The Straits Times ngày 29/2 bình luận, đang có những dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong lập trường của Canberra về vấn đề Biển Đông. Úc đang cố gắng cân bằng giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc trong các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng không hàng hải ở vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp.
Thủ tướng Úc Malcolm Turbull. Ảnh: abc.net.au. |
Trang thứ 46 trong 189 trang Sách trắng Quốc phòng mới của Úc đã có những nội dung diễn đạt một cách tế nhị lập trường của Canberra về Biển Đông, một câu hỏi cấp bách đang đặt ra cho an ninh khu vực.
Những tháng gần đây, Úc phải đối mặt với những kêu gọi và hối thúc từ Hoa Kỳ xung quanh việc triển khai hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông, xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp.
Trong khi Úc vẫn tuần tra thường xuyên, định kỳ ở Biển Đông, nhưng nước này chưa tiến vào 12 hải lý của bất kỳ thực thể nào mà Trung Quốc bồi lấp, xây dựng đảo. Chuyện này đã dấy lên tranh luận mạnh mẽ trong giới phân tích và các chính trị gia, ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi Úc có thông điệp cứng rắn, mạnh mẽ hơn trước hành vi (bành trướng) của Trung Quốc.
Bình luận công khai về vấn đề này, Thủ tướng Malcolm Turnbull vẫn tỏ ra rụt rè và từ chối nêu lên những ý định của Úc một cách rõ ràng. Thứ Năm tuần trước ông cho biết:
"Chúng tôi ủng hộ và thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, hàng không (ở Biển Đông) theo luật pháp quốc tế, nhưng chúng tôi sẽ không thảo luận hay dự báo gì về các hoạt động trong tương lai."
Nhưng một phần rất nhỏ trong trang thứ 46 của Sách trắng Quốc phòng thuộc một chương dài về "tầm nhìn chiến lược" của Úc có đoạn:
"Chính phủ cam kết hợp tác với Hoa Kỳ và các đối tác để duy trì trật tự dựa trên luật pháp, bằng cách đóng góp các hoạt động quân sự thiết thực và có ý nghĩa thể hiện mối quan tâm của chúng tôi". Sách trắng Quốc phòng Úc gần đây nhất ban hành năm 2013 không có nội dung này.
Hầu hết các phân tích tại Úc tin rằng, ông Turnbull đang cố tình giữ bí mật về những hành động của nội các, nhưng có thể chấp nhận được một cuộc tuần tra tự do hàng hải.
Tiến sĩ Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc nói với The Australian Financial Review: "Có một khả năng mạnh mẽ là chúng tôi sẽ tham gia nhiều hơn vào Biển Đông, đặc biệt là thông qua các hoạt động tuần tra tự do hàng không hàng hải bên cạnh người Mỹ hoặc các đối tác khác trong khu vực".
Giáo sư James Curran từ Đại học Sydney cho rằng: "Chắc chắn và rõ ràng rằng, bây giờ Lầu Năm Góc thực sự đang tìm kiếm, thậm chí yêu cầu Úc và các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực tiến hành tuần tra mạnh mẽ hơn ở Biển Đông.
Nhưng cho đến nay Úc vẫn thiết lập chính sách đúng đắn về vấn đề này. Chúng ta nên thận trọng về việc tham gia chương trình nghị sự của Washington trên Biển Đông, nhưng không nên ngần ngại đẩy lùi Trung Quốc khi họ đi quá xa".
Bắc Kinh đã tỏ thái độ không hài lòng với Sách trắng Quốc phòng của Úc, xung quanh những cảnh báo về "đóng góp" của Bắc Kinh trong việc gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.