LTS: Nhằm tiêu diệt quân Pháp phòng ngự ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định trong Chiến cục Đông Xuân 1953-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhân kỷ niệm 63 năm sau ngày giải phóng, Điện Biên 7/5/1954-7/5/2017), tòa soạn xin giới thiệu bài viết của Đại tá Dương Đình Lập "Tư tưởng “đánh chắc thắng” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ" đăng trên Báo Quân đội nhân dân.
Ngay từ phiên họp vào tháng 9/1953, Người cùng Bộ Chính trị đã đề ra nguyên tắc chỉ đạo tác chiến: “Đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt”.
Tiếp đó, Bác căn dặn rất kỹ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra mặt trận: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”[1].
Người rất tin chiến dịch sẽ giành được thắng lợi. Vì thế, ngay từ tháng 3/1954, Bác đã khẳng định với nhà báo Bớc-sét: Những đội quân tinh nhuệ nhất của Pháp đang chiếm đóng tại lòng chảo Điện Biên Phủ, “họ sẽ không bao giờ ra được”[2].
Bộ đội ta đánh chiếm hầm Đờ Cát. Ảnh tư liệu/Báo Quân đội nhân dân. |
Đây là tư tưởng chỉ đạo hết sức đúng đắn, khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chiến dịch quyết chiến chiến lược này.
Vì Người nhận thấy, chúng ta có đủ mọi điều kiện để tạo sức mạnh hơn địch; hơn nữa, thắng-bại của Chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên thế giới; vì vậy, “chỉ có thắng chứ không được bại”[3].
Tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo cao nhất, đem lại niềm tin, nguồn sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn cho cả nước dồn quyết tâm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tư tưởng “đánh chắc thắng” đó được xây dựng trên cơ sở khoa học từ nhiều yếu tố, trong đó nguyên tắc “mạnh được yếu thua” được Người đặt lên hàng đầu.
Từ đó, Bác đã nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình địch, ta, địa hình, thời tiết để đề ra nguyên tắc chỉ đạo tác chiến phù hợp.
Thực hiện tư tưởng “chia địch làm năm, bảy mảng mà tiêu diệt” của Bác, bằng 5 đòn tiến công chiến lược (Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào), quân và dân ta đã buộc khối quân cơ động chiến lược Pháp phải phân tán “thành nhiều nhóm nhỏ” và phải điều quân đến chiến trường Điện Biên Phủ có lợi cho ta.
Để tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Người cùng Bộ Chính trị, Bộ tư lệnh chiến dịch nghiên cứu, đánh giá rất kỹ về tình hình mọi mặt.
Bằng sự phân tích sắc sảo, nhận định chính xác cả về địch, ta, địa hình,… Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng nhận thấy sức mạnh tổng hợp của ta hơn hẳn địch; cho nên, hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ với tư tưởng “đánh chắc thắng” là hoàn toàn phù hợp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi sát sao và động viên quân, dân ta chiến đấu kịp thời trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch.
Người tham dự và chủ trì nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình địch, ta, chỉ đạo sát sao không chỉ tại chiến trường Điện Biên Phủ mà trên khắp các mặt trận trong phạm vi cả nước, kể cả ở Lào và Cam-pu-chia, nhằm phục vụ cho chiến dịch thắng lợi.
Đặc biệt, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch báo cáo chuyển từ phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” thì Bác và Bộ Chính trị thống nhất cho rằng: Quyết định thay đổi phương châm như vậy là hoàn toàn có cơ sở, rất đúng đắn, kịp thời, đáp ứng tình hình giữa địch và ta đã có sự thay đổi tại mặt trận.
Người nhận thấy: Thực hiện phương châm này, chúng ta chủ động muốn đánh mục tiêu nào, lúc nào thì đánh; đánh không có lợi thì dừng; chuẩn bị chu đáo và chắc thắng thì đánh, chuẩn bị không đầy đủ thì chưa đánh.
Đồng thời, cách đánh đó còn phù hợp với nguyên tắc chỉ đạo tác chiến và khả năng chiến đấu của bộ đội ta; cho phép ta vừa đánh vừa có khả năng tập trung binh lực, hỏa lực phù hợp vào từng mục tiêu, bảo đảm cho đánh chắc thắng trong từng trận, từng đợt chiến dịch.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sang đợt 2 (từ ngày 30/3 đến 30/4/1954), bộ đội ta tiến công đánh chiếm các cứ điểm: E, D1, D2, C1, 106, 311.
Tiếp đó, ta phát triển hệ thống giao thông hào, chiến hào bao vây chặt toàn bộ quân địch; thực hiện tiến công, đánh vây lấn, diệt các cứ điểm 105, 206, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, khống chế tiếp tế đường không và các hoạt động của chúng, tạo thế và lực mới để phát triển chiến dịch.
Sang đợt 3 (từ ngày 1 đến 7/5/1954), ta tiến công đánh chiếm các cứ điểm: C1, C2, A1, 311A, 311B, 310, 208, rồi nhanh chóng phát triển vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Đờ Cát và toàn bộ Bộ Tham mưu địch. Chiến dịch đã kết thúc toàn thắng.
Như vậy, tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
Bác không những đề ra nguyên tắc tác chiến chiến dịch phù hợp mà còn chỉ đạo, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ, giành thắng lợi trọn vẹn, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tài liệu tham khảo:
[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập luận văn, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 540.
[2] O.Bớc-sét - Hồi ký, Nxb Thông tin lý luận, H. 1980, tr. 25.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2001 tr. 59.