LTS: Theo truyền thông quốc tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, có khả năng sắp đưa ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.
Với tư cách một bên liên quan trực tiếp có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp dọc theo bờ biển bị đường lưỡi bò Trung Quốc xâm hại, phán quyết của PCA có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn đối với Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông xung quanh vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này. Văn phong và lập luận trong bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.
Dư luận Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và truyền thông quốc tế gần đây đặc biệt quan tâm đến tình hình Biển Đông. Sự chú ý của dư luận không chỉ bởi những hành vi leo thang ngày càng phiêu lưu và nguy hiểm của Trung Quốc, mà còn bởi ngày phán quyết của PCA về vụ kiện lịch sử bóc trần sự thật đường lưỡi bò đã cận kề.
Đặc biệt là Trung Quốc đang sử dụng mọi đòn bẩy chính trị - ngoại giao - kinh tế - quân sự để tập hợp lực lượng, tuyên truyền xuyên tạc bản chất vụ kiện hòng chống lại phán quyết của PCA.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Việt Nam là quốc gia có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp toàn bộ sau 2 lần cất quân xâm lược năm 1956 và 1974, còn Trường Sa do nhiều nguyên nhân hiện trở thành trung tâm tranh chấp của 5 nước 6 bên.
Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam cũng bị Trung Quốc nhiều lần xâm phạm nghiêm trọng. Bởi vậy tác động và ảnh hưởng phán quyết tới đây của Tòa PCA có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Việt Nam, gợi mở cho chúng ta những hướng mới về cách tiếp cận giải quyết tranh chấp bằng con đường pháp lý, thông qua cơ quan tài phán quốc tế.
Tác động, ảnh hưởng phán quyết của PCA đối với Việt Nam
Để hiểu rõ tác động, ảnh hưởng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đối với Việt Nam trong vụ kiện của Philippines, xin lưu ý một lần nữa về bản chất của vụ kiện này.
Philippines kiện Trung Quốc với 15 nội dung khác nhau, nhưng về bản chất thì chủ yếu là khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS ở Biển Đông mà cụ thể là yêu sách “ đường lưỡi bò”.
Có 7 nội dung được PCA phán quyết là đủ thẩm quyền xét xử và sẽ đưa ra phán quyết tới đây đều xoay quanh việc áp dụng và giải thích Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Những nội dung PCA để lại xem xét sau, hoặc có liên quan đến vấn đề "chủ quyền" đối với một số thực thể, ví dụ như bãi Vành Khăn, bãi Xu Bi… hoặc liên quan đên vấn đề phân định biển.
Như vậy có thể thấy Hội đồng Trọng tài gồm 5 Thẩm phán do PCA thành lập để xem xét và thụ lý vụ việc đã làm việc một cách hết sức độc lập, khách quan, công tâm và chỉ tuân theo pháp luật quốc tế; đặc biệt Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.
Bởi vì, Điều 298 UNCLOS cho phép các nước thành viên Công ước có quyền bảo lưu không chấp nhận giải quyết tranh chấp về chủ quyền và phân định biển thông qua cơ quan tài phán quốc tế.
Trung Quốc đã có văn bản chính thức bảo lưu quyền không chấp nhận giải quyết tranh chấp chủ quyền, phân định biển thông qua Cơ quan tài phán quốc tế theo Điều 298 UNCLOS, nên sự thận trọng của Hội đồng Trọng tài 5 thành viên do PCA thành lập là cần thiết, phù hợp.
Chúng ta có thể rút ra cho mình 2 bài học từ việc này. Thứ nhất, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ hay phân định biển giữa các quốc gia muốn đưa ra Cơ quan tài phán phân xử thì các bên liên quan này phải ký kết thỏa thuận đồng ý cùng đưa tranh chấp ra Tòa mới khả thi. Lúc đó,Tòa mới có thể thụ lý hồ sơ kiện tụng.
Gạc Ma và bài học giữ nước |
Vì vậy, đơn phương khởi kiện Trung Quốc về chủ quyền trong trường hợp quần đảo Hoàng Sa hay ít nhất 7 thực thể ở Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp là không khả thi, bởi vì Trung Quốc không muốn “quốc tế hóa” và không chấp nhận giải pháp pháp lý thông qua cơ chế tài phán quốc tế.
Do đó chúng ta cần tìm cách tiếp cận khác trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đòi lại thực thể địa lý đã bị Trung Quốc xâm chiếm bất hợp pháp.
Thứ hai, Trung Quốc đang ra sức đánh tráo khái niệm, “lập lờ đánh lận con đen” để tìm cách lẩn tránh phán quyết của PCA với lập luận, "thực chất vụ kiện của Philippines là tranh chấp chủ quyền các thực thể ở Trường Sa, Scarborough".
Ngày 25/10/2015 PCA ra phán quyết Tòa đủ thẩm quyền xét xử ít nhất 7 trong số 15 nội dung Philippines khởi kiện Trung Quốc và sắp ra phán quyết cuối cùng đã bóc trần thủ đoạn đánh tráo khái niệm hòng lòe bịp dư luận của Trung Quốc.
Điều này giúp chúng ta tự tin hơn trong việc ủng hộ, bảo vệ phán quyết của Tòa PCA, một phán quyết không đả động gì đến vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa hiện đang bị một số quốc gia nhảy vào tranh chấp với Việt Nam.
Bởi vì phán quyết của PCA lần này chỉ nhằm khẳng định rằng, ở quần đảo Trường Sa, nếu căn cứ vào các quy định của UNCLOS về hiệu lực của các thực thể địa lý ở đây trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thì liệu có thực thể nào đủ điều kiện hưởng quy chế 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế hay không?
Kể cả đảo Ba Bình, mặc dù đó là một đảo theo đúng định nghĩa của Điều 121, cho dù cấu tạo bằng đất, san hô hay bằng đá, nhưng đó là một đảo quá bé nhỏ, với diện tích khoảng 0,4 km2. Ba Bình lại nằm trong khu vực địa lý có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, không thích hợp cho sự sinh sống của con người nếu không có sự can thiệp, cải tạo của con người và đương nhiên là không có đời sống kinh tế riêng.
Tuy nhiên với thực trạng hiện nay, ngoài Trung Quốc thì Philippines, Đài Loan và Malaysia cũng đang chiếm đóng một số thực thể ở Trường Sa và đang tìm mọi cách để củng cố căn cứ pháp lý nhằm bảo vệ yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của họ, kể cả việc thông qua cơ chế Tài phán quốc tế.
Việc này khiến không ít người lăn tăn, liệu có nên ủng hộ vụ kiện này của Philippines hay không? Ủng hộ phán quyết của Tòa có ảnh hưởng tiêu cực, bất lợi đến chủ quyền của Việt Nam hay không?
Để giải đáp những lăn tăn nói trên và tư đó tăng thêm niềm tin trong hành xử, chúng ta cần một lần nữa hiểu rõ nội dung đơn kiện của Philippines cụ thể là gì? Theo thông tin từ PCA thì đơn kiện đó gồm có 15 điểm, tập trung vào 3 nhóm vấn đề:
Một là yêu sách đường chín đoạn Trung Quốc đưa ra dựa trên "quyền lịch sử" không phù hợp với UNCLOS cho nên nó vô giá trị;
Hai là Philippines yêu cầu PCA xác định xem, theo UNCLOS thì một số thực thể mà cả Philippines lẫn Trung Quốc yêu sách là đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay bãi ngầm nằm hoàn toàn dưới mực nước biển, trên cơ sở đó để xác định hiệu lực pháp lý của các thực thể này đến đâu (có hay không có lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý);
Ba là Philippines yêu cầu PCA tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi cản trở Philippines thực thi các quyền chủ quyền, quyền tài phán và quyền tự do của Philippines theo UNCLOS cũng như việc Trung Quốc gây tổn hại môi trường biển trong các hoạt động bồi lấp xây dựng đảo, đánh bắt cá mà nước này tiến hành.
Bài học Chiến tranh Biên giới 1979-1989 với khủng hoảng Biển Đông |
Cụ thể, PCA sẽ xem xét 7 điểm trong vụ kiện TQ của Philippines:
1. Bãi cạn Scarborough không có quyền hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
2. Các bãi Vành Khăn, Cỏ Mây và Xu Bi chỉ là những thực thể nửa nổi nửa chìm, không có quyền hưởng quy chế về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
3. Bãi Ga Ven và Ken Nan (gồm bãi Tư Nghĩa) là những thực thể nửa nổi nửa chìm, không được hưởng quy chế lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, nhưng đường mép nước của chúng khi thủy triều thấp nhất có thể được sử dụng để vạch đường cơ sở.
4. Các bãi Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
5. Với hành vi can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá truyền thống quanh bãi cạn Scarborough, TQ đã ngăn cản trái phép ngư dân Philippines kiếm sống.
6. TQ vi phạm nghĩa vụ mà UNCLOS quy định về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại bãi Scarborough và bãi Cỏ Mây.
7. Bằng việc cho phép tàu của lực lượng chấp pháp thực hiện các hành vi nguy hiểm, gây nguy cơ đụng độ để cản trở các phương tiện của Philippines gần bãi Scarborough, TQ vi phạm nghĩa vụ của họ theo quy định của UNCLOS.
Như vừa phân tích ở trên, PCA chỉ làm rõ việc áp dụng và giải thích UNCLOS đối với một số thực thể ở Trường Sa mà Phillpines kiến nghị, ví dụ: Ba Bình có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế hay không, Xu Bi, Vành Khăn, Châu Viên có 12 hải lý lãnh hải hay không. Còn việc các thực thể này thuộc chủ quyền nước nào, PCA không có thẩm quyền bàn đến.
Mặt khác, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có công hàm chính thức bảo lưu chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nên việc chúng ta ủng hộ và bảo vệ phán quyết của PCA thì chỉ có lợi, không có hại.
Về mặt nguyên tắc, Việt Nam đã luôn luôn tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa thì chúng ta phải bảo lưu lập trường này, giữ gìn nguyên tắc trước sau như một.
Trước khi bước vào đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền với các bên liên quan, tuyệt đối không thể vì bất kỳ lý do nào mà từ bỏ bất cứ một thực thể nào trong phạm vi quần đảo Trường Sa, dù là do Trung Quốc, Philippines, Malaysia hay Đài Loan đang chiếm đóng.
Những cái lợi từ phán quyết của PCA đối với Việt Nam
Cái lợi thứ nhất rõ ràng, điển hình, quan trọng và sâu sắc chính là việc thu hẹp đáng kể các tranh chấp mà Trung Quốc cố tình tạo ra ở Biển Đông, nhất là “đường lưỡi bò”. Có thể nói đây là trung tâm của vụ kiện Philippines đệ trình lên PCA.
Chúng ta hẳn còn nhớ việc năm 2012 Trung Quốc công khai mời thầu bất hợp pháp 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, tháng 5/2014 Trung Quốc kéo giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam khiến quan hệ Việt - Trung rơi vào khủng hoảng chưa từng có sau Chiến tranh Biên giới 1979 - 1989.
Giàn khoan 981 trở thành công cụ, con bài Trung Quốc sử dụng để nghi binh, lừa gạt dư luận với nhiều mục đích khác nhau, ảnh: Internet. |
Chúng ta đã phản ứng rất quyết liệt, đối phó rất vất vả để bảo vệ quyền tài phán hợp pháp của mình. Nay nếu PCA ra phán quyết đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ ra năm 1946 hoàn toàn không phù hợp với UNCLOS, không có bất cứ cơ sở pháp lý nào thì không chỉ là thắng lợi của Philippines, mà còn là thắng lợi cho chúng ta, cho khu vực và đặc biệt là cho chính sự đúng đắn của UNCLOS.
Phán quyết này sẽ thu hẹp đáng kể tranh chấp trên Biển Đông. Tất nhiên với những gì Bắc Kinh thể hiện thì có thể đoán trước Trung Quốc sẽ bất chấp phán quyết của Tòa và leo thang hơn, phiêu lưu hơn, hung hãn hơn trên Biển Đông.
Để buộc Trung Quốc từ bỏ yêu sách phi lý, tuân thủ phán quyết của Tòa không phải là điều dễ dàng. Nhưng việc buộc Bắc Kinh đối mặt với một vụ kiện và buộc phải bộc lộ, hoặc bị phán quyết thua, cũng có tác động không nhỏ đến hình ảnh của Trung Quốc.
Đồng thời, điều này sẽ luôn là bằng chứng khẳng định tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc thực chất chỉ là lời nói dối. Trong cục diện Trung Quốc muốn tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật, EU..., thì đây sẽ là đòn đả kích không nhỏ vào những lời nói của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Dù có thể chưa có cơ chế, chế tài nào buộc Trung Quốc phải thực thi phán quyết, thì nó vẫn có ý nghĩa và giá trị to lớn, tạo nền tảng đoàn kết các bên liên quan, đặc biệt là ASEAN trong vấn đề chống bành trướng, bảo vệ tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông, thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp.
Nếu chỉ nói tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa thì đó là câu chuyện song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc nên rất khó vận động quốc tế ủng hộ và giúp đỡ chúng ta một cách hiệu quả.
Chủ quyền đối với Trường Sa lại càng phức tạp hơn bởi có cả thảy 5 nước 6 bên, về nguyên tắc chúng ta phản đối Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp thì cũng phải phản đối Philippines, Malaysia, Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp làm cho vấn đề đã phức tạp lại càng thêm rối rắm.
Nhưng nói đến việc áp dụng và giải thích UNCLOS, bảo vệ UNCLOS thì đây chính là sợi dây vững chắc kết nối các bên liên quan, bao gồm cả Indonesia bởi đường lưỡi bò này gặm cả vào vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Natuna.
Thông điệp lạ từ chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn |
Vừa qua Trung Quốc đã có những hành vi leo thang xâm phạm nghiêm trọng vùng biển này khiến Indonesia bất mãn, lo ngại và tìm cách đối phó. Vì vậy phán quyết của PCA về đường lưỡi bò sẽ có ý nghĩa rất quan trọng với tất cả các bên, trong đó có Việt Nam trong việc đấu tranh chống âm mưu bành trướng, độc chiếm Biển Đông làm ao nhà của Trung Quốc.
Tất nhiên sẽ có người đặt câu hỏi, nếu PCA không ra phán quyết về đường lưỡi bò hoặc ra phán quyết đường lười bò không vi phạm UNCLOS theo lập luận của Bắc Kinh thì sao? Bởi lẽ Trung Quốc lập luận rằng, đường lưỡi bò có từ năm 1946, trong khi UNCLOS năm 1982 mới được ký kết chính thức, năm 1994 mới có hiệu lực và năm 1996 Trung Quốc mới phê chuẩn.
Mà đã kéo nhau ra Tòa là chỉ có thắng hoặc thua, đúng hoặc sai, trong trường hợp PCA ra phán quyết bất lợi cho Philippines về đường lưỡi bò thì sẽ tác động ảnh hưởng thế nào?
Cá nhân người viết cũng như rất nhiều học giả quốc tế nghiên cứu về UNCLOS đều nhận thấy rất ít khả năng xảy ra kịch bản này. Những hành động vội vã vận động hành lang thành lập liên minh chống phán quyết của PCA mà Trung Quốc đã và đang tiến hành ráo riết cho thấy, chính Bắc Kinh cũng nhìn thấy khả năng “đường lưỡi bò” bị cắt bỏ.
Còn dù xảy ra phương án xấu nhất như ai đó lo ngại, thì liệu loài người trong thời đại hiện nay có chịu chấp nhận sự thất bại của Công lý, Công pháp quốc tế trước cường quyền không? Câu trả lời đã quá rõ vì nó đã được xây đắp bằng xương máu của hàng triệu triệu đồng loại vô tội qua các thời kỳ lịch sử bi ai của nhân loại!
Cái lợi thứ hai là xác định hiệu lực pháp lý của một số thực thể ở Trường Sa cũng góp phần rất lớn vào việc thu hẹp tranh chấp. Cá nhân tôi đã nhiều lần lưu ý rằng, để hiện thực hóa đường lưỡi bò, Trung Quốc sẽ tìm cách áp đặt yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Scarborough và bãi ngầm Macclesfield.
Âm mưu ấy được thể hiện ngay từ tên gọi Trung Quốc gán cho bãi cạn Scarborough là "đảo Hoàng Nham" hay bãi ngầm Macclesfield hoàn toàn chìm dưới mặt nước Biển Đông là "quần đảo Trung Sa".
Do đó, phán quyết của Tòa PCA với một số thực thể mà Philippines đề xuất sẽ góp phần bẻ gãy âm mưu, thủ đoạn này và gợi mở cho các bên tiếp tục công cuộc đấu tranh loại bỏ “ đường lưỡi bò” phi pháp bằng con đường pháp lý.
Cái lợi thứ ba là Việt Nam sẽ tập hợp được sức mạnh khu vực và quốc tế để chống lại các âm mưu, hành động của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông thành ao nhà.
Hội đồng Trọng tài 5 Thẩm phán do PCA thành lập để thụ lý vụ kiện của Philippines, ảnh: PCA. |
Vừa qua dư luận đã chứng kiến, lâu nay trầm lắng như Malaysia và Indonesia trước các hành vi bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đã phải lên tiếng. Về chủ quyền thì Indonesia không liên quan, còn Malaysia thích làm việc với riêng Trung Quốc, nhưng về việc công phá “đường lưỡi bò” lại là lợi ích sát sườn của hải quốc gia này.
Những gợi mở cho Việt Nam về giải pháp pháp lý
Dư luận lâu nay đặc biệt quan tâm lo ngại trước tình hình Biển Đông với các hành vi leo thang quân sự hóa ngày càng hung hãn, phiêu lưu và trắng trợn của Trung Quốc đã khiến nhiều người mong muốn Nhà nước ta khởi kiện Trung Quốc.
Thậm chí có những quan điểm lo ngại, việc Trung Quốc cất quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa gần 50 năm, nếu để qua khoảng thời gian này có thể mất Hoàng Sa mãi mãi trên bình diện Công pháp quốc tế.
Tuy nhiên người viết cho rằng, khả năng "mất Hoàng Sa vĩnh viễn sau 50 năm" là không có cơ sở. Bởi các điều luật quốc tế, tập quán quốc tế cho thấy, khả năng này chỉ xảy ra trong trường hợp quốc gia có chủ quyền không nói gì, không làm gì để khẳng định và duy trì thì sau 50 năm coi như mặc nhiên từ bỏ chủ quyền của mình với vùng lãnh thổ bị quốc gia khác chiếm đóng.
Chúng ta đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động duy trì chủ quyền của mình với Hoàng Sa thân yêu, dù phần máu thịt ấy đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Các hoạt động khẳng định và thực thi chủ quyền ấy bao gồm đủ cả yếu tố vật chất lẫn tinh thần. Đó là hai yếu tố cần và đủ trong Công pháp quốc tế, thì không có chuyện để lâu ...hóa bùn.
Mặt khác, như người viết đã phân tích ở trên, để giải quyết tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ, luật pháp quốc tế hiện nay không có quy định nào cho phép các Cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền thụ lý hồ sơ chỉ do một bên đơn phương khởi kiện. Do đó, muốn sử dụng biện pháp pháp lý với Trung Quốc cũng cần có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.
