Tuyển sinh 2012: Dở khóc dở cười chuyện làm hồ sơ thi đại học

15/03/2012 06:00
Theo 24h.com.vn
Trong thời gian này teen đang hối hả chuẩn bị những bộ hồ sơ cho cuộc “vượt vũ môn hóa rồng” vào tháng 7 tới.
Từ việc mua nhiều hay ít
Rất nhiều teen có suy nghĩ “thôi cứ mua hồ sơ nhiều nhiều, viết sai còn có cái mà viết lại. Thế cho yên tâm. Một bộ hồ sơ cũng chẳng đáng bao tiền cả, nhỡ mua ít rồi đến khi viết sai lại thiếu.” Thế nên mà chuyện một teen chỉ thi 2 trường đại học nhưng đăng kí mua đến 10 hay 15 bộ hồ sơ là chuyện bình thường. Nhưng đôi khi chính điều này lại khá nguy hiểm cho teen. Bởi tâm lí chủ quan còn nhiều hồ sơ, sai cái này thì lại có cái khác, đến cả chục bộ cơ mà, lo gì! Đã khiến không ít teen viết sai rồi lại sửa, lại phải bỏ đi và sau đó vẫn “phải” mua thêm.
Bên cạnh những teen khá “hào phóng” trong việc này thì lại có không ít teen chỉ mua đúng 1 hoặc 2 bộ hồ sơ vừa đúng bằng số trường mà mình đăng kí thi đại học mà thôi. Không chỉ bị bạn bè cho là “có vấn đề” và “ki bo” thì teen cũng sẽ dễ dàng đối mặt với việc phải đi mua thêm hồ sơ vì chỉ cần lỡ tay viết nhầm một chỗ nào đó là "xôi hỏng bỏng không rồi", đi tong cả bộ hồ sơ. Nhất là với những teen chỉ mua có đúng một bộ mà thôi. Có teen mua đến tận 10 bộ hồ sơ trong khi đó chỉ thi có 2 trường vậy mà vẫn còn phải mua thêm hoặc xin bạn bè.
Vì thế teen hãy cân nhắc xem mình nên mua bao nhiêu thì vừa, đừng để lãng phí hay đến lúc gần hết hạn nộp hồ sơ mới phát hiện ra mình sai sót ở đâu lại phải “long đong” đi mua, đi in, đi nộp cho kịp ngày.
Đến việc viết như thế nào?
Gần như trong thời gian làm hồ sơ thi đại học, teen chỉ chú tâm vào chuyện này mà đôi khi sao nhãng nhiệm vụ học tập. Teen bàn tán và viết hồ sơ ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Từ ở nhà, khi tự học cho đến trường, ở lớp, trong giờ ra chơi hay kể cả giờ học. Lúc nào cũng thấy teen bàn tán sôi nổi nào là sai chỗ này, nhầm chỗ kia, chỗ này viết hoa hay viết thường, có được xóa đi hay gạch đi viết lại hay không? Nói chung là mọi thứ cứ “nóng + loạn” hết cả lên.
Ngân (17t) cho biết: “Trong lớp tớ ai ai cũng gấp gáp viết hồ sơ thi. Người đúng thì cười, bạn sai thì kêu chán. Trên lớp gần như thời gian chỉ tập trung cho việc làm hồ sơ mà thôi. Mặc dù nhà trường đã dành cả hai tiết học để phổ biến các quy định và cách viết hồ sơ như thế nào? Nhưng vẫn rất nhiều người bị sai. Thầy cô bộ môn có lẽ cũng hiểu và thông cảm với tâm trạng của bọn tớ nên chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng khi thấy ai cắm cúi ghi hồ sơ mà không để ý bài học hoặc chẳng may không thuộc bài cũ vì đang “bấn loạn” cho cái vụ này.”
Lúc đầu nhiều mem 12 tỏ ra hứng khởi và hào hứng. Nhưng sau vài lần viết không thành công thì thấy chán nản đành bỏ cuộc và nhờ người khác viết hộ. Tuy vậy có những bạn thích thi trường này mà bố mẹ muốn thi trường kia lại là cả một vấn đề. Không chỉ là băn khoăn có nên đăng kí dự thi hay không? Rồi thì để hồ sơ ở đâu để bố mẹ không biết.
V.Anh (17t) nói: “Tớ thích thi Báo chí, bố mẹ bắt thi Kinh tế. Lần này làm hai bộ hồ sơ thi. Chưa tính đến chuyện viết lách thế nào cho ok thì lại đến chuyện để hồ sơ ở đâu? Chắc phải nhờ đứa bạn thân giữ hộ. Chứ bố mẹ mà thấy thì chắc chắn bị “ăn mắng” rồi. Mình tính bây giờ cứ tiếp tục thuyết phục bố mẹ. Nếu bố mẹ đồng ý thì tốt, không thì phải suy nghĩ thêm…”
Những lưu ý dành cho teen…
Trước hết teen cần phải đọc kĩ các hướng dẫn , quy định và chú ý được ghi trong phiếu số 1, số 2. Việc này đa số bị các bạn bỏ qua. Nhất là với các dòng chữ nhỏ ở cuối mỗi trang để hiểu rõ nơi nào cần viết hoa, cái gì cần viết thường, ngày tháng năm sinh ghi một hay hai chữ số, quê quán, rồi thì mã ngành mà mình đăng kí dự thi, nguyện vọng 1 hay nguyện vọng 2…
Khi viết cần tập trung, không nên vừa nghe nhạc, vừa coi phim hay vừa nói chuyện với ai đó… vừa viết để tránh việc viết nhầm hay viết cả từ mình vừa nói, vừa nghe được ở bên ngoài vào tớ giấy thi. Teen cũng đừng quá đặt nặng và quan trọng hóa vấn đề này quá, như thế sẽ khiến cho mình cảm thấy không được thoải mái, thậm chí là áp lực rất dễ dẫn đến viết sai. Tốt nhất là từ từ, cẩn thận viết, các con số phải rõ ràng, rành mạch, chữ viết nên thoáng cho dễ đọc. Teen đừng viết quá nhanh hay cẩu thả điều này sẽ khiến cho việc lưu trữ các thông tin trong hồ sơ thi của teen dễ bị sai sót và nhầm lẫn…
Quan trọng hơn hết là teen hãy chuẩn bị cho mình một vốn kiến thức thật tốt để vững tâm bước vào kì thi nhé.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo 24h.com.vn