Từ 1/7 cải cách tiền lương, giáo viên nếu chưa chuyển xếp lương sẽ thiệt thòi?

29/02/2024 06:42
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hiện nay việc hưởng lương tại các địa phương còn chưa đồng bộ, thống nhất do có địa phương.

Thông tin từ 01/7/2024, khi thực hiện cải cách tiền lương mới theo Nghị quyết 27/NQ-TW, giáo viên mầm non, phổ thông là viên chức có thể sẽ không còn chia thành các hạng 1,2, 3 nhiều bất cập như hiện nay được nhiều giáo viên đặc biệt quan tâm.

Hiện nay, giáo viên các cấp được chia thành hạng I, II, III tức là cán bộ quản lý, giáo viên đều được xếp thành các hạng khác nhau tùy thuộc vào các điều kiện, tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, từ 1/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ thực hiện theo hướng trả lương theo vị trí việc làm. Nên, có thể hiểu giáo viên có bảng lương riêng mà không còn phải chia giáo viên làm 3 hạng như hiện nay.

gv-6841-6858.jpg
Ảnh minh họa: Lã Tiến

Từ 01/7 tới, khi thực hiện cải cách tiền lương mới, giáo viên là viên chức sẽ được xếp vào bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ: Đối với giáo viên khu vực công được xây dựng 1 bảng lương giáo viên chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.

Giáo viên đang hưởng lương theo hạng như thế nào?

Sẽ có 3 trường hợp xảy ra với việc hưởng lương theo hạng hiện nay của giáo viên.

Trường hợp 1: Nếu địa phương nào đã hoàn tất bổ nhiệm, chuyển xếp hạng từ chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT), giáo viên sẽ được hưởng lương với các hạng như sau:

Giáo viên mầm non được chia thành 3 hạng chức danh nghề nghiệp có hệ số lương tương ứng như sau: Giáo viên mầm non hạng III (hệ số lương 2,1-4,89), giáo viên mầm non hạng II (hệ số lương 2,34-4,98), giáo viên mầm non hạng I (hệ số lương 4,0-6,38).

Giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hạng III (hệ số lương 2,34-4,98), giáo viên phổ thông hạng II (hệ số lương 4,0-6,38), giáo viên phổ thông hạng I (hệ số lương 4,4-6,78).

Những trường hợp này giáo viên hạng I, II sẽ có nhiều lợi thế khi chuyển xếp lương từ lương hiện hưởng sang bảng lương cải cách tiền lương từ 01/7/2024.

Trường hợp 2: Nếu các địa phương hoàn tất bổ nhiệm hạng III (mầm non, phổ thông), hạng II (mầm non) từ chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT), các hạng còn lại vẫn hưởng theo lương của chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, giáo viên sẽ được hưởng lương với các hạng như sau:

Giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II có hệ số lương 2,34-4,98.

Giáo viên phổ thông hạng III có hệ số lương 2,34-4,98.

Các hạng còn lại hưởng theo hạng của Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (tạm gọi là hạng cũ), giáo viên mầm non hạng I cũ có hệ số lương 2,34-4,98; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I cũ có hệ số lương 4,0-6,38; giáo viên trung học phổ thông hưởng lương hạng III (hệ số lương 2,34-4,98), giáo viên phổ thông hạng II (hệ số lương 4,0-6,38), giáo viên phổ thông hạng I (hệ số lương 4,4-6,78).

Ở trường hợp 2 này, theo tìm hiểu của người viết là phổ biến hơn, nhiều địa phương chỉ chuyển xếp lương từ các hạng cũ sang hạng III mới, các hạng còn lại vẫn chưa thực hiện chuyển xếp.

Trường hợp 3: Chưa chuyển xếp lương mới, giáo viên hưởng lương theo chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV

Giáo viên mầm non, tiểu học hạng IV cũ có hệ số lương 1,86-4,06; hạng III cũ có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II cũ có hệ số lương 2,34-4,98.

Giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II cũ có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I cũ có hệ số lương 4,0-6,38.

Giáo viên phổ thông hưởng lương hạng III (hệ số lương 2,34-4,98), giáo viên phổ thông hạng II (hệ số lương 4,0-6,38), giáo viên phổ thông hạng I (hệ số lương 4,4-6,78).

Cũng theo tìm hiểu của người viết trường hợp này rất ít, chỉ vướng mắc ở một số địa phương do vướng quy định tiêu chuẩn còn chưa thống nhất.

Giáo viên chưa được chuyển xếp hạng mới theo Thông tư 01-04/2021 sẽ chịu nhiều thiệt thòi?

Như vậy, hiện nay việc hưởng lương tại các địa phương còn chưa đồng bộ, thống nhất do có địa phương đã chuyển xếp lương, có địa phương chuyển xếp 1 phần, cũng có địa phương chưa chuyển xếp.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024.

Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.

Như vậy ngân sách đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).

Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm. [1]

Cải cách tiền lương sắp tới sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng bảng lương mới từ 1/7/2024 cho viên chức giáo viên với mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Đảm bảo chuyển xếp lương cũ sang lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Bảng lương mới ngoài xây dựng theo số tiền cụ thể còn căn cứ vào vị trí việc làm, chức danh cũng như chức vụ lãnh đạo.

Riêng giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động thì sẽ được điều chỉnh lương tối thiểu vùng và được trả lương theo thỏa thuận giữa trường học với giáo viên đó gắn với năng suất và kết quả lao động.

Bên cạnh đó, bảng lương mới đối với giáo viên khu vực công được xây dựng 1 bảng lương giáo viên chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.

Theo dự kiến, sắp tới bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ mỗi chức danh nghề nghiệp cũng có nhiều bậc lương, giáo viên sẽ được chuyển từ lương hiện hưởng sang lương mới theo Nghị quyết 27/NQ-TW và áp dụng từ 01/7/2024.

Đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có bảng lương giáo viên chính thức từ 1/7/2024.

Khi có các bảng lương chính thức, Chính phủ sẽ có các Nghị định hướng dẫn thi hành, chuyển xếp từ lương hiện hưởng sang lương mới theo Nghị quyết 27/NQ-TW.

Cải cách tiền lương là sự nổ lực rất lớn của Đảng, Chính phủ trong điều kiện còn nhiều khó khăn, một quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, là tin vui đối với người hưởng lương cả nước.

Giáo viên cũng như toàn thể cán bộ, công chức, viên chức vui mừng với thông tin cải cách tiền lương và chờ đợi đến ngày 01/7 tới sẽ được hưởng lương mới phù hợp, được tăng lương để đủ chi phí trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, nhiều địa phương chưa thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới, không tổ chức xét thăng hạng cho giáo viên,..nên nhiều giáo viên đang chịu nhiều thiệt thòi, nếu đến 01/7 tới vẫn chưa chuyển xếp lương mới có thể sẽ thiệt thòi khi chuyển xếp lương mới theo Nghị quyết 27.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtv.vn/kinh-te/tu-1-7-2024-tien-luong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-se-tang-bao-nhieu

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam