“Rõ ràng là một hình thức tước đoạt”
Nhắc đên câu chuyện lương “khủng” của nhiều vị lãnh đạo tại bốn công ty công ích trong TP. HCM, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, một trong những vị tướng tài ba đã từng giữ chức tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, tư lệnh trưởng quân khu 4 - góp công lớn vào chiến thắng miền Nam giải phóng đất nước tỏ ra bất bình lắm.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước |
Ông khẳng định luôn rằng, hành động đó rõ ràng là một hình thức tước đoạt. Ông nói: “Như thế là ăn trên sức lao động của người khác. Vi phạm một cách nghiêm trọng bản chất của doanh nghiệp nhà nước. Về phẩm chất chính trị, không biết họ nghĩ như thế nào về dân tộc này(?)”.
Ông dẫn chứng thêm rằng, giờ cả nước đang cố gắng phấn đấu thu nhập bình quân một người dân Việt Nam có trên 30 triệu đồng. Thế mà giờ các ông lãnh đạo này lĩnh những 200 triệu mỗi tháng, thế thì bằng cả chục năm đi làm của những người khác.
Nói về trách nhiệm trong vụ việc, tướng Thước nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan quản lí nhà nước. “Không phát hiện được để xảy ra việc đó, trách nhiệm đầu tiên tôi cho là của cơ quan quản lí. Nếu doanh nghiệp của Trung ương thì Trung ương phải có trách nhiệm, của địa phương hoặc của ngành nào thì địa phương, ngành đó phải quản lí”.
Tướng Thước bức xúc bởi ông cho rằng, nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài và xảy ra trên diện rộng thì không biết khi nào khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội mới được thu hẹp lại.
Vai trò quá mờ nhạt của tổ chức Công đoàn
Về vai trò và trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể xung quanh vụ việc, tướng Thước cho rằng có phần mờ nhạt: “Tổ chức Công đoàn, đoàn thể ở đâu khi mà để họ bòn rút hàng tỉ đồng tiền của người lao động? Vậy thì người công nhân ăn cái gì nữa?”. Trung tướng Thước nói.
Ông dẫn chứng: “Vừa qua đại hội công đoàn tuyên bố rất hùng hồn là bảo vệ quyền lợi của người công nhân. Tuy nhiên, để xảy ra sự việc như vậy thì cần đặt câu hỏi về vai trò của công đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Vai trò này gần như không có gì, có khi Công đoàn còn là “cái đuôi” của Giám đốc, chỉ để giám đốc sai khiến. Giám đốc cho bao nhiêu thì anh được bấy nhiêu. Do đó tính phụ thuộc của Công đoàn hiện nay với lãnh đạo là rất rõ ràng”.
“Như vậy giai cấp công nhân còn biết dựa vào đâu để đấu tranh?”, Tướng Thước đặt câu hỏi.
Suốt ngày tiếp xúc với bùn dơ, nhưng lương của người công nhân móc cống quá thấp so với giám đốc - Ảnh: T.TRUNG (Tuổi Trẻ) |
Ông cho rằng, chính vì sự mờ nhạt của các tổ chức này nên nhiều nơi công nhân họ bế tắc và buộc lòng phải đứng lên biểu tình, bãi thị. Ngoài ra, Công đoàn là công cụ hợp thức hóa các hoạt động của Ban Giám đốc.
“Rõ ràng điều này đang thể hiện sự bất công đối với người công nhân. Thứ hai nữa là sự bất lực của cơ quan bảo vệ người công nhân, là không có. Cho nên nói tổ chức mang hình thức nhiều hơn là đi vào thực chất”, tướng Thước đưa ra ý kiến.
Nhân câu chuyện trên, hỏi về quan điểm của ông như thế nào để để khắc phục tình trạng. Theo ông, một là cơ quan quản lí nhà nước cần phải vào cuộc. Hai là vai trò của Công đoàn. Thứ ba là các đoàn thể khác như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh….cũng cần phải có liên đới, chịu trách nhiệm.
“Nói là bảo vệ quyền lợi của người lao động mà để xảy ra sự việc như vậy thì bảo vệ cái gì?”, tướng Thước nhấn mạnh.
Ông cho rằng, việc lương lãnh đạo công ty công ích mà những vài tỉ mỗi năm là quá bất bình thường và không thể nào chấp nhận được. “Tôi đi đánh giặc 20 năm, cấp tướng mà giờ lương được 10 triệu đồng mỗi tháng đã mừng lắm, sáng mắt lên rồi. Vậy thử hỏi công bằng xã hội ở đâu?”, tướng Thước so sánh
“Bắt giam, bỏ tù chỉ tốn cơm nhà nước”
Về phương án xử lí vụ việc, ông cho rằng nếu sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì việc CQĐT khởi tố, bắt giam hay bỏ tù là cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả đó là những người này đã tước đoạt tài sản của Nhà nước, của công nhân bao nhiêu thì phải hoàn trả lại bấy nhiêu rồi sau đó cho nghỉ việc.
“Chứ giờ bắt tù đày mấy ông Nhà nước lại phải nuôi cơm, thêm mệt ra...”. Tướng Thước bức xúc nói.
Ông nhấn mạnh lại thêm một lần nữa. “Đã vi phạm về kinh tế thì biện pháp trừng phạt đầu tiên phải bằng kinh tế”.
Về hướng xử lí các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thiếu minh bạch, tướng Thước cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần phải thanh kiểm tra trên diện rộng.
Ông nói: “Đây có lẽ là vấn đề tiêu cực khá phổ cập. Nếu chúng ta không làm đến nơi đến chốn thì chưa phản ánh được đúng bản chất chế độ của Nhà nước mình. Cho nên cần phải hành động ngay, chỗ nào có doanh nghiệp Nhà nước thì cần phải kiểm tra để báo động cho tất cả”.
Ông cho rằng, trong một địa phương, thấy đơn vị nào có khả năng tiêu cực cao thì tập trung làm trước. “Tất nhiên là rất khó để làm hết nên cần phải tập trung đánh vào đúng điểm nóng. Cái này cũng giống như đánh giặc, phải chọn điểm mà đánh. Đánh một điểm mà có thể rung cả mặt trận”.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc.