Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, vụ việc tiêu cực xảy ra tại trường Đại học Đông Đô đã thu hút sự chú ý rất lớn của xã hội.
Sau một thời gian điều tra và hoàn tất các thủ tục, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.
Cơ quan điều tra xác định, quá trình hoạt động, Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh (Văn bằng 2 tiếng Anh).
Nhưng từ năm 2015 đến năm 2017, Trường Đại học Đông Đô đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Kế hoạch tài chính) thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và từ năm 2017, Vụ Giáo dục Đại học cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có chỉ tiêu hệ văng bằng 2 chính quy.
Lần lượt các bị can Dương Văn Hòa, Trần Ngọc Quang, Phạm Vân Thùy. Ảnh: Bộ Công An. |
Theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng, từ tháng 4/2017, Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng và Trần Kim Oanh, Phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, đã ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân; đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo.
Trong đó, có 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho Trường Đại học Đông Đô tổng số tiền là 24,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Trường Đại học Đông Đô cung cấp tài liệu chỉ xác định được 2.523 người đã nộp tổng số tiền là hơn 18,2 tỷ đồng.
Trong số tiền đã thu, Trường Đại học Đông Đô chỉ sử dụng 780 triệu đồng thanh toán kinh phí tổ chức thi, chấm thi hệ văn bằng 2 tiếng Anh, số tiền còn lại sử dụng phục vụ hoạt động chung của trường; chứng từ liên quan đến việc chi tiền, Trường Đại học Đông Đô cung cấp không đầy đủ nên không có cơ sở để xác định cụ thể...
Đây là một trong những thủ đoạn tinh vi của các bị can nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Đặc biệt, trong quá trình tổ chức tuyển sinh, đào tạo hệ văn bằng 2 tiếng Anh, đầu năm 2018, vì mục đích lợi nhuận, Hùng còn chỉ đạo ban giám hiệu và nhân viên của Trường Đại học Đông Đô gồm: Hòa, Oanh, Hà, Quang và các nhân viên Viện Đào tạo liên tục gồm: Thùy, Thái, Hiển; các nhân viên Viện 4.0 gồm Lương, Tâm và Huệ làm các thủ tục cấp Bằng cử nhân Ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy cho các cá nhân không qua đào tạo theo quy định.
Căn cứ vào các tài liệu thu giữ, Cơ quan An ninh điều tra xác định Trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.
Toàn bộ 193 bằng giả do Trường Đại học Đông Đô cấp cho các cá nhân đều do Dương Văn Hòa ký với tư cách là Hiệu trưởng theo sự chỉ đạo của Trần Khắc Hùng.
Cơ quan điều tra đã thu giữ được 177 bằng giả, trong đó có 67 bản chính, 110 bản phô tô. Trong đó, Quang ký nháy (ký tắt) trên 42 bằng.
Trong quá trình điều tra đã thu giữ được 84 bảng điểm khóa học, trong đó Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên, ký trên 73 bảng điểm, Lê Ngọc Hà, Phó hiệu trưởng, ký trên 11 bảng điểm.
Trong số 193 trường hợp được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, chỉ có thông tin về Trường Đại học Đông Đô thu tiền của 161 trường hợp với tổng số tiền là 2,546 tỷ đồng đồng, 32 trường hợp còn lại không đủ cơ sở để xác định số tiền Trường Đại học Đông Đô đã thu.
Không những vậy, để có phôi in bằng giả, tháng 10/2018, sau khi Trường Đại học Đông Đô sử dụng gần hết số phôi bằng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp theo chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014, Trần Kim Oanh, Phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, đã chỉ đạo Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên, làm giả Quyết định số 442/QĐ-ĐĐ ngày 19/10/2015 về việc công nhận danh sách thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2015 gồm 486 thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh (bản phô tô).
Quang soạn thảo văn bản số 769/ĐĐ-ĐT&QLSV để Hiệu trưởng Dương Văn Hòa ký gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo kèm bản phô tô Quyết định số 442/QĐ-ĐĐ ngày 19/10/2015 đề nghị mua 468 phôi bằng.
Cũng theo chỉ đạo của Oanh, Quang tiếp tục soạn thảo Công văn số 851/ĐĐ-ĐT&QLSV ngày 28/11/2018 để Hòa ký gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo mua thêm 835 phối bằng để in bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy.
Đến tháng 4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo có yêu cầu trường Đông Đô giải trình về hoạt động đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh.
Để che giấu hành vi sai phạm, Hiệu trưởng Dương Văn Hòa ký hợp thức các quyết định công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy để hợp thức việc cấp bằng giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định gồm:
Quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy đợt 1 năm 2018 ngày 25/5/2018 (47 sinh viên)
Quyết định về việc công nhận tốt nghiệp Đại học văn bằng 2 hệ chính quy đợt 1 năm 2018 bổ sung ngày 2/8/2018 (15 sinh viên)...
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định hủy bỏ, thu hồi các bằng cá nhân không đúng quy định và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh do Trường Đại học Đông Đô cấp không có giá trị. (1)
Những thủ đoạn, mánh khóe cấp bằng của Đông Đô đã khiến nhiều người rất bàng hoàng vì mức độ vi phạm của cơ sở giáo dục đại học này.