Từ vụ kiện của Philippines, người viết thiết nghĩ có một lựa chọn khả dĩ cho chúng ta trong việc sử dụng giải pháp pháp lý đối với Trung Quốc, đó là Việt Nam có thể kiện và nên khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Điều 47 UNCLOS đối với quần đảo Hoàng Sa và yêu cầu cơ quan tài phán ra phán quyết bác bỏ đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải bao quanh Hoàng Sa mà Trung Quốc tuyên bố bất hợp pháp năm 1998.
Hình minh họa đường cơ sở Trung Quốc tự vẽ ở Hoàng Sa bằng cách "vận dụng" vô lý phương pháp xác định đường cơ sở thẳng, áp dụng cho quốc gia quần đảo theo Điều 47 UNCLOS do học giả Song Phan, Sydney, Úc đồ họa. |
Nếu giải quyết được vấn đề này, đầu tiên chúng ta sẽ tạo được đòn bẩy trong đấu tranh với Trung Quốc để đảm bảo các hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống bao đời nay ở vùng biển Hoàng Sa nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục có hành động cướp biển, côn đồ bắt bớ, đánh đập de dọa ngư dân ta như lâu nay.
Mặt khác, dùng giải pháp pháp lý bác bỏ đường cơ sở phi lý Trung Quốc tự vẽ ra ở Hoàng Sa bằng cách vận dụng sai, giải thích sai Điều 47 UNCLOS còn giúp chúng ta hóa giải một nước cờ hiểm độc của Bắc Kinh vừa qua. Đó là cứ hễ cần gây áp lực hay nghi binh, thu hút dư luận là Trung Quốc lại kéo giàn khoan ra cắm ở vùng cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng, nơi hai nước còn đang đàm phán, chưa phân định ranh giới mà không phải vị trí khác.
Âm mưu của Trung Quốc rất thâm độc. Nếu chúng ta không phản đối một cách phù hợp và hiệu quả, thì sau này họ sẽ lu loa rằng họ cắm giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa mà Việt Nam không nói gì.
Còn khi cắm giàn khoan, Trung Quốc chỉ nói lập lờ đó là "vùng biển Trung Quốc, không có tranh chấp"; trong khi với cảm quan bằng mắt thường, nhiều người cho rằng những vị trí này có thể gần đảo Hải Nam hơn là bờ biển Việt Nam….
Đã đến lúc Viêt Nam nên triển khai mặt trận đấu tranh pháp lý mạnh mẽ hơn, thiết thực cụ thể hơn, bằng cách trước hết phải huy động được đội ngũ luật gia, luật sư Việt Nam có trình độ, có kinh nghiêm ở trong và ngoài nước và tranh thủ sự giúp đỡ của các luật sư người nước ngoài, để cùng xúc tiến hoàn thiện quá trình kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế theo đúng thủ tục và nội dung UNCLOS đã quy định.
Đây là việc làm cần thiết, thích hợp và là thế mạnh của Việt Nam trong tình hình hiện nay. Để làm được việc này, đội ngũ luật gia, luật sư phải là lực lượng nòng cốt, là những chiến sỹ tiên phong trên măt trận pháp lý.
Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phát huy vị trí, vai trò của mình với tư cách là nhưng tổ chức xã hội, nghề nghiệp, để đảm nhiệm trọng trách này trước quốc gia, dân tộc, không nên chỉ dừng lại ở những hoạt động mang ý nghĩa chính trị, hình thức chung chung.
Nhà nước cần đầu tư và tạo điều kiện cho giới Luật gia và Luật sư Việt Nam tham gia vào mặt trận đấu tranh pháp lý hết sức khó khăn phức tạp này.
Tìm hiểu cặn kẽ vụ kiện của Philippines giúp chúng ta tự tin đưa ra phản ứng phù hợp, công khai ủng hộ và bảo vệ phán quyết của PCA mà không phải lo ngại về vấn đề tranh chấp chủ quyền các thực thể ở Trường Sa với Philippines hay Malaysia. Đồng thời, nó cũng giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong phương án khởi kiện độc lập của riêng Việt Nam, chống lại các hành vi leo thang phiêu lưu của Trung Quốc.