Đối đầu, Giấu mặt - tên gọi 'phản cảm' của Giọng hát Việt!

04/09/2012 08:01
Phan Quốc Linh (từ Bulgaria)
(GDVN) - Đó là nhận định của tiến sĩ Phan Quốc Linh, người đã công tác ở Bulgaria gần chục năm nay và luôn theo dõi sát các vấn đề thời sự trong nước, gửi bài về cho Giáo dục Việt Nam.
Chương trình Giọng hát Việt (The Voice) đang thu hút hàng triệu gia đình, bạn trẻ ở Việt Nam và TS Phan Quốc Linh muốn đưa đến độc giả một góc nhìn riêng của mình, về tên gọi của 2 phần thi đã và đang gây chú ý rất lớn, Giấu mặt và Đối đầu. Giaoduc. net. vn xin đăng tải nguyên văn ý kiến của TS Phan Quốc Linh về chương trình này.

The Voice - Giọng hát Việt có các phần thi Giấu mặt, rồi Đối đầu là những tên gọi gây phản cảm, không phù hợp chút nào với chương trình một cuộc thi nghệ thuật, và cũng không thể có chuyện đấy là những tên gọi theo kịch bản gốc (original).

The Voice có nghĩa là gì?

Voice là một từ (khái niệm), có nghĩa là giọng. Theo đó, trên thực tế, có thể hiểu là giọng con người (giọng nói, giọng cười, giọng hát...), và con vật cũng có giọng (giọng hót chim hoạ mi, giọng kêu chim sáo sậu, v. v...)

4 giám khảo của Giọng hát Việt cùng các thí sinh đang tạo sức hút rất lớn trên sóng truyền hình.
4 giám khảo của Giọng hát Việt cùng các thí sinh đang tạo sức hút rất lớn trên sóng truyền hình.


Trước khi hiểu nội dung cụ thể của mệnh The Voice, xin được nói qua một chút về giới từ The trong tiếng Anh. The ở dạng giới từ có chức năng khu biệt, "chính xác hóa" ngữ nghĩa của mệnh đề cụ thể, cũng gần giống chức năng các "từ đệm” trong tiếng Việt như này, kia, ấy đó... trong cách kết hợp cụ thể, chẳng hạn: này (trong "cái này”), kia (trong "cái kia”), ấy (trong "cái ấy”), đó (trong "cái đó”)... hoặc có thể được sử dụng trong ngữ cảnh rộng hơn, chẳng hạn, thời đại này, hình ảnh nọ, quan điểm ấy... nhờ có nó (“từ đệm”) mà đối tượng nhận thức được xác định chính xác trong tương quan nào đó (so sánh khác với cái khác nó, ở không gian và thời gian cụ thể, tóm lại nhờ có từ đệm mà  hình ảnh về đối tượng được khu biệt, xác định theo lối riêng biệt, đặc thù...).

Theo đó, The Voice trong Anh ngữ là một mệnh đề (xin lưu ý giới từ The - PQL), có nội dung ngữ nghĩa theo ngữ cảnh xác định, gắn với trường hợp chúng ta đang bàn là nói về giọng được biểu hiện trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, đó là giọng hát, ngoài ra còn là giọng hát trong cuộc thi trên truyền hình của nhiều quốc gia.

Bằng chứng cho điều này là nó (The Voice) được dùng như một logo, tít cho các phiên bản truyền hình chung ở các nước khác nhau trên thế giới, được hiểu (và dịch nghĩa) gắn với mỗi trường hợp cụ thể, xác định, chẳng hạn, The Voice - Giọng hát Việt, The Voice - Giọng hát Hà Lan, The voice - Giọng hát Mỹ, v. v...hiện con số đã lên đến hơn 40 phiên bản.

Tìm hiểu Wikipedia, The Voice (US), mở đầu phần Định dạng (format) là câu: "The series consists of three phase:a blind audition, a battle phase, and live preformance”. Tạm dịch nghĩa: Kịch bản chương trình này gồm 3 phần: (giám khảo) thẩm định giọng hát kiểu một người mù (ý nói chỉ nghe mà không cần nhìn; a blind: giả như mù), giai đoạn vào trận đấu (a battle: kiểu như, giả như đánh nhau, kiểu tay bo); và các chương trình biểu diễn trực tiếp.

Từ nội dung kịch bản này, đối chiếu với những gì đã và đang diễn ra tại The Voice - giọng hát Việt, chúng ta sẽ thấy BTC đã hiểu sai, bất cập ở chỗ nào.

a, Gọi là Giấu mặt là sai với kịch bản gốc

Gọi phần thi này là Giấu mặt không chỉ sai với kịch bản gốc (original) mà ngay ngữ nghĩa tiếng Việt cùng sai, và gây phản cảm.

- Blind có nghĩa là: 1. mù; 2. giấu; che giấu. Tuy nhