Sau gần hai tuần xảy ra việc tỉnh Nam Định “nói không” với những hồ sơ học ngoài công lập ứng tuyển vào các vị trí thuộc khối hành chính quản lý Nhà nước, ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ Đảng đã lên tiếng bênh vực các sinh viên tốt nghiệp hệ ngoài công lập.
Quan điểm của ông về việc tỉnh Nam Định không cho các sinh viên tốt nghiệp hệ ngoài công lập vào các lĩnh vực quản lý Nhà nước trong đợt thi tuyển công chức vừa qua?
Ông Vũ Quốc Hùng: Quan điểm của tôi là mọi công dân có đức có tài, hội đủ các tiêu chuẩn của luật công chức, viên chức đều có quyền dự thi tuyển công chức. Các cơ quan của Đảng và Nhà nước luôn cố gắng thu hút hiền tài để làm “công bộc” cho dân, không phân biệt người đó được đào tạo dưới hình thức nào.
Tôi đã chứng kiến nhiều đồng chí cán bộ trước do hoàn cảnh, họ được đào tạo không chính quy, nhưng đó lại là những người hội đủ cả đức và tài, đóng góp nhiều cho cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước.
Nếu cần, tôi có thể dẫn chứng rất nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đã thành công ở các vị trí quản lý cấp cao và họ bắt đầu bằng các khóa học tại chức, đào tạo từ xa… hẳn là người dân theo dõi quá trình phấn đấu của các đồng chí ấy cũng đã biết. Tuy nhiên, các đồng chí đó nếu đem so sánh với yêu cầu tuyển người của tỉnh Nam Định thì đều không đạt yêu cầu (Cười). Vậy tại sao Nam Định không nhìn vào những tấm gương lớn ấy để tạo ra một cuộc chơi công bằng cho tất cả mọi người?
Ông Vũ Quốc Hùng: Phải nói và làm theo Hiến pháp và pháp luật
Tỉnh Nam Định chủ trương không cho những người tốt nghiệp ngoài công lập thi tuyển vào khối hành chính Nhà nước là đang làm trái với định hướng xây dựng một Nhà nước pháp quyền, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Người dân đang sống trong một đất nước, được điều chỉnh bởi một Hệ thống pháp luật chung thì cần được đối xử công bằng, nhưng những người tốt nghiệp hệ ngoài công lập lại bị thiệt thòi trong đợt tuyển công chức vừa qua, đó là chuyện không hay.
Như vậy, cách làm của Nam Định là “triệt tiêu” quyền của công dân, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi không tán thành việc phân biệt công lập với ngoài công lập khi tuyển công chức. Mọi tổ chức, cán bộ có quyền trong bộ máy của ta đều phải nói và làm theo Hiến pháp và pháp luật (theo luật giáo dục, luật công chức) của Nhà nước XHCN Việt Nam.
Một trong những vấn đề căn bản nhất ở đây là cơ quan tuyển dụng của nhà nước hay tư nhân khác nhau ở địa vị pháp lý. Một trong những tiêu chí căn bản để hướng tới một Nhà nước pháp quyền là cán bộ lãnh đạo đại diện cho cơ quan Nhà nước được làm những gì luật cho phép, còn người dân được làm những gì luật không cấm và tuân thủ theo pháp luật.
“Người sử dụng lao động” ở đây là cơ quan Nhà nước, mà ở đó lãnh đạo là người đại diện cho cơ quan ấy, để tuyển chọn nhân sự; nhân sự ấy khi đã trở thành công chức nhà nước cũng có nghĩa là “công bộc của dân” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đó cũng là điều mà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đang phấn đấu làm tròn.
Những người tuyển dụng ở đây đang đại diện cho cơ quan Nhà nước, chứ không phải là tuyển dụng cho công ty tư nhân, vì vậy cần đảm bảo sự công bằng, đảm bảo quyền của công dân, tuyển dụng cho cơ quan Nhà nước mà nói theo kiểu “có quyền” thì cũng có nghĩa “cửa quyền”, điều đó là không thể chấp nhận được.
Theo ông tiêu chí sử dụng người có “bằng cấp đẹp” thay vì đánh giá một cách toàn diện có gì bất ổn?
Ông Vũ Quốc Hùng: Mọi bằng tốt nghiệp đánh giá đúng thực chất lao động trong học tập của người học và cần được tôn trọng. Bằng cấp chỉ nên coi là điều kiện cần trong tuyển dụng công chức, viên chức. Vấn đề quan trọng là các cơ quan, tổ chức tuyển dụng nhân sự phải công tâm, liêm chính, sáng suốt khi tuyển cán bộ cho đơn vị mình.
Với vai trò là Đảng cần quyền, Đảng yêu cầu các cấp ủy phải nắm công tác cán bộ để chăm lo việc tuyển chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ. Đảng, Nhà nước luôn chủ trương lo công ăn việc làm cho nhân dân, đặc biệt là chăm lo đào tạo thế hệ trẻ. Tất cả chúng ta phải nghiêm túc tổ chức thực hiện chủ trương đúng đắn đó.
Để tuyển dụng và đưa vào bộ máy những con người có khả năng thực sự thì cần một cuộc đánh giá toàn diện (vì thế mới có quá trình thử việc), tôi muốn nhấn mạnh ngay là ở khâu tuyển dụng đã phải làm hết sức nghiêm túc, cả người ra đề thi, coi thi và chấm thi đều phải công tâm.
Tôi cho rằng cần phải thực hiện ba việc khi tuyển dụng công chức Nhà nước: Một là thi viết, hai là phỏng vấn, ba là xem xét nhân thân và quá trình học tập. Nếu loại bỏ ngay những người học hệ ngoài công lập mà chưa qua thi tuyển thì vô tình để lọt nhân tài phục vụ đất nước.
Nếu tỉnh nào cũng hành động như Nam Định thì sẽ dẫn tới hậu quả gì, thưa ông? Theo ông thì cơ quan nào nên lên tiếng trong sự việc này?
Ông Vũ Quốc Hùng: Như tôi đã nói ở trên, cách làm này khiến cho những người tốt nghiệp hệ ngoài công lập bị thiệt thòi, mặc dù về mặt luật pháp thì lẽ ra họ phải được đối xử ngang nhau.
Còn hậu quả tiếp theo thế nào, tôi xin để cho đồng chí Bí Thư tỉnh ủy Nam Định, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục phát biểu ý kiến.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!