Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chính trị nội bộ trong xây dựng Đảng nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy của phương pháp tư tưởng cách mạng và sáng tạo (Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc) (Ảnh: Tư liệu). |
Trong tình hình hiện nay, để bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, chống mọi quan điểm, tư tưởng thù địch và những biểu hiện cơ hội, sai trái đạt hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chủ trương xây dựng chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thì việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chính trị nội bộ là một việc làm có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết thể hiện những nội dung chính sau:
Thứ nhất, bảo vệ Đảng về chính trị. Trước hết là phải bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng.
Theo Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn là một vấn đề “gốc”, nền tảng, cốt lõi, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự tồn tại và phát triển của Đảng.
Vì vậy, muốn thực hiện được điều đó, theo Hồ Chí Minh, Đảng phải nâng cao trình độ lý luận Mác - Lênin trong cán bộ, đảng viên.
Trong bài Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc ngày 07/9/1957, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lý luận vạch cho Đảng con đường đúng đắn tiến lên chủ nghĩa cộng sản”[1].
Để bảo vệ chính trị nội bộ trong xây dựng Đảng, Người lưu ý: cán bộ, đảng viên phải rèn luyện “tính đảng”.
“Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên.
Tính đảng là gì? Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn; Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng... Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”. Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong bảo vệ Đảng về chính trị phải tránh bệnh kém “tính đảng”, biểu hiện như: “Bệnh ba hoa, bệnh địa phương, bệnh ham địa vị, bệnh thiếu kỷ luật, bệnh cẩu thả (gặp sao hay vậy), bệnh xa quần chúng, bệnh chủ quan, bệnh hình thức, bệnh ích kỷ, bệnh hủ hóa, bệnh thiếu ngăn nắp, bệnh lười biếng. Mắc phải một bệnh trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc”[2].
Theo Người, bảo vệ Đảng về chính trị cần phải kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn hết sức phong phú, sâu sắc thì mới có đủ cơ sở, điều kiện để đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng.
Thứ hai, bảo vệ Đảng về tư tưởng. Trước hết phải đấu tranh bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Bảo vệ Đảng về tư tưởng cũng đặt ra yêu cầu đấu tranh, phê phán và gột rửa những biểu hiện của tư tưởng “phi vô sản” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; giáo dục đạo đức cách mạng, đấu tranh với sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên.
Để bảo vệ Đảng, phải giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với Đảng.
Đó là, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt”, luôn trung thành và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa đó vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ...
Người đã vạch trần những thủ đoạn, lời nói mị dân, xuyên tạc hình ảnh người cộng sản, hòng bôi nhọ Đảng.
Trong điều kiện Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, Hồ Chí Minh luôn lưu tâm đến hoạt động phá hoại tư tưởng của đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân phải luôn cảnh giác, chống lại những hoạt động phá hoại của chúng.
Người chỉ rõ: “Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thì bọn Mỹ - Diệm không muốn cho chúng ta thành công. Chúng âm mưu phá hoại ta bằng nhiều cách. Chúng còn bịa đặt tin đồn nhảm, phá hoại tinh thần nhân dân ta”[3]
Thứ ba, bảo vệ Đảng về tổ chức. Đó là chống lại bọn phản động cài cắm người của chúng vào nội bộ Đảng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc tích cực, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, xử lý kịp thời và nghiêm minh những trường hợp đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng.
Người lưu ý, bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng cần phải giữ vững các nguyên tắc tổ chức, duy trì kỷ luật nghiêm minh là một biện pháp rất quan trọng để bảo vệ Đảng.
Người yêu cầu đảng viên phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Đảng, nếu kỷ luật Đảng lỏng lẻo thì những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào Đảng để phá hoại.
Đối với những kẻ xấu phá hoại Đảng đã bị phát hiện phải xử lý nghiêm minh, phải xác định rõ từng đối tượng để xử lý đúng người, đúng tội.
Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải giữ bí mật, đồng thời phê phán nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên để lộ bí mật của Nhà nước.
Trước âm mưu, thủ đoạn phá hoại Đảng, phá hoại cách mạng rất thâm độc, xảo quyệt của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng, Người luôn luôn chú trọng đến việc phòng gian, bảo mật: “Phải có tinh thần cảnh giác, phòng gian, bảo mật... Bệnh ba hoa còn nhiều; còn làm mất tài liệu bí mật…”[4].
Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý việc phải dựa vào nhân dân, tổ chức và động viên nhân dân tích cực tham gia bảo vệ Đảng. Người cho rằng: “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân, thì việc gì cũng xong”[5].
Trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên; việc điều chỉnh chiến lược và sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn khiến các nước nhỏ luôn phải ứng phó với những biến động khó lường...
Các vấn đề an ninh phi truyền thống, như: an ninh tài chính, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng, dịch bệnh… ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững đất nước.
Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế, sức mạnh tổng hợp và uy tín trên trường quốc tế được nâng lên.
Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn; đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tới sự nghiệp đổi mới.
Các thế lực thù địch tăng cường chống phá về chính trị, tư tưởng, văn hóa, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động, thực hiện “diễn biến hòa bình”.
Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm có xu hướng gia tăng và xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, đặc biệt là loại tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trật tự, an toàn xã hội vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp…
Tình hình nêu trên sẽ tác động mạnh, nhiều chiều đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra phương hướng trong công tác xây dựng Đảng: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ…”[6] .
Nhằm tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ trong xây dựng Đảng, cần có những giải pháp đồng bộ, nắm vững, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới.
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng, nhân sinh quan cách mạng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Đặc biệt, tiếp tục “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 05-CT/W của Bộ Chính trị khóa XII, ngày 15/5/2016 một cách thiết thực, hiệu quả.
Cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước phải thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; quản lý chặt chẽ các phương tiện thông tin đại chúng.
Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc hại trên in-tơ-nét, mạng xã hội…
Có những biện pháp kịp thời, thiết thực, hiệu quả để ngăn chặn những diễn biến xấu về chính trị, tư tưởng, phòng chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, nói không đi đôi với làm trong nội bộ Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, lực lượng tiến hành bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng là toàn dân tộc. Trong đó lực lượng nòng cốt là các cấp ủy đảng, các tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên phối hợp triển khai thực hiện. Đây là những lực lượng rất quan trọng, giữ vai trò chủ đạo, xung kích.
Để bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng có hiệu quả, đòi hỏi người làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng phải có chuyên môn cao, am tường, hiểu sâu, nắm chắc những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin… những vấn đề của thực tiễn trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng của thế giới đương đại và trong nước thì mới có khả năng tác chiến, bảo vệ hiệu quả, thành công.
Qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biễn”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng; làm thất bài mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới.
Ba là, Thực hiện tốt mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Vì dân là “gốc” của nước lực lượng to lớn của Đảng. Trí tuệ, năng lực sáng tạo của Đảng đều bắt nguồn từ quần chúng nhân dân.
Người chỉ rõ: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”[7].
Dân “liệu” ở đây không chỉ có nghĩa là dân chỉ góp công sức, của cải vào cuộc cách mạng, mà quan trọng hơn Dân còn bày mưu, hiến kế cùng với Đảng để vạch ra Cương lĩnh, đường lối đúng đắn cho cách mạng.
Mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với dân không chỉ thể hiện ở mục đích hoạt động của Đảng, nó còn được biểu hiện sinh động trong phương pháp, cách thức hoạt động của Đảng trong quan hệ với dân, nhất là hoạt động của các cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự trong sạch “cần, kiệm, liêm, chính” để cho dân tin, dân phục, dân yêu.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chính trị nội bộ trong xây dựng Đảng nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.93.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.307.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.13, tr.439.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.22.
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.498.
[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, t.2, tr. 228-229
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.280.