Tướng Trung Quốc: Ấn Độ phụ thuộc vào mua vũ khí sẽ vỡ mộng nước lớn

28/03/2012 08:38
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - Trong điều kiện chiến tranh, chỉ cần một lời nói gây bất hòa hoặc ý thức chính trị mâu thuẫn, lập tức tiến hành phong tỏa công nghệ, bao gồm phụ thùng thay thế. Khi đó, những trang bị chủ yếu được nhập khẩu này đều trở thành đống sắt vụn, cơ bản không thể sử dụng.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ, do Nga chế tạo.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ, do Nga chế tạo.

Tờ “Phương Đông” dẫn các nguồn tin cho biết, gần đây Chính phủ Ấn Độ tuyên bố, trong năm tài chính tiếp theo, chi tiêu quân sự của Ấn Độ sẽ tăng 17%, lên tới 1.930 tỷ rupee, khoảng 38,6 tỷ USD. Nguồn tin từ Quân đội Ấn Độ cho biết, tốc độ tăng như vậy không thể đáp ứng nhu cầu của Quân đội Ấn Độ.

Như vậy, nhu cầu nội tại để Ấn Độ duy trì tăng trưởng chi tiêu quân sự cao đến từ đâu? Những vũ khí trang bị được Ấn Độ nhập khẩu từ nhiều nước sẽ phát huy hiệu quả như thế nào trong chiến đấu thực tế? Về vấn đề này, nhà quan sát quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư vấn Thông tin hóa – Hải quân Trung Quốc, Thiếu tướng Doãn Trác đã có bài trả lời phỏng vấn báo chí.

Có vật chất là có giấc mơ, Ấn Độ tăng lớn chi tiêu quân sự trong mười mấy năm

Những năm gần đây, Ấn Độ đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh, từ đó duy trì tăng trưởng chi tiêu quân sự cao, đã có được nền tảng vật chất.

Đồng thời, Ấn Độ - nước luôn có “mộng nước lớn” lấy phát triển sức mạnh quân sự làm một phương diện quan trọng để nâng đỡ cho vị thế nước lớn của họ.

Doãn Trác cho rằng, sự tăng trưởng nhanh chóng về chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ trong mấy năm qua chủ yếu dựa trên nguyên nhân trên 2 phương diện:

Thứ nhất, nền tảng vật chất. Nền kinh tế Ấn Độ về cơ bản có triển vọng tốt đẹp, mặc dù năm 2011 phát triển có giảm chút ít, nhưng trước đây về cơ bản đã duy trì được giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao 10 năm. Sức mạnh kinh tế Ấn Độ đang mở rộng nhanh chóng, GDP hiện nay đã vươn lên khoảng vị trí thứ 7 của thế giới, có thể vượt Anh, Pháp.

Chi tiêu dùng cho lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ có thể nhiều hơn nữa. Cho nên, đây là nền tảng vật chất để Ấn Độ duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao về chi tiêu quân sự.

Máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ.
Máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ.

Thứ hai, giấc mộng nước lớn. Từ thời kỳ Nehru đã từng đề xuất, Ấn Độ hoặc là một quốc gia rất xuất sắc trên thế giới, hoặc là một nước không ai biết đến.

Những năm gần đây, Ấn Độ tìm cách trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, có các động thái rất mạnh.

Muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, phải có vị thế ngoại giao, kinh tế tương ứng, đặc biệt là phải có vị thế quân sự, sức mạnh quốc phòng để nâng đỡ cho vị thế nước lớn.

Đồng thời, Ấn Độ cơ bản ở trong một trạng thái sức ép cao ở toàn bộ khu vực Nam Á, trong đó có Ấn Độ Dương và các nước láng giềng.

Muốn ra sức mở rộng khoảng cách về quân sự với các nước xung quanh, đặc biệt là Pakistan, đây là một tư tưởng chỉ đạo quan trọng của quốc phòng-an ninh Ấn Độ.

Vì vậy, sự kết hợp giữa giá đỡ vật chất (có được tự nền tảng kinh tế) và giấc mộng nước lớn, làm cho chi tiêu quân sự của Ấn Độ mười mấy năm qua luôn duy trì tăng trưởng hai con số.

Phương Đông Báo: Vũ khí trang bị của Ấn Độ “đi đường tắt” thực ra cực kỳ có hại?

Cùng với việc mở rộng quy mô của nền kinh tế, Ấn Độ muốn thông qua mua sắm vũ khí trang bị tiên tiến để đạt mục tiêu nhanh chóng thực hiện hiện đại hóa vũ khí trang bị, trở thành cường quốc quân sự trên thế giới.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm Thụy Điển, từ năm 2006 Ấn Độ luôn là nước nhập khẩu vũ khí trang bị lớn nhất thế giới.

Tàu sân bay Gorshkov đang được Nga cải tạo cho Ấn Độ.
Tàu sân bay Gorshkov đang được Nga cải tạo cho Ấn Độ.