Đáng nói đây không phải là lần đầu tiên đại học Đông Đô để xảy ra bê bối
Ngay từ năm 2001, tức là chỉ 7 năm sau ngày thành lập, vi phạm nghiêm trọng đã xảy ra tại Trường Đại học dân lập Đông Đô (sau này là Trường Đại học Đông Đô) khi gọi thí sinh nhập học vượt 2,8 lần so với chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép (chỉ tiêu tuyển sinh 1.400 nhưng gọi nhập học 4.000).
Thời điểm đó, qua thanh tra nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hiện có nhiều sai phạm như chấm bài thi không thực hiện nghiêm túc.
Sau khi chấm lại, hơn 1.600 sinh viên trúng tuyển hệ đại học phải chuyển từ hệ đại học xuống cao đẳng; hơn 70 thí sinh khác phải buộc thôi học vì điểm thi đầu vào quá kém.
Năm 2002, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội thực hiện khởi tố Phạm Văn Chóng, trưởng phòng đào tạo; Ông Phan Văn Hạp, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Trần Văn Đắc, quyền hiệu trưởng.
Tháng 11/2003, Tòa án nhân nhân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 3 trường hợp trên mức án tù treo từ 24-30 tháng về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Sau đó, ông Trần Văn Đắc và Phan Văn Hạp kháng cáo (trừ ông Phạm Văn Chóng).
Tại phiên xử của Tòa án nhân dân Tối cao (năm 2004) tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù treo với các ông Trần Văn Đắc và Phan Văn Hạp.
Sau bê bối này, Trường Đại học Dân lập Đông Đô lúc đó đã bị Bộ Giáo dục và Đào tạo đình chỉ tuyển sinh năm học 2002 – 2003 và đến năm học 2003-2004, Bộ mới đồng ý cho trường tuyển sinh trở lại với chỉ tiêu 500.[1]
Cách đào tạo văn bằng 2 cực kỳ nguy hiểm ở Đông Đô. Ảnh: Vũ Phương |
Những tưởng sau những bê bối “động trời” sau ngày thành lập, Đại học Dân Lập Đông Đô lúc bấy giờ sẽ có sự chấn chỉnh để hướng tới chất lượng đào tạo, vì sự nghiệp giáo dục.
Tuy nhiên, những mánh khóe cấp bằng tại Đại học Đông Đô khiến nhiều người cảm thấy giật mình.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng:
“Trước hết cần nghiêm trị những người đang cố tình làm sai, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục như ở Đại học Đông Đô để vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục đối với những trường hợp khác”.
Bên cạnh đó, Bà An cũng chỉ ra một phần nguyên nhân cũng chính là tâm lý chuộng bằng cấp để trục lợi, qua cửa khi cần đến văn bằng ngoại ngữ:
“Vừa rồi Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân đã nói về việc bỏ bớt một số chứng chỉ không cần thiết. Như vậy, tình trạng mua bán chứng chỉ như dư luận phản ánh vừa qua cũng sẽ ít nhiều giảm bớt.
Tuy nhiên, tâm lý chuộng bằng cấp để thay thế một số điều kiện vẫn còn xảy ra do vậy, để giảm bớt vấn đề tiêu cực, tôi nghĩ ngành Giáo dục cần thực hiện thi tuyển dựa vào thực chất từ đầu vào, quá trình đào tạo cần được thực hiện nghiêm chỉnh”, bà An nêu quan điểm.
Trước năm 2017, người dự tuyển nghiên cứu sinh chỉ cần có trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo Khung tham khảo châu Âu chung về ngoại ngữ trong thời hạn 2 năm, do một trung tâm khảo thí quốc tế có thẩm quyền hoặc một trường Đại học trong nước cấp.
Trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B2 hoặc bậc 4/6 trở lên, trong thời hạn 1 năm tính đến ngày trình hồ sơ bảo vệ luận án cấp cơ sở.
Với quy định này, có tình trạng mua chứng chỉ ngoại ngữ để đạt yêu cầu đầu vào và đầu ra khiến dư luận bức xúc.
Từ đây, thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ra đời với yêu cầu cao hơn.
Theo đó, người dự tuyển phải có chứng chỉ TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
Quy định này rất ít người đạt được. Và để đủ điều kiện đầu vào, nhiều người đã tính đến việc học văn bằng 2 - văn bằng có giá trị vĩnh viễn.
Với văn bằng 2 ngôn ngữ, các ứng viên có thể yên tâm đạt điều kiện ngoại ngữ đầu vào, được miễn học ngoại ngữ trong quá trình nghiên cứu sinh.
Đây chính là lý do khiến văn bằng 2 ngôn ngữ "có giá".
* Tài liệu tham khảo:
(1) http://cstc.cand.com.vn/Ho-so-interpol-cstc/Lanh-dao-Truong-Dai-hoc-Dong-Do-da-ban-bang-dai-hoc-nhu-the-nao-620972/