Stars and Stripes ngày 29/4 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm nay tiếp tục nhắc lại lập trường chung của hai nước về vấn đề Biển Đông sau một cuộc gặp song phương tại Bắc Kinh.
Ông Lavrov nhắc lại, nước ngoài không nên can thiệp vào Biển Đông. Stars and Stripes cho rằng, Moscow đang muốn ám chỉ Hoa Kỳ vốn đang thách thức các hành động phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh theo đuổi.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, ảnh: AP. |
Ông Nghị nhân cơ hội này nhắc lại quan điểm của Trung Quốc: "Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ngoài Biển Đông nên đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và không làm cho tình hình trở nên hỗn loạn hơn".
Stars and Stripes lưu ý, sau khi bị dư luận lên án về hoạt động bồi đắp biến các bãi cạn, rặng san hô thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp) với các sân bay, cầu cảng, trạm ra đa quân sự cao tần trên Biển Đông, Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo Nga đứng về phía mình để chống lại Hoa Kỳ và các bên yêu sách như Philippines, nước đang chờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA về đường lưỡi bò.
Cùng với việc tranh thủ tiếng nói của Moscow, Bắc Kinh còn công bố cái họ gọi là "đồng thuận 4 điểm" mà ông Nghị vừa đạt được với Brunei, Campuchia và Lào.
Trung Quốc đang tuyên truyền, 3 thành viên ASEAN này ủng hộ lập trường của họ rằng, Biển Đông không phải vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN, mà chỉ với 4 nước thành viên ASEAN.
Một số nhà ngoại giao, chính khách ASEAN đã lên án thủ đoạn chọc phá nội bộ, gây chia rẽ ASEAN mà Trung Quốc đang triển khai.
Không có kẻ thù hay bè bạn vĩnh cửu, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là mãi mãi
Như người viết đã từng phân tích, việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov công bố lập trường ủng hộ quan điểm phi lý của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông xuất phát từ chính khó khăn, thách thức chiến lược của Nga đang gặp phải do lệnh cấm vận từ phương Tây vì vai trò của Nga trong khủng hoảng Ukraine, cũng như giá dầu giảm sâu liên tục.
Những khó khăn về kinh tế đã và đang khiến Moscow phải tìm tới Trung Hoa. Và dĩ nhiên với thói đời ông đưa chân giò, bà thò chai rượu, Moscow cũng cần phải có món quà nào đó để thể hiện thành ý với Bắc Kinh.
Campuchia bất ngờ bác "đồng thuận 4 điểm" với Vương Nghị về Biển Đông? |
Một vài câu nói bênh vực của Moscow đúng lúc Trung Quốc bị dồn vào thế bí khi phải đối mặt với phán quyết của PCA có thể xem như món quà lý tưởng, chả phải hao tiền tốn của gì nhiều.
Tưởng chừng món quà ấy chỉ là chút "nước bọt", nhưng dưới bàn tay Bắc Kinh nó sẽ là cái phao để lòe bịp dư luận, bởi đây là quan điểm chính thức của một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chứ chả phải chuyện chơi.
Và như vậy, Bắc Kinh đang lợi dụng uy tín, danh dự, địa vị của một cường quốc lúc sa cơ lỡ bước để làm điều phi pháp ở Biển Đông chứ không phải chỉ là chút "nước bọt" đơn thuần của ông Ngoại trưởng. Đổi lại, Nga sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính cũng như địa chiến lược của Bắc Kinh một cách có điều kiện trong các vấn đề quốc tế khác.
Tuy nhiên người viết cho rằng, với tham vọng bá chủ toàn cầu và tâm lý của Bắc Kinh - một rừng không thể có hai hổ, việc Nga chấp nhận đánh đổi cả vị thế cường quốc của mình với Bắc Kinh chưa chắc đã phải là lựa chọn khôn ngoan.
Một khi đã phải theo sau Bắc Kinh làm chuyện trái với Công pháp Quốc tế và Công lý ở Biển Đông thì Nga có thể xem như là một đối tác chiếu dưới của Trung Quốc. Không có chuyện đồng minh hay na ná đồng minh mà trong đó Moscow được Bắc Kinh xem như đối tác bình đẳng, ngang vai phải lứa.
Cứ xem cái cách Bắc Kinh ứng xử với siêu dự án 400 tỉ USD mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết năm 2014 thì có thể thấy tương quan giữa 2 đối tác "chiến lược toàn diện" này như thế nào. Nga chỉ là một trong số rất nhiều lựa chọn của Trung Quốc mà thôi.
Thái độ của Nga trong vấn đề Biển Đông được Trung Quốc tận dụng tối đa. Và đây không phải lần đầu tiên người Nga vì quan hệ chính trị với Trung Quốc mà có những tuyên bố ủng hộ Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.
Theo Lập trường chính thức của Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa do Bộ Ngoại giao Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố, trong Hội nghị hòa bình San Francisco từ ngày 04 đến 08 tháng 9 năm 1951 có 51 nước tham dự, Trưởng đoàn Liên Xô Andrei A. Gromyko đã thay mặt Trung Quốc đưa ra đề nghị gồm 13 khoản.
Trong đó có khoản liên quan đến việc Nhật Bản công nhận chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với một số đảo ở Biển Đông, kể cả quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên với 46 phiếu chống, 3 phiếu ủng hộ và 2 phiếu trắng, Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này của Phái đoàn Liên Xô.
Nhắc lại chuyện này để một lần nữa thấy rằng, trong quan hệ quốc tế xưa nay không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là mãi mãi.
Tuyên bố của Nga không ảnh hưởng gì đến phán quyết của PCA
Người viết cho rằng, mặc dù lập trường của Nga ngả theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông có thể gây hiểu nhầm ở mức độ nhất định với một bộ phận dư luận quốc tế, nhưng đó không phải chuyện gì ghê gớm.
Bình luận đáng chú ý của Ngoại trưởng Nga về Biển Đông |
Nhất là với các nước đồng minh của Trung Quốc, sống dựa vào tiền Trung Quốc, họ có thể nhất thời nhầm lẫn về bản chất các tranh chấp và giải pháp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình, bao gồm trọng tài quốc tế, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến phán quyết của PCA.
Ngược lại, nó càng làm cho các bên liên quan trong đó có Việt Nam nhìn thấy rõ nét hơn các toan tính của những siêu cường trong việc đổi chác các lợi ích chiến lược trên lưng các nước nhỏ, từ đó tìm cách giảm thiểu tối đa những tác động ảnh hưởng tiêu cực.
Điều này cũng góp phần chứng minh rằng, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tranh chấp hàng hải do áp dụng và giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 tạo ra, hoặc tranh chấp do vi phạm Công ước ở Biển Đông là những câu chuyện thuần túy pháp lý, phải dựa vào Công pháp quốc tế để giải quyết, dù là đàm phán hay thông qua cơ quan tài phán.
Quan hệ chính trị giữa hai bên chỉ mang tính chất tạo cầu nối, mở đường đối thoại chứ không phải căn cứ để giải quyết các tranh chấp này. Quyết không thể có chuyện "đóng cửa bảo nhau" như Bắc Kinh mong muốn.
Trong khi đó Trung Quốc chỉ tìm mọi cách chính trị hóa các vấn đề pháp lý để dễ bề thao túng đối phương.
Và cũng thật buồn cười, trong khi cả Trung Quốc và Nga thao thao bất tuyệt về việc "chống quốc tế hóa Biển Đông", thì hoạt động vận động hành lang trong các chuyến đi con thoi của ông Nghị, tìm kiếm sự ủng hộ của một vài nước về lập trường của Bắc Kinh ở Biển Đông là gì, nếu không phải cũng là một cách quốc tế hóa Biển Đông?
Do đó phán quyết của PCA càng có vai trò, ý nghĩa quan trọng để Việt Nam hoạch định các giải pháp trước mắt và lâu dài đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chúng ta có thể tận dụng được gì từ các xu thế quốc tế, dư luận quốc tế thì cần hết sức tận dụng, đồng thời sẽ có những bảo lưu cần thiết trước các lập trường của nước lớn về Biển Đông bất lợi cho ta như phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao vừa qua, sau khi ông Lavrov đưa ra phát biểu chống quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Người viết cho rằng, đó là những hành động hết sức kịp thời, chuẩn mực và cần thiết.