Tôi có dịp về trường Trung học phổ thông Bình Xuyên (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) vào một ngày giữa tháng 11 khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, Nhà trường tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
Chính dịp này, tôi biết đến hai chị em sinh đôi là Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Thị Kim Ngân – hiện hai em đang là học sinh lớp 12 của Nhà trường.
Điều đáng ngưỡng mộ là năm học nào Thủy và Ngân cũng đạt học sinh giỏi toàn diện.
Hai cô gái sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Bình Xuyên, sau Ngân và Thủy còn có hai em (một em đang học lớp 7, một em đang học lớp 6).
Nghe Ngân kể, tôi được biết, bố mẹ Ngân lấy nhau ở miền Bắc nhưng đến khi hai cô con gái đầu lòng được vài tháng tuổi thì gia đình di cư vào Gia Lai - Kon Tum để làm ăn.
Hai chị em sinh đôi ở Vĩnh Phúc năm nào cũng đạt danh hiệu “Học sinh giỏi” (Ảnh: Ngọc Vân) |
Mãi đến khi Ngân và Thủy học lớp 2 thì gia đình mới chuyển ra Bắc (cụ thể là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) gần họ hàng hai bên nội, ngoại.
Gia đình di cư vào vùng đất Tây Nguyên nên những năm tháng tuổi thơ của Ngân và Thủy là những ngày sống xa họ hàng, không nhiều người thân bên cạnh.
Điều khó khăn nhất đối với 2 đứa trẻ khi ấy là quãng đường đi học từ nhà đến trường tiểu học tận 7km nhưng do bố mẹ còn bận đi làm nên không có thời gian đưa đón các con.
Khi học tiểu học, Ngân và Thủy thường thường 8 giờ sáng đã ăn trưa, 10 giờ trưa đi học để 12 giờ tới trường kịp giờ vào lớp.
Còn khi chiều tan học, nếu vẫy được xe của người qua đường để đi nhờ thì đoạn đường về nhà của các em sẽ ngắn hơn nhưng nhiều khi không đi nhờ được thì phải 7 giờ tối, hai đứa trẻ ấy mới đi học về tới nhà.
Hiện tại, cả bố và mẹ của Ngân, Thủy đều đang đi làm công nhân ở một công ty gần nhà. Mặc dù mức thu nhập có ổn định hơn so với lúc bố của Ngân đi làm thợ xây tuy nhiên do nuôi 4 đứa con đang độ tuổi ăn học nên hầu hết tháng nào gia đình cũng phải vay thêm tiền để chi tiêu.
“Học đại học mà thất nghiệp, đi du học Nhật Bản còn hơn” |
Ấy vậy, bố mẹ luôn động viên các con học tập và không quên dặn dò: “Các con học được đến đâu thì bố mẹ sẽ nuôi tới đó chứ không bao giờ để các con bỏ học giữa chừng”.
Nghe những lời động viên, khích lệ của bố mẹ và thương bố mẹ vất vả nên kể từ nhỏ tới khi là cô học trò lớp 12, cả Ngân và Thủy đều cố gắng học tập và luôn đạt học sinh giỏi, đứng trong top đầu của lớp trong suốt 11 năm học vừa qua.
Được biết, năm lớp 11 vừa qua, cả hai em đều là là học sinh giỏi toàn diện của trường và em Ngân đạt giải Khuyến khích môn Văn cấp tỉnh, còn Thủy giành giải Khuyến khích môn Vật lý cấp tỉnh.
Do bố mẹ đi làm cả ngày, nên buổi trưa 4 chị em Ngân tự nấu ăn, ăn cơm rồi đi học. Ngân kể, bố mẹ đi làm còn việc nhà thì 4 chị em làm hết, chúng em sẽ dậy sớm hơn bình thường để giặt quần áo, chuẩn bị bữa sáng, dọn dẹp nhà cửa rồi mới đi học.
Buổi trưa đi học về thì nấu cơm để 4 chị em và bà cùng ăn, ăn xong cũng đến giờ đi học. Và buổi tối thì đi học về lo bữa tối cho cả nhà, dọn dẹp nhà cửa.
Cứ như vậy, ngày qua ngày, tháng qua tháng, 4 chị em cùng nhau chuẩn bị những bữa cơm gia đình đầm ấm, vui vẻ.
Khi tôi hỏi, vậy thời gian các em học tập là khi nào thì nhận được câu trả lời của Ngân rằng:
“Buổi tối tụi em học từ khoảng 8 giờ đến 11 giờ đi ngủ và hôm nào có nhiều bài tập thì sẽ đặt báo thức để 2 – 3 giờ sáng dậy học tiếp. Nếu hôm nào không muốn dậy sớm thì tụi em sẽ học tới khoảng 12 giờ đêm”.
Được biết, dự định của Ngân là thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội còn Thủy đang chuyển hướng sang học đội tuyển Sinh học để hi vọng thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội.
Chứng kiến nhiều thế hệ anh chị tốt nghiệp đại học nhưng giờ đang thất nghiệp, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 do đó hai cô bé Ngân và Thủy luôn tự động viên nhau vừa cố gắng học tập vừa tham gia các hoạt động của trường, lớp như hoạt động ngoại khóa, tham gia câu lạc bộ từ thiện....để tăng khả năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm...
Bởi lẽ, hai cô gái này hiểu rằng, muốn có một công việc tốt thì không chỉ giỏi về kiến thức mà cần có khả năng làm việc, năng động và biết tạo cơ hội cho bản thân.
Hi vọng rằng, bằng sự cố gắng nỗ lực, vượt lên hoàn cảnh gia đình như vậy, cánh cửa đại học sẽ chào đón và các em sẽ “nhập cuộc” để trở thành công dân toàn cầu, bắt kịp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.