai, một con đường" hay "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21" mà Trung Quốc vẽ ra với 400 tỉ USD chỉ là đòn ru ngủ khu vực, dễ bề thực hiện âm mưu kiểm soát Biển Đông mà thôi. Để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, xưng hùng khu vực, trông chờ vào nó, các nước sẽ dễ biến thành "chư hầu kiểu mới" lệ thuộc vào Trung Quốc.