Ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học ĐH Y Dược Hải Phòng không có GS, PGS giảng dạy

11/09/2023 09:13
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong 2 năm 2021 và 2022, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đều tuyển ít hơn chỉ tiêu được giao là 1.140 thí sinh ở 7 mã ngành được phép đào tạo.

Theo Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2023 của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, trong 2 năm 2021, 2022 trường này đều tuyển ít hơn chỉ tiêu được phê duyệt.

Cụ thể, năm 2021, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng được phê duyệt tổng số 1.140 chỉ tiêu, song chỉ có 1.107 sinh viên nhập học, đạt 97,1%.

Tình hình tuyển sinh trong 2 năm 2021, 2022 của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng (Ảnh: LT)

Tình hình tuyển sinh trong 2 năm 2021, 2022 của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng (Ảnh: LT)

Tỷ lệ nhập học hầu hết các ngành đều thấp hơn chỉ tiêu, chỉ 4 ngành có số sinh viên nhập học nhiều hơn chỉ tiêu được phê duyệt gồm: Y đa khoa với tổ hợp xét tuyển Toán, Lý, Hoá (178/150); Y học dự phòng (64/60); ngành Dược học với tổ hợp Toán, Hoá, Anh (34/30); ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học (83/80).

Trong năm 2022, trường được phê duyệt 1.140 chỉ tiêu đại học, song số sinh viên nhập học chỉ có 997 thí sinh, đạt 87,4%. Tuy nhiên trong đó có 3 ngành tuyển vượt là: Y đa khoa với tổ hợp Toán, Lý, Hoá (177/150); Dược học với tổ hợp Toán, Hoá, Anh (33/30) và ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học với tổ hợp Toán, Hoá, Sinh (81/80).

Nhà trường cũng đã thực hiện công khai việc làm của sinh viên trình độ đại học sau khi tốt nghiệp đối với các lĩnh vực/ngành đào tạo, cụ thể:

Công khai tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp (Ảnh: LT)

Công khai tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp (Ảnh: LT)

Nhìn vào bảng trên cho thấy, ngành Dược học có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm cao nhất (98,7%), tiếp đó đến ngành Điều dưỡng (97,1%).

Cũng theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, trường có 18 mã ngành được phép đào tạo gồm: Y khoa, Y học cổ truyền, Điều dưỡng, Dược lý và dược lâm sàng, Y tế công cộng, Dược học, Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa, Y học dự phòng, Răng – hàm – mặt, Y tế công cộng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Nhi khoa, Y học biển…

Quy mô đào tạo hình thức chính quy đến ngày 31/12/2022 của trường như sau:

Đối với trình độ sau đại học là 121 người còn trình độ đại học có tổng số 6.526 thí sinh, trong đó đại học chính quy là 6.036 thí sinh, 490 thí sinh học hệ đại học vừa làm vừa học.

Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu: Trường Đại học Y Dược Hải Phòng có tổng diện tích đất là 52.115,9 m2; số chỗ ở ký túc xá sinh viên khoảng 405 phòng (dự kiến phục vụ khoảng 2.650 sinh viên).

Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 4,94 m2/sinh viên.

Nếu chiếu theo Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, ở Tiêu chí 3.1 quy định: "Diện tích đất trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ, lĩnh vực đào tạo và vị trí khuôn viên, không nhỏ hơn 25 mét vuông đối với cơ sở đào tạo và phân hiệu (nếu có)", thì diện tích đất/sinh viên của nhà trường khó đạt theo Dự thảo.

Số lượng giảng viên của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng (Ảnh: LT)

Số lượng giảng viên của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng (Ảnh: LT)

Theo thông báo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, khối ngành VI (đại học) có tổng số 423 giảng viên cơ hữu, trong đó có 1 Giáo sư, 28 Phó giáo sư, 52 Tiến sĩ, 247 Thạc sĩ và 95 giảng viên trình độ đại học.

Trường có duy nhất ở ngành Y khoa có Giáo sư giảng dạy. Ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học không có Giáo sư, Phó giáo sư giảng dạy.

Để đáp ứng yêu cầu dạy và học, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng có tổng cộng 375 giảng viên thỉnh giảng, trong đó có 8 Giáo sư, 39 Phó giáo sư, 214 Tiến sĩ, chuyên khoa II; 91 Thạc sĩ, chuyên khoa I và 23 giảng viên đại học.

Theo thông báo công khai cam kết chất lượng đào tạo của nhà trường năm học 2022-2023, đối với khối ngành VI có tỉ lệ 13,36 sinh viên/giảng viên cơ hữu.

Về tài chính của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, năm học 2022-2023, học phí chính quy chương trình đại trà đối với hệ đại học là 14,3 triệu đồng/sinh viên/năm đối với các ngành: Y đa khoa, Y học cổ truyền, Răng – Hàm – Mặt, Y học dự phòng, Điều dưỡng, Xét nghiệm y học.

Mức học phí đào tạo tiến sĩ là 35,75 triệu đồng/học viên/năm học; Mức học phí đào tạo Thạc sĩ, Chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú là 21,45 triệu đồng/học viên/năm học; học phí chuyên khoa II là 35,75 triệu đồng/học viên/năm học.

Năm 2023, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng tuyển sinh 1.140 chỉ tiêu đại học hệ chính quy với 12 mã ngành.

Theo lãnh đạo nhà trường, đến 17 giờ ngày 08/9/2023 đã có 1.168 thí sinh trúng tuyển đến trường xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành Trường đào tạo đa ngành về Y Dược đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực y tế chất lượng cao góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chú trọng nghiên cứu, phát triển và đào tạo các chuyên ngành Y học biển - đảo; xây dựng trường trở thành trung tâm khoa học Y - Dược học uy tín trong nước và quốc tế

LÃ TIẾN