Vai trò nổi bật của ASEAN trong khủng hoảng bán đảo Triều Tiên

05/05/2017 11:10
Hồng Thủy
(GDVN) - Tổng thống Donald Trump muốn Chủ tịch Tập Cận Bình nói chuyện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để xoa dịu căng thẳng.

Tờ Philstar, Philippines ngày 5/5 bình luận, Tổng thống nước này ông Rodrigo Duterte dường như đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ phía 2 nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới: Donald Trump và Tập Cận Bình.

Trump nhờ Duterte gọi điện cho Tập Cận Bình, hối thúc nói chuyện với Kim Jong-un

Tổng thống Rodrigo Duterte nói với báo giới từ Davao, Philippines rằng, ông đã nhắc đến Tổng thống Mỹ Donald Trump khi điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình:

"Khi gọi điện cho Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi đã nói: tôi đang gọi cho ngài theo đề nghị của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Chúng tôi đã thỏa thuận trong ASEAN, thậm chí cả với Tổng thống Donald Trump, rằng ngài có thể làm một điều gì đó.

Trên thực tế, sự đóng góp lớn nhất trong tất cả (chúng ta) là sự can thiệp của ngài".

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte điện đàm với ông Tập Cận Bình, ảnh: Philstar.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte điện đàm với ông Tập Cận Bình, ảnh: Philstar.

Tổng thống Philippines tiết lộ chi tiết về cuộc điện đàm của mình với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy, rõ ràng là Donald Trump đang muốn ông can thiệp làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Duterte đã chuyển thông điệp của chủ nhân Nhà Trắng đến người đứng đầu Trung Nam Hải rằng:

Tổng thống Donald Trump muốn Chủ tịch Tập Cận Bình nói chuyện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để xoa dịu căng thẳng.

Chủ nhân Điện Manacanang khẳng định rằng, cả hai cuộc điện đàm giữa ông với Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc đều được ghi lại:

"Nó đã được ghi lại. Tôi biết rằng họ đang ghi nó. Các bạn có muốn nghe băng ghi âm? Tôi sẽ rất sẵn lòng công bố nó.

Tất nhiên Trung Quốc đã lắng nghe, Nga đã lắng nghe. Mọi người đều lắng nghe. Ngay cả bây giờ tôi biết Trung Quốc đang lắng nghe".

Bình luận về động thái này, Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr cho rằng, 2 cuộc điện đàm cho thấy cả Donald Trump lẫn Tập Cận Bình đều muốn lôi kéo Philippines.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã đi đúng hướng khi mở ra các kênh đối thoại trực tiếp với Trung Quốc. [1]

Vai trò nổi bật của ASEAN trên bàn cờ Đông Bắc Á

Thời báo Hoàn Cầu ngày 5/5 đăng bài bình luận của Lý Khai Thịnh từ Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Viện Khoa học xã hội Thượng Hải nhận định:

Lúc này Triều Tiên không sợ Mỹ tấn công, mà lo nhất bị các đối tác truyền thống trong ASEAN ngoảnh mặt.

Đó là lý do tại sao hôm 29/4 Tổng thống Donald Trump điện đàm với Tổng thống Rodrigo Duterte với vai trò nước Chủ tịch ASEAN, giúp Mỹ gây sức ép lên Bình Nhưỡng.

Lý Khai Thịnh cho rằng, Triều Tiên có nhiều đối tác truyền thống ở Đông Nam Á, chỉ cần cắt đứt các kênh ngoại giao này là có thể cô lập Bình Nhưỡng.

Ông cũng thừa nhận rằng, mặc dù về mặt tuyên bố chính thức, Trung Quốc vẫn muốn giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình, nhưng nỗ lực hợp tác với Mỹ rõ ràng ngày càng mạnh. [2]

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và các Ngoại trưởng ASEAN chụp ảnh lưu niệm trong cuộc họp ngày hôm qua, 4/5. Ảnh: David Brunnstrom / Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và các Ngoại trưởng ASEAN chụp ảnh lưu niệm trong cuộc họp ngày hôm qua, 4/5. Ảnh: David Brunnstrom / Reuters.

Một ví dụ cụ thể hơn nữa về vai trò của ASEAN, theo Reuters ngày 5/5, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã hối thúc các Ngoại trưởng ASEAN hôm qua rằng:

Đông Nam Á cần làm nhiều hơn để cắt các nguồn tài chính đến Triều Tiên, cắt đứt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Tất cả 10 nước ASEAN đều có quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên, 5 nước có đại sứ quán tại Bình Nhưỡng.

Ông Tillerson cũng kêu gọi ASEAN thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên, và các quốc gia có yêu sách ở Biển Đông chấm dứt các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa. [3]

Cá nhân người viết cho rằng, lúc này ông Tillerson lại lên tiếng về Biển Đông có lẽ chỉ nhằm lấy lòng 4 nước ASEAN nhằm giúp Mỹ gây sức ép với Bình Nhưỡng.

Nội dung những gì ông Tillerson nói về Biển Đông, xem ra cũng chỉ là những phát biểu cho có, vô thưởng vô phạt.

Tuy nhiên, nếu nghe theo Hoa Kỳ và Trung Quốc trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, thì khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Đông Bắc Á kết thúc, Biển Đông sẽ ra sao nếu 2 siêu cường Trung - Mỹ thỏa hiệp chia chác lại địa bàn?

Rõ ràng các nước Đông Nam Á đang đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức. Hoa Kỳ và Trung Quốc không chỉ kêu gọi, lôi kéo, mà có thể sẽ gây sức ép bằng những đòn bẩy an ninh, kinh tế, thương mại với ASEAN.

Mục tiêu giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông không có gì khác nhau.

Quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các nước nhỏ phải được xem xét trong tư thế bình đẳng với các nước lớn, luật pháp quốc tế phải là nền tảng cho các giải pháp chính trị, chứ không chạy theo phục vụ các ý đồ chính trị siêu cường.

Trung-Mỹ gia tăng gây sức ép trực tiếp lên Bình Nhưỡng

Đa Chiều ngày 3/5 đăng tải một loạt ảnh cắt từ phóng sự của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho thấy, hàng loạt máy bay ném bom chiến lược đã được Trung Quốc báo động sẵn sàng chiến đấu cấp độ cao ở vùng Đông Bắc, giáp bán đảo Triều Tiên.

Vai trò nổi bật của ASEAN trong khủng hoảng bán đảo Triều Tiên ảnh 3

Khủng hoảng Triều Tiên mang lại cơ hội cho ông Rodrigo Duterte và Biển Đông

Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc phủ nhận thông tin về các hoạt động quân sự tăng đột biến ở biên giới Trung - Triều gần đây, nhưng điều này theo Đa Chiều, không làm giảm lo ngại và sự chú ý từ giới quan sát. [4]

Còn từ phía Hoa Kỳ, hãng thông tấn AP hôm nay cho biết, Hạ viện Mỹ ủng hộ lệnh trừng phạt mới đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên với tỉ lệ áp đảo.

Dự luật trừng phạt Triều Tiên được tài trợ bởi Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Ed Royce thuộc đảng Cộng hòa, và Hạ nghị sĩ bang New York, Eliot Engel thuộc đảng Dân chủ.

Theo dự luật này, tất cả các tàu nào thuộc sở hữu Triều Tiên hoặc các nước từ chối thực hiện nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Liên Hợp Quốc sẽ bị từ chối bởi hải quan Hoa Kỳ.

Hàng hóa được sản xuất bởi lao động Triều Tiên bị cấm nhập khẩu vào Mỹ, ví dụ như các doanh nghiệp của Senegal, Qatar và Angola đang sử dụng lao động Triều Tiên sẽ nằm trong đối tượng trừng phạt.

Dự luật cũng yêu cầu Nhà Trắng trong vòng 90 ngày phải xác định có nên đưa Triều Tiên quay trở lại cái họ gọi là "danh sách các nước tài trợ khủng bố" hay không. [5]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.philstar.com/headlines/2017/05/05/1696924/duterte-chat-xi-was-trumps-request

[2]http://world.huanqiu.com/article/2017-05/10597686.html

[3]http://news.trust.org/item/20170504212412-21flk/

[4]http://military.dwnews.com/photo/2017-05-03/59813525.html?p=0

[5]http://www.asahi.com/ajw/articles/AJ201705050011.html

Hồng Thủy