Tự chủ chi thường xuyên, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng gặp khó

17/11/2023 06:42
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong 2 năm (2021, 2022), Trường Đại học Y Dược Hải Phòng tuyển sinh trình độ tiến sĩ đạt từ 5,8-20% so với chỉ tiêu tuyển sinh được phê duyệt.

Trong số các trường đại học phóng viên tìm hiểu, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng là cơ sở giáo dục đại học đăng tải báo cáo 3 công khai rất đầy đủ. Trên website của trường có đầy đủ báo cáo 3 công khai trong 5 năm gần đây. Người học, bạn đọc dễ dàng tiếp cận được thông tin này từ website của cơ sở giáo dục.

Thông báo công khai trong 5 năm học gần đây của trường được sắp xếp dễ tiếp cận. Ảnh chụp màn hình.

Thông báo công khai trong 5 năm học gần đây của trường được sắp xếp dễ tiếp cận. Ảnh chụp màn hình.

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng hiện đang tuyển sinh trình độ đại học các ngành: Y khoa, Y học dự phòng, Y học cổ truyền, Dược học, Điều dưỡng, Răng - Hàm - Mặt, Kĩ thuật xét nghiệm y học.

Chỉ tiêu tuyển sinh đại học của trường những năm gần đây được giữ ổn định từ 1.200-1.300 chỉ tiêu, trong đó ngành Y khoa có chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cao nhất (500 chỉ tiêu), số thí sinh đăng kí dự tuyển ngành này hàng năm từ 4.000 đến 4.200 thí sinh chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng số thí sinh đăng kí xét tuyển vào trường.

Bảng thống kê tuyển sinh sau đại học của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng (Ảnh: LT)

Bảng thống kê tuyển sinh sau đại học của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng (Ảnh: LT)

Kết quả tuyển sinh của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng những năm gần đây cơ bản đáp ứng chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển và nhập học ở mức cao (trên 95%).

Tuy nhiên đến năm 2022, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển và nhập học của trường chỉ đạt 87,46% thấp hơn so với các năm trước, trong đó các ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp (chỉ đạt lần lượt là 46,67% và 64,00%).

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Khải – Hiệu trưởng nhà trường, nguyên nhân do hiện nay sức hút của các ngành này đối với nhu cầu xã hội chưa được cao.

Bên cạnh đó, năm 2022 nhà trường đã có thông báo tăng học phí các ngành theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục.

Học phí khối ngành sức khỏe khá cao so với mặt bằng chung các khối ngành khác do đó có thể ảnh hưởng đến quyết định của thí sinh và phụ huynh khi đưa ra lựa chọn đăng kí ngành học của trường.

Đối với việc đào tạo sau đại học, năm 2021, kết quả thí sinh trúng tuyển so với chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, công bố đối với đào tạo trình độ tiến sĩ đạt 5.88%; trình độ thạc sĩ đạt 53,54%; bác sĩ nội trú đạt 63,83%; chuyên khoa I đạt 55,06%; chuyên khoa II đạt 57,63%.

Năm 2022, kết quả thí sinh trúng tuyển so với chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, công bố đối với trình độ tiến sĩ đạt 20%; thạc sĩ trúng tuyển đạt 31,37%; bác sĩ nội trú đạt 63,15%; chuyên khoa I thí sinh trúng tuyển đạt 61,21%; chuyên khoa II thí sinh trúng tuyển đạt 28,46%.

Về bài báo khoa học đối với ứng viên dự tuyển tiến sĩ là tác giả của tối thiểu 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến ngành/chuyên ngành dự tuyển đã được đăng trên các tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 24 tháng, tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Về điều kiện trước khi bảo vệ luận án tại đơn vị chuyên môn học viên phải là tác giả chính của bài báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành;

Các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 trở lên tính theo thang điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi công trình, có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án.

Theo báo cáo của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, nhà trường có 2 khu đất, tổng diện tích 52.115,9 m2 để đầu tư xây dựng nơi làm việc, giảng dạy và cơ sở thực hành phục vụ các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, tỷ lệ diện tích đất/người học đạt 9,4 m2.

Trong đó, khu đất sử dụng làm nơi làm việc và giảng dạy có diện tích mặt bằng 45.185,6 m2 bao gồm 4 khu nhà với tổng diện tích sàn là 35.078 m2: Nhà A (7 tầng), nhà B (15 tầng), nhà C (5 tầng) và nhà D (1 tầng) để bố trí phòng làm việc, phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành và các phòng chức năng.

Khu đất sử dụng làm Bệnh viện thực hành có diện tích mặt bằng 6.930,3 m2 bao gồm 4 khu nhà với tổng diện tích sàn 16.986 m2: Nhà A (5 tầng), nhà B (5 tầng), nhà C (2 tầng), nhà D (11 tầng) và nhà Chẩn đoán hình ảnh để bố trí nơi học thực hành tiền lâm sàng và lâm sàng hỗ trợ các hoạt động đào tạo và nghiên cứu phục vụ chương trình đào tạo.

Hệ thống phòng làm việc, phòng học và các phòng chức năng của trường có tổng diện tích sử dụng là 17.795,2 m2 được bố trí đan xen tại các khu nhà, tỷ lệ diện tích/người học đạt 3,24 m2 đảm bảo theo qui định.

Trường có tổng số 148 phòng làm việc với diện tích sử dụng 6.119,5 m2, trong đó 96 phòng bố trí nơi làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cơ hữu và 52 phòng bố trí nơi làm việc cho các phòng, ban chức năng.

Tổng số phòng học các loại là 53 phòng từ 40-500 chỗ ngồi với diện tích sử dụng 5.783,3 m2, tỷ lệ diện tích/người học đạt 1,0 m2 đảm bảo qui định, số lượng phòng học đảm bảo nhu cầu cho người học không phải học buổi tối và cuối tuần.

Nhà trường có 70 phòng thí nghiệm, thực hành (gồm cả labo nghiên cứu và trung tâm mô phỏng lâm sàng) với diện tích sử dụng 4.891,2 m2 để phục vụ học thực hành tại các khoa, bộ môn chuyên ngành và nghiên cứu.

Căn cứ thời khoá biểu (lịch học), sổ theo dõi hiệu suất sử dụng phòng học cho thấy hiệu suất sử dụng đối với phòng học truyền thống đạt 58% và đối với phòng học đa năng đạt 76%.

Ngoài ra, trường có 1 Trung tâm thông tin thư viện (gồm cả khu tự học thân thiện với môi trường), diện tích sử dụng 1.001,2 m2 và 1 khu thể dục thể thao gồm sân bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, đường chạy 5 làn…

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đang khó khăn trong việc duy trì chất lượng đào tạo hiện tại và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế (Ảnh: NTCC)

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đang khó khăn trong việc duy trì chất lượng đào tạo hiện tại và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế (Ảnh: NTCC)

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Khải – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, năm 2023, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng là đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2, tự bảo đảm chi thường xuyên (theo Quyết định số 2108/QĐ-BYT, ngày 10/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc giao quyền tự chủ tài chính của một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế năm 2023 và giai đoạn 2023-2025).

Nhà trường luôn tuân thủ thực hiện nghiêm theo quy định của nhà trường và các quy định, hướng dẫn của nhà nước và pháp luật về công tác quản lý tài chính.

Trường đã xây dựng, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ, tiến hành xây dựng các quy trình quản lý tài chính và các văn bản này đều được cập nhật đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật và nhà nước, phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của trường.

Công tác thu, chi được quản lý thống nhất và đảm bảo thu đúng, chi đúng, tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế, luật giáo dục đại học, pháp luật về chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm và chống lãng phí.

Nhà trường đã sử dụng nguồn tài chính một cách tiết kiệm để đảm bảo chi lương, chi phí cho sinh viên và chi các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, mua sắm vật tư tiêu hao, sửa chữa nhỏ phục vụ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác và đảm bảo được đời sống của cán bộ, công nhân viên, duy trì hệ số thu nhập tăng thêm hàng năm là 1.0.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Khải, năm 2022, nhà trường không được cấp ngân sách Nhà nước cho các hoạt động chi thường xuyên. Thực hiện theo Nghị quyết 165/NQ-CP năm 2022 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023 do Chính phủ ban hành, mức học phí năm học 2022-2023 giữ nguyên, không tăng so với năm học trước. Do đó, nguồn thu của nhà trường bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh tăng lương cơ sở, xuất phát điểm của các mức chi đều thấp, năm học 2023 – 2024 Chính phủ tiếp tục chỉ đạo không tăng học phí, nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì chất lượng đào tạo hiện tại và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với đó, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc bù đắp thâm hụt kinh phí đào tạo chính quy do mức học phí còn quá thấp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lạm phát cao, xuất phát điểm của các mức chi đều thấp.

Nhà trường gặp nhiều khó khăn không chỉ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế mà còn ngay trong việc duy trì chất lượng đào tạo hiện tại.

Hiện tại, trường cũng gặp rất nhiều khó khăn để duy trì mức thu nhập tăng thêm đến 1 lần quỹ lương cho cán bộ giảng viên.

Đối với các chính sách học bổng khuyến khích; chế độ ưu đãi với các giảng viên, cán bộ viên chức, nhà trường vẫn thực hiện theo quy định của Nhà nước, chưa thu hút được nhiều giảng viên giỏi, nhân tài và tìm kiếm nhiều nguồn cho nâng cao năng lực cán bộ.

LÃ TIẾN