LTS: Hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X.
Theo ông, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải chọn được những cán bộ xứng đáng với dân, với nước, xứng đáng với sự hy sinh của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Chọn cán bộ giỏi không khó
Nhìn vào tình hình đất nước trong những năm vừa qua, ông có lo lắng về công tác tổ chức cán bộ không?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi rất lo lắng! Công tác cán bộ cho dù được thực hiện qua nhiều quy trình chặt chẽ, nhưng vẫn có những chỗ bị sai lệch dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc.
Đó là chuyện quan chức sai phạm trong điều hành vì tư lợi, đó là chuyện tham nhũng, lãng phí ở nhiều địa phương, nhiều ngành… trong khi công tác giám sát, thanh tra quá yếu kém.
Tôi lấy thí dụ như báo cáo của Viện Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ thì tính đến hết tháng 5/2015 trong số 1.225 người thuộc diện phải xác minh tài sản chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực.
Đây là một con số quá ấn tượng, nhưng liệu có đúng như vậy không? Nhìn vào kết quả này, tôi rất buồn, bởi vì kết quả không phản ánh đúng thực chất tình hình diễn biến trong thực tế.
Nếu kết quả này là đúng thì Việt Nam phải được xếp ở nhóm đầu về sự minh bạch chứ không phải là nằm ở tốp cuối.
Trong các báo cáo của Đảng vừa qua đều chỉ ra rằng, tình hình tham nhũng diễn biến khó lường, còn nhiều phức tạp, kết quả đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu đề ra. Ấy thế mà kết quả thanh tra thì phản ánh hoàn toàn ngược lại.
Cứ như thế này thì làm sao kiểm soát được sự trung thực của cán bộ. Cứ như thế này thì kê khai tài sản sẽ mãi chỉ là chuyện hình thức, mà cái gì chỉ là hình thức, không còn thực chất nữa thì phải bỏ hoặc phải làm cho đúng với mong muốn của Đảng, cũng là mong muốn của nhân dân.
Nghị quyết của Đảng lần nào đưa ra cũng đúng cả, nhưng vì sao kết quả thực hiện trong thực tế lại không đạt được định hướng đề ra? Vấn đề này, tôi nghĩ Đảng phải nghiêm túc tổng kết, xem xét lại trên tất cả các mặt.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Phải chọn được những người dám hy sinh vì dân, vì nước". ảnh: Ngọc Quang. |
Qua các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là từ Nghị quyết Trung ương 4 tới nay, Đảng ta vốn đã nhìn nhận rõ hơn những mặt còn hạn chế ấy và tôi mong rằng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là thời điểm phải dứt điểm được nhưng tồn tại đã được chỉ ra.
Phải siết chặt công tác cán bộ, vì nó có liên quan mật thiết với sự tồn vong của chế độ, của nền độc lập mà biết bao thế hệ đã phải đổ máu, hy sinh mới có được.
Hơn nữa, trong xu thế hội nhập hiện nay, nếu không chọn được cán bộ giỏi thì không thể nào đưa nền kinh tế bứt phá. Chỉ khi chúng ta mạnh về kinh tế thì mới tránh được sự lệ thuộc và có đủ tiềm lực bảo vệ độc lập chủ quyền.
Cụ thể hơn, theo ông phải làm thế nào để chọn được cán bộ xứng đáng giữ các vị trí lãnh đạo?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Muốn chọn được cán bộ giỏi không khó, bởi nếu đánh giá về tư cách đạo đức thì Đảng hoàn toàn kiểm soát được.
Còn về năng lực thì đã có cả một quá trình diễn biến công tác cho thấy năng lực thế nào. Cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây là năng lực thực chất, chứ không phải là được đặt vào ghế này, ghế kia rồi sống lâu lên lão làng.
Gần đây, một số địa phương và cả các bộ cũng đã tổ chức thi tuyển lãnh đạo, tôi cho rằng đó là cách làm rất văn minh, dần dần Đảng ta cũng cần nghiên cứu để có tranh cử ở vị trí cao hơn.
Hoặc chí ít chưa làm được như vậy thì khi tiến cử một ông Bộ trưởng nào đó, dân cũng phải được biết là ông Bộ trưởng đó có những kế hoạch gì lớn trong nhiệm kỳ.
Đó là những điều căn bản và dễ để giám sát, bởi vì kế hoạch trình bày ra, mà đến nửa nhiệm kỳ rồi làm không được thì đó là căn cứ để thay cán bộ. Và chính cán bộ ấy cũng phải tự thấy xấu hổ mà từ chức để người khác phù hợp hơn điều hành.
Cũng có người hỏi tôi rằng, vì sao khi chọn thì cán bộ tốt, nhưng sau một thời gian có chức quyền rồi lại thành ra người xấu?.
Tôi cho rằng, đầu tiên là do cán bộ thiếu bản lĩnh, dẫn tới sự suy thoái ở nhiều mặt. Nhưng mặt khác, từ đó đặt ra cho Đảng ta bài toán đãi ngộ với cán bộ lãnh đạo như thế nào để họ thực sự yên tâm cống hiến cho dân, cho nước.
Ông Vũ Quốc Hùng: “Phải dẹp bỏ tư tưởng con quan rồi lại làm quan” |
Đó là thực tế cuộc sống, lãnh đạo thì họ cũng có cuộc sống gia đình, cũng phải chăm lo cho con cái, nên không thể nào chống tham nhũng được khi mà cán bộ lãnh đạo chức vụ thì rất to nhưng lương thì còi cọc. Ai nhìn vào cũng thấy vô lý, nhưng cái vô lý ấy biết đến bao giờ mới sửa được?
Ở góc nhìn của một người cả đời ngắn bó với binh nghiệp, tôi mong rằng phải chọn được người lãnh đạo đủ tầm tập hợp được nhân dân trong những thời khắc lịch sử.
Đó phải là người có bản lĩnh, ý chí và phải có hành động rất cụ thể để bảo vệ nền độc lập chứ không chỉ bằng lời nói.
Chúng ta đã có quá nhiều bài học xương máu trong lịch sử dân tộc, và cho đến ngày nay vẫn còn nguyên tính thời sự, đó là vấn đề Biển Đông, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc.
Tôi rất nhớ bài “Lời ru mẹ Âu Cơ” gửi đảo của tác giả Nguyễn Thế Kiên có viết rằng: “Trời xanh còn ở trên đầu/Mấy nghìn năm đã cũ đâu kẻ thù/À ơi đảo nổi đảo chìm/Từ cay đắng mẹ - mà nên đất này”.
Lớp trẻ phai nhạt lý tưởng là một nguy cơ lớn của Đảng
Thưa ông, dường như trong công tác phê bình và tự phê bình, kết quả đạt được cũng còn nhiều hạn chế?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trong di chúc để lại cho Đảng, cho nhân dân ta Chủ tịch Hồ Chí Min viết: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Cụ thể hơn thì Đảng ta phải làm thế nào?
Bác đã chỉ ra rằng, Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.
Đối với Bác, dù ở cương vị lãnh đạo cao nhất, Người vẫn thực hành tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, nêu tấm gương sáng về đức tính trung thực, thẳng thắn, về thái độ và phương pháp phê bình cho cán bộ, đảng viên noi theo.
Bác nói rằng: "Tổ chức đảng cũng vậy, Đảng không phải trên trời rơi xuống, "Đảng là người, nên có sai lầm, tức là cũng có lúc khoẻ mạnh, lúc ốm đau, bệnh tật. Đó là lẽ thường tình, không vì thấy ốm đau mà phát sinh tư tưởng lo sợ, bi quan, tuyệt vọng, giấu giếm bệnh tật trong mình".
Và, Người khẳng định: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình "để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng".
Từ đó khẳng định, tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén nhất giúp Đảng ta trong sạch vững mạnh, làm tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, trên thực tế thì kết quả các cuộc phê bình và tự phê bình chưa đạt được đúng với mong muốn của Đảng. Cứ nhìn vào thực tế chất lượng cán bộ ra sao, cách hành xử thế nào, tài sản ở đâu ra nhiều thế… là thấy ngay kết quả.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã còn phải căng sức để đấu tranh với với những diễn biến tự chuyển hóa trong nội bộ. Điều đó sẽ làm phai nhạt lý tưởng và cũng là một nguy cơ lớn của dân tộc, thưa ông?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đấu tranh tự chuyển hóa, tự diễn biến trong nội bộ là việc làm cần thiết của Đảng, nhằm ngăn chặn đà suy thoái trong nội bộ các tổ chức Đảng.
Chúng ta đều thấy, mỗi khi đất nước chuẩn bị bước vào những sự kiện lớn thì lại xuất hiện nhiều thông tin xấu về các lãnh đạo cấp cao.
Chưa cần phải nói tới tính xác thực của thông tin, nhưng chúng ta thấy rõ là cách tung tin như vậy là không nhằm xây dựng cho Đảng tốt lên, mà nhằm làm rối nhiễu nội bộ Đảng ta, phá hoại sự đoàn kết trong nội bộ các tổ chức Đảng, làm cho người dân ngày càng có cái nhìn xấu về cán bộ Đảng viên.
Trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nạn tham nhũng vẫn còn lan tràn thì nhiều người dân bức xúc là chuyện dễ hiểu.
Nói gì thì nói, đất nước ta đa phần vẫn là nông nghiệp, mà đời sống gắn liền với nông nghiệp quá lâu nên người dân chưa có nhận thức đúng đắn về những việc đã xảy ra.
Thí dụ như quan chức tham nhũng, lợi dụng chức vụ để làm việc riêng… tất cả những chuyện đó khi bị phát hiện đều được xử lý theo luật pháp. Không thể vì một số hiện tượng ấy mà quy chụp, cho rằng Đảng là xấu.
Chúng ta cần nhớ lại, hơn 80 năm trước, trong thời khắc nguy cấp nhất thì Đảng ra đời, quy tụ được sức mạnh của nhân dân vùng lên giành chính quyền.
Từ đó tới nay, Đảng cũng luôn phấn đấu vì lợi ích của nhân dân. Cho dù những kết quả đạt được chưa tương xứng với yêu cầu đề ra, cho dù trong quá trình đổi mới còn có những việc đáng tiếc xảy ra, nhưng trên hết cần phải hiểu thông suốt được rằng, chúng ta đấu tranh vạch trần những sai lầm tiêu cực trong Đảng, chứ không phải đấu tranh với Đảng.
Nếu không tỉnh táo, nếu không hiểu được như vậy thì dân ta sẽ vô tình bị kẻ xấu lợi dụng phá hoại sự ổn định trong đời sống xã hội và có thể dẫn tới những điều đáng tiếc hơn. Mục đích chung của các thế lực thù địch là chỉ nhằm phá hoại, chứ không xây dựng.
Chúng ta cũng thấy rằng, gần đây nhiều vụ việc tiêu cực liên quan tới những cán bộ Đảng viên có chức, có quyền đã bị phanh phui và xử lý nghiêm khắc, như vụ Dương Chí Dũng hay vụ cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền...
Điều đó cho thấy, Đảng ta quyết tâm làm trong sạch bộ máy, quyết tâm chống tham nhũng, chống sự nhũng nhiễu… dù kết quả đạt được mới chỉ ở bước đầu.
Trân trọng cảm ơn Trung tướng!