Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X nhận định, để giữ gìn sự trong sạch của Đảng, của bộ máy công quyền thì luật pháp phải nghiêm minh.
Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của Quốc hội, của Đại biểu Quốc hội. Vì vậy, Đại biểu Quốc hội cũng giống như một người lính trên chiến trường.
Nhiều Đại biểu sắc sảo, nhưng cũng nhiều Đại biểu nhạt nhòa
Từ kinh nghiệm hoạt động tại Quốc hội 3 khóa liền, theo ông những tố chất nào là cần thiết nhất với một Đại biểu Quốc hội?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, trong đó Đại biểu Quốc hội chính là người đại diện cao nhất của nhân dân.
Vì vậy, Đại biểu Quốc hội trước hết phải giữ cho được cái tâm và ý chí nghị lực vì lợi ích của nhân dân.
Khi tư tưởng hướng về lợi ích chung của dân rồi thì người đó vẫn phải có sự dũng cảm, giống như một người chiến sĩ ra mặt trận. Trước sự sống và cái chết nhưng người chiến sĩ vẫn lao lên vì họ luôn nung nấu phải chiến đấu vì lợi ích của nhân dân, vì lý tưởng cao cả của dân tộc.
Người Đại biểu Quốc hội không phải đối diện với nguy hiểm về tính mạng như người lính trên chiến trường, nhưng lại phải vượt qua được rào cản trong chính mình.
Cái gì xâm phạm đến lợi ích của dân thì phải kiên quyết đấu tranh. Cái gì mà lợi dân thì dù có thiệt thòi cho bản thân mình cũng phải nai lưng ra mà làm, đưa trí tuệ vào đó, đưa sự quyết tâm vào đó. Anh có làm được như vậy thì mới đúng là người đại biểu của dân.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Đại biểu Quốc hội không thể là nghị diễn, nghị gật". ảnh: Ngọc Quang. |
Vậy qua theo dõi, theo ông các Đại biểu Quốc hội hiện nay có giống như “chiến sĩ trên chiến trường” không?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi nhớ lại thời kỳ mới thống nhất đất nước, Quốc hội còn rất mới mẻ, nhưng Bác Hồ đã cảm hóa được rất nhiều người dù chưa phải là Đảng viên, thậm chí có cả những người trước đó không cùng tư tưởng với Đảng cộng sản, nhưng đã tham gia đóng góp vì lợi ích của dân.
Dù Quốc hội đã đổi mới, ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ của mình trước nhân dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cần phải xem lại tư cách Đại biểu Quốc hội, vì có nhiều người tốt, rất sắc sảo, dám nói thẳng, nói thật. Nhưng cũng có nhiều người rất nhạt nhòa, thậm chí còn vi phạm pháp luật như trường hợp của bà Châu Thị Thu Nga vừa rồi.
Trước bà Nga còn nhiều người khác nữa, thậm chí còn khai không đúng lý lịch mà vẫn lọt qua được sự kiểm soát của cá cơ quan chức năng. Đấy là điều vô cùng đáng lo ngại.
Đất nước có độc lập thôi chưa đủ, mà người dân phải có quyền trong sự độc lập ấy. Về chuyện này nói thì rất dễ, nhưng làm không dễ, vì vậy lúc chọn người Đại biểu Quốc hội trước hết phải dũng cảm, dám hy sinh vì lợi ích của nhân dân.
Cái gì là lợi ích của dân thì dù khó đến mấy cũng phải cố gắng đưa trí tuệ vào đó, đưa bản lĩnh vào đó để thực hiện cho bằng được.
Phát hiện ra Đại biểu gian dối, phải xử lý cá nhân và tổ chức kiểm soát hồ sơ
Trước bà Châu Thị Thu Nga đã có những trường hợp khác cũng bị bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội. Ông có suy nghĩ gì về những sự việc đáng tiếc này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Là một Đại biểu Quốc hội đồng thời cũng là một công dân, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm trước tổ chức, trước pháp luật. Nhưng rõ ràng đã có những dấu hiệu cho thấy tổ chức của ta có sự dễ dãi từ đầu khi chọn nhân sự giới thiệu làm Đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội và những phát ngôn "chấn động" nghị trường |
Dân thì chỉ biết tin vào Đảng, tin vào tổ chức, chứ làm sao dân biết cá nhân Đại biểu Quốc hội thế nào.
Vì vậy khi phát hiện những trường hợp gian lận hồ sơ hay vi phạm pháp luật từ lâu rồi mà vẫn lọt qua vòng kiểm tra để trở thành Đại biểu Quốc hội thì dứt khoát phải xem xét trách nhiệm của tổ chức và những cá nhân có liên quan.
Theo tôi, khi lựa chọn Đại biểu Quốc hội cho khóa tới, toàn bộ thông tin về các ứng viên đưa ra bầu phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai tại các tổ dân phố, rồi tại các cơ quan nhà nước. Làm như vậy để nhân dân biết, giám sát và sẽ có phản hồi kịp thời về các tổ chức, giúp cho các tổ chức chọn người xứng đáng, tránh những sự việc đáng tiếc như thời gian vừa qua.
Thưa ông, hai kỳ họp gần đây, có hiện tượng Đại biểu bấm nút hộ nhau khi Quốc hội thông qua các dự án luật. Nhiều người bảo đó là hành vi rất đáng xấu hổ, còn ông nghĩ sao?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Khi tôi còn làm Đại biểu Quốc hội cũng đã có hiện tượng đó rồi. Việc làm đó là vi phạm pháp luật, Quốc hội phải tìm cho được ai đã bấm nút hộ và ai nhờ bấm nút để xử lý dứt điểm.
Quốc hội dứt khoát không thể có thị phi, gian dối, rơi vãi cả sự tôn nghiêm |
Quốc hội là nơi đại diện cho tiếng nói của nhân dân, cho nên phải trung thực. Ở Quốc hội không thể có chuyện gian dối. Nói xa hơn, không riêng gì Quốc hội mà mọi tổ chức trong chính thể này cũng phải xuất phát từ cái gốc là vì lợi ích của nhân dân.
Đại biểu Quốc hội dứt khoát phải có được kiến thức nền cơ bản tốt về pháp luật. Chứ bây giờ lại còn có người bảo là, bấm nút thông qua hay không luật thì không yên tâm, mà bấm nút thông qua cũng không yên tâm. Đại biểu Quốc hội không thể là nghị diễn, nghị gật. Bấm nút cho nó xong thì nguy hiểm lắm.
Trong số các Đại biểu Quốc hội hiện nay có một phần lớn là cán bộ các cơ quan hành pháp. Ông nghĩ điều đó có tốt cho Quốc hội không?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Ở nhiều nước, nghị sĩ Quốc hội không tham gia công việc ở các cơ quan hành pháp, để đảm bảo sự minh bạch. Còn ở ta hiện nay thì điều kiện chính trị, thể chế khác với những nước đó nên không thể làm giống họ, tuy vậy cũng cần phải nghiên cứu giảm số Đại biểu đang công tác ở các cơ quan hành pháp để đảm bảo khách quan, minh bạch.
Nếu Quốc hội làm được như vậy thì ở các cấp tỉnh, huyện cũng sẽ làm theo. Đây là một yếu tố rất quan trọng để tăng được quyền làm chủ của người dân một cách thực sự.
Hiện nay, nhiều đại biểu nằm trong chính quyền quá nên thường các vụ việc tiêu cực chỉ có báo chí hoặc các đại biểu độc lập thì mới dám nói.
Chúng ta vẫn nói với nhau từ xưa tới nay rằng, Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Như vậy, Đảng lãnh đạo chứ không phải điều hành nhân dân. Trong khi đó, Quốc hội là của dân, mà trong Quốc hội bây giờ lại quá nhiều Đảng viên thì cũng chưa hẳn đã tốt, vì khi biểu quyết là Đảng viên thì sẽ dễ bị chi phối.
Tôi nhớ lại thời kỳ sau giải phóng, cả Quốc hội ta có mấy người là Đảng viên đâu, thế mà mọi việc vẫn trôi chảy, đâu vào đấy; không như bây giờ cái gì cũng lo quá, thành ra chỗ nào cũng phải có đảng viên mới yên tâm thì tôi thấy không đúng.
Trân trọng cảm ơn ông!