Doãn Trác cho rằng, Ấn Độ thông qua phương thức mua sắm lượng lớn vũ khí trang bị của nước ngoài để tăng cường sức mạnh quân sự, nhìn vào ngắn hạn, sức mạnh kinh tế có thể nhanh chóng chuyển hóa thành sức mạnh quốc phòng, nhưng nhìn về dài hạn, sẽ có hại vô cùng.

Ấn Độ đã áp dụng biện pháp “đi đường tắt”. Những nước vừa và nhỏ bình thường áp dụng biện pháp “đi đường tắt”, bởi vì trong tình hình hệ thống công nghiệp chế tạo, hệ thống công nghiệp quốc phòng không hoàn chỉnh, không thể tiến hành tự nghiên cứu phát triển và chế tạo những vũ khí tác chiến chủ yếu cỡ lớn, buộc phải mua của nước ngoài.

Ấn Độ chủ yếu đã áp dụng phương thức phát triển của các nước vừa và nhỏ, chẳng hạn, tàu chiến, tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay về cơ bản đều mua của nước ngoài.

Đi con đường này có một cái hay là trong vài năm sức mạnh quốc phòng của họ có thể có một bước tiến mới, tức là sức mạnh kinh tế có thể thông qua “đi đường tắt” chuyển hóa tương đối nhanh chóng thành sức mạnh quốc phòng.

Nếu là mua vũ khí tác chiến mới của nước ngoài, trải qua 5 – 7 năm huấn luyện và nội địa hóa một bộ phận linh kiện là có thể trang bị cho quân đội. Trong 5 – 7 năm, sức mạnh kinh tế lập tức chuyển hóa thành sức mạnh quốc phòng, chuyển hóa thành ưu thế trên chiến trường, điều này rất quan trọng đối với Ấn Độ.

Ấn Độ mua máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8I Poseidon của Mỹ.
Ấn Độ mua máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8I Poseidon của Mỹ.

Trong lĩnh vực thông tin hóa, chẳng hạn như máy bay cảnh báo sớm, máy bay tuần tra chống tàu ngầm, máy bay tác chiến điện tử, về cơ bản đều là mua của nước ngoài. Như vậy sẽ có thể giúp cho trình độ thông tin hóa có một bước tiến lớn.

Đây là một mặt tốt của “đi đường tắt”

Tuy nhiên, đối với một nước lớn, cần lượng trang bị tương đối lớn, không thể luôn mua của nước ngoài. Bởi vì, phải mua trang bị của nước ngoài, bạn lại muốn làm một nước lớn, vị thế không thể được bảo đảm.

Trong điều kiện chiến tranh, chỉ cần một lời nói gây bất hòa hoặc ý thức chính trị mâu thuẫn, lập tức tiến hành phong tỏa công nghệ, bao gồm phụ thùng thay thế. Khi đó, những trang bị chủ yếu được nhập khẩu này đều trở thành đống sắt vụn, cơ bản không thể sử dụng.

Trong cuộc chiến tranh với Pakistan, Ấn Độ từng nếm phải quả đắng phong tỏa của nước ngoài.

Là một nước lớn, muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, phải xây dựng được hệ thống công nghiệp quốc phòng của mình. Muốn xây dựng hệ thống công nghiệp quốc phòng thì phải có hệ thống công nghiệp, hệ thống ngành chế tạo hoàn chỉnh.

Máy bay cảnh báo sớm AWACS của Không quân Ấn Độ, mua của Israel.
Máy bay cảnh báo sớm AWACS của Không quân Ấn Độ, mua của Israel.

Sự phát triển kinh tế của Ấn Độ hoàn toàn không cân bằng. Sự phát triển ngành công nghiệp phần mềm máy tính của họ tương đối nhanh, thu nhập từ thương mại nước ngoài cũng tương đối cao.

Nhưng ngành chế tạo tương đối không hoàn chỉnh, thép vật liệu thì có thể, nhưng thép có tính năng cao dùng cho công nghiệp quốc phòng và vật liệu đặc biệt cần cho ngành chế tạo cao cấp, bao gồm các năng lực cần thiết, hạ tầng cơ sở, kỹ sư và công nhân cũng rất thiếu thốn, đồng thời chưa xây dựng được hệ thống ngành chế tạo hoàn chỉnh, như vậy sẽ không thể nâng đỡ được hệ thống công nghiệp độc lập.

Vì vậy, muốn nghiên cứu chế tạo ra các loại vũ khí trang bị cỡ lớn cũng rất khó khăn.

Điều này có liên quan đến sai lầm trong hoạch định chính sách của Chính phủ Ấn Độ, đánh đồng mình với các nước vừa và nhỏ, không phải nhìn với tư các một nước lớn. Là một nước lớn, đi con đường này, về lâu dài sẽ rất có hại.


Đông Bình (Theo báo Phương Đông)