Mỹ tiếp tục hành động
BBC Anh ngày 28 tháng 10 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter xác nhận, ngày 27 tháng 10, tàu khu trục USS Lassen Hải quân Mỹ đã đi vào vùng biển 12 hải lý đá Subi và đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) trên Biển Đông, đồng thời cho biết hành động tương tự sẽ được tiếp tục triển khai.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter |
Tại phiên điều trần của Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ ngày 27 tháng 10, trước các câu hỏi liên tiếp của các nghị sĩ, ông Ashton B. Carter cho biết: “Tôi thường không thích bàn về hành động quân sự của chúng tôi… Nhưng, những gì các ngài đọc được trên báo chí đều chính xác”.
Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Kirby cho biết, hành động của Hải quân Mỹ “không nên bị bất cứ ai coi là mối đe dọa”, và cho biết, Washington coi trọng quan hệ Mỹ-Trung, cho dù có bất đồng với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, vẫn hy vọng nhìn thấy sự cải thiện tiếp tục của quan hệ song phương.
Tờ “Thời báo New York” Mỹ dẫn lời quan chức Nhà Trắng cho biết, Nhà Trắng phê chuẩn hoạt động lần này của tàu khu trục USS Lassen là nhằm cam kết với các đồng minh khu vực như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines, Mỹ sẽ chống lại hành vi đơn phương mở rộng đá ngầm (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam).
Nhưng đồng thời Mỹ hy vọng kín tiếng, Nhà Trắng đã hạ lệnh cho tất cả các quan chức Lầu Năm Góc ăn nói thận trọng, kết quả là Bộ trưởng Quốc phòng Ashton B. Carter đã nói tránh nói giảm như trên.
Nhưng, ông Carter nói: “Hải quân Mỹ gần đây có hành động ở khu vực này, trong vài tuần tới, vài tháng tới cũng sẽ có hành động”.
Tàu khu trục USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ vừa tiến hành tuần tra trên Biển Đông |
Hành động này của Hải quân Mỹ diễn ra trong thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tổ chức Hội nghị Trung ương 5 tập trung bàn về Quy hoạch 5 năm lần thứ 13; đồng thời các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị tham dự Hội nghị cấp cao APEC từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 11 ở Thủ đô Manila, Philippines.
Mặc dù các quan chức Mỹ đưa ra các phát biểu trên, nhưng đến nay, Washington vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức xác nhận hành động trên Biển Đông của tàu khu trục USS Lassen.
Trung Quốc tức giận
Đối với hành động đi vào vùng biển 12 hải lý của đá ngầm ở Biển Đông của tàu chiến Mỹ, Trung Quốc đã tỏ ra hết sức tức giận.
Ngày 27 tháng 10, các quan chức Trung Quốc gồm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Trương Nghiệp Toại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khang, người phát ngôn Bộ Quốc phòng, người phát ngôn Hải quân Trung Quốc đã đồng loạt lên tiếng “bất mãn mạnh mẽ” và “kiên quyết phản đối” Mỹ.
Họ cho biết, khi tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý nêu trên, Trung Quốc cũng đã cử tàu khu trục Lan Châu và tàu hộ vệ Đài Châu cùng lực lượng hàng không tiến hành “cảnh cáo”. Họ nói “dựa vào pháp luật”, nhưng không biết là dựa vào luật gì, luật pháp quốc tế hay luật Trung Quốc, luật rừng.
Lục Khang - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc |
Theo BBC, quan hệ Trung-Mỹ đã trở nên căng thẳng sau khi tàu khu trục USS Lassen đi vào vùng biển 12 hải lý của đá ngầm trên Biển Đông.
Ngày 28 tháng 10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục lên tiếng phê phán hành động của tàu chiến Mỹ, cho rằng, điều này đã “đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đe dọa an toàn của nhân viên và công trình trên đá ngầm, là sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng đối với Trung Quốc”.
Nhưng, Trung Quốc không có chủ quyền đối với các đảo đá ở Biển Đông, hành động dùng vũ lực xâm lược trước đây của Trung Quốc sẽ không đem lại chủ quyền hợp pháp cho nước này.
Lục Khang nghĩ rằng, hành vi của Mỹ đã “vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển và luật pháp Trung Quốc”. Nhưng, ông đồng thời cho biết, Trung Quốc vẫn hy vọng thông qua đối thoại để giải quyết bất đồng với Mỹ.
Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris sắp thăm Trung Quốc
Theo BBC, trong thời điểm quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng vì hành động lần này của tàu chiến Mỹ, báo chí Nhật Bản và Trung Quốc dựa vào các nguồn tin khác nhau, cho biết, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris sẽ thăm Bắc Kinh vào ngày 2 tháng 11 tới.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Harry B Harris |
Tờ “Japan News Network” tiếng Trung của Nhật Bản dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên đã cho biết thông tin trên và cho biết thêm, trong thời gian thăm Bắc Kinh, Đô đốc Harry Harris sẽ tiến hành hội đàm với các quan chức cấp cao của Quân đội Trung Quốc và tham quan cơ sở quân sự.
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc sau đó cũng cho biết, từ các nguồn tin khác nhau xác nhận, cấp cao Hải quân Mỹ thực sự sẽ thăm Trung Quốc trong thời gian tới, trong đó bao gồm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris.
Tuy nhiên, đến nay, hai nước Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa xác nhận thông tin liên quan đến chuyến thăm Trung Quốc của Đô đốc Harry Harris.
Đô đốc Harry Harris
Đô đốc Harry Harris năm nay 59 tuổi, mang hai dòng máu Nhật-Mỹ, sinh ra ở thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, cha là hạ sĩ quan Hải quân Mỹ, mẹ là người Nhật, sau đó cả nhà trở về Mỹ.
Năm 1978, Harry Harris tốt nghiệp Học viện hải quân Mỹ, học môn công trình, sau đó lại học ở Học viện chính trị Kennedy – Đại học Harvard, Học viện ngoại giao - Đại học Georgetown và Đại học Oxford Anh, chủ yếu nghiên cứu an ninh khu vực Đông Á. Do đó, ông được cho là người “tinh thông về Đông Á”.
Ông Harry Harris sau đó đã gia nhập Hải quân Mỹ, trở thành một phi công hải quân. Đã lần lượt tham gia chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Iraq, đã nhận được nhiều huân chương.
Tháng 11 năm 2009, Harry Harris được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hạm đội 6 Hải quân Mỹ, kiêm Tư lệnh Hải quân Mỹ đóng ở châu Âu và châu Phi. Hai năm sau lại chuyển sang làm Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.
Tháng 10 năm 2013, Harry Harris làm Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ, thay thế Đô đốc Cecil Haney.
Ngày 22 tháng 9 năm 2014, Harry Harris lại tiếp nhận chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, thay thế Đô đốc Samuel Locklear.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ là bộ tư lệnh tác chiến liên hợp được thành lập sớm nhất của Quân đội Mỹ, cũng là một bộ tư lệnh có quy mô lớn nhất, khu vực trách nhiệm rộng nhất trong số 9 bộ tư lệnh liên hợp của Quân đội Mỹ hiện nay, trực thuộc có khoảng 300.000 người, lần lượt đến từ lục quân, hải quân và không quân, chiếm 20% tổng quân số hiện có của Mỹ.