LTS: "Cuộc sống không giới hạn" và "Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng" là hai cuốn tự truyện của chàng trai không tay không chân kỳ diệu nhất hành tinh Nick Vujicic. Không có tay, Nick Vujicic vẫn chạm tới trái tim của hàng triệu người mỗi khi hiện diện. Không có chân, Nick vẫn đi tới khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Nhân sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam vào tháng 5 tới, Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải một số đoạn trích chọn lọc trong hai cuốn tự truyện của anh.
Từ nhỏ, Nick Vujicic đã mang nặng mặc cảm về khuyết tật của mình và nhiều lúc chỉ muốn chết. Nhiều lần tự tử không thành, Nick trở về với cuộc sống thực tại với những câu hỏi đầy ám ảnh như: "Tại sao cậu không có chân tay?"...
Nick Vujicic là người Australia, khi được sinh ra đã không có tay và chân. Nick bị hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn hiếm gặp, gây ra sự thiếu vắng cả 4 chi. Khi còn thơ ấu, Nick đã phải đấu tranh cả về tinh thần, tình cảm cũng như thể xác.
Nick Vujicic là người Australia, khi được sinh ra đã không có tay và chân. Nick bị hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn hiếm gặp, gây ra sự thiếu vắng cả 4 chi. Khi còn thơ ấu, Nick đã phải đấu tranh cả về tinh thần, tình cảm cũng như thể xác.
Tôi biết Phil Toth ở La Jolla, California qua mẹ của tôi khi chúng tôi vẫn còn đang sống ở Australia. Qua nhà thờ địa phương, mẹ tôi đã nghe nói về Phil và trang web dành cho người Cơ Đốc của anh. Mẹ cho tôi xem trang web đó và tôi được biết câu chuyện về niềm tin trong hành động của anh, một câu chuyện gây xúc động sâu sắc. Khi Phil chỉ mới hai mươi tuổi, một hôm anh thức dậy và nhận thấy mình không thể nói được bình thường như trước. Thoạt đầu gia đình nghĩ anh đùa, bởi vì anh vốn thích trêu đùa và gây cười cho mọi người, nhưng rồi sau đó Phil tiếp tục chịu đựng chứng chóng mặt và chứng mệt mỏi khiến gia đình không khỏi lo lắng. Trong gần hai năm trời các bác sĩ không thể xác định được Phil bị làm sao, nhưng cuối cùng họ chẩn đoán anh bị bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) hay còn gọi là bệnh Lou Gehrig.
Nick Vucijic biểu tượng của niềm tin, khát vọng sống mãnh liệt. |
Thời gian sống của người mắc căn bệnh phá hủy các tế bào thần kinh vận động ở não, cột sống và làm suy yếu hệ thống cơ này được dự đoán là từ hai đến năm năm kể từ khi bệnh được phát hiện. Ban đầu các bác sĩ nói với Phil rằng bệnh của anh tiến triển nhanh đến mức anh có thể chỉ sống được chừng ba tháng nữa. Ấy vậy mà Phil đã sống được năm năm, và tôi nghĩ sở dĩ anh sống được lâu như vậy là bởi anh không chăm chăm nghĩ đến những đau đớn mà mình phải chịu đựng. Thay vì thế, anh tập trung vào việc khuyến khích người khác cầu nguyện và tin ở Chúa. Hàng ngày Phil đấu tranh với bệnh tật hiểm nghèo bằng cách ngợi ca cuộc sống và tìm đến với mọi người để giúp đỡ họ, mặc dầu anh không thể nhấc được tay chân khỏi giường. Bệnh ALS vừa nguy hiểm vừa gây đau đớn khủng khiếp. Trong mấy năm Phil nằm liệt giường, anh không thể làm gì nhiều cho bản thân anh. Thậm chí giọng nói của anh cũng bị ảnh hưởng khiến mọi người khó có thể hiểu được lời anh nói. Gia đình đầy tình yêu của anh và bạn bè đã chăm sóc anh tận tình.
Mặc dù bị bệnh tật hành hạ, Phil vẫn hiến dâng cuộc sống của anh cho niềm tin tôn giáo, và thậm chí anh đã tìm ra cách biến niềm tin thành hành động để có thể tìm đến với những người ốm yếu, những người mang bệnh hiểm nghèo để an ủi, động viên họ. Nhờ tình yêu thương của Chúa, với tất cả những thách thức to lớn về sức khỏe, Phil đã tạo ra trang web mà mẹ tôi đã phát hiện ra.
Với sự thúc giục của mẹ, tôi tìm đến nhà Phil vào năm 2002 để gặp anh trong chuyến đi tới nước Mỹ của tôi. Tôi có một người em họ phải chịu đựng một căn bệnh nan y chưa có thuốc chữa, và tôi đã được chuẩn bị để đối mặt với điều tồi tệ nhất. Nhưng khi tôi vào phòng của Phil, anh đã dành cho tôi nụ cười đón chào rạng rỡ, một nụ cười đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày hôm đó. Dù phải chịu đựng đau đớn, Phil đã không thu mình lại, không ôm khư khư cảm giác tủi thân. Sức mạnh và lòng dũng cảm của anh đã khiến tôi rất xúc động và đã khích lệ tôi rất nhiều.
Phil và gia đình của anh chưa bao giờ từ bỏ niềm hy vọng về một phép màu, ngay cả khi anh đã chuẩn bị tinh thần để về bên Chúa trên thiên đường. Khi tôi gặp anh, bệnh ALS đã cướp đi khả năng nói của anh. Anh chỉ có thể giao tiếp bằng cách chớp mắt để biểu thị các chữ cái, và anh làm việc đó với sự kiên nhẫn và vui vẻ khiến tôi kinh ngạc. Anh đã tìm ra cách để sử dụng kỹ thuật laser, kỹ thuật cho phép anh điều khiển máy tính và anh đã sử dụng nó để tạo bản tin của người Cơ Đốc giáo trên trang web, bản tin đã có hơn ba trăm người đăng ký đọc.
Nỗ lực phi thường nhằm biến niềm tin thành hành động của anh trong khi anh không thể nói được, trong khi bệnh tật “trói” chặt anh vào chiếc giường đã thúc đẩy tôi bắt đầu sứ mệnh truyền giáo của mình vài tuần sau đó. Từ ngày ấy, bất cứ khi nào cảm thấy thất vọng, tôi lại nghĩ đến Phil Toth. Nếu trong hoàn cảnh ấy anh vẫn có thể tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng tích cực và vẫn giúp đỡ người khác được thì tại sao tôi lại không thể?
Khoảng một năm sau tôi đã vinh dự được ở bên giường của Phil khi anh từ giã cõi đời để đến kiếp sau. Mặc dầu tiếc thương anh vô hạn, tôi vẫn cảm thấy mình bé nhỏ khi chứng kiến một chiến binh trong đội quân của Chúa trở về nhà. Tôi hy vọng rằng bạn và tôi có thể thể hiện lòng quyết tâm, sự can đảm và tinh thần lạc quan trong khi giữ niềm tin và hành động vì niềm tin như Phil để chúng ta có thể trở thành một món quà đối với người khác.
Còn tiếp...
Còn tiếp...
Bích Lan (dịch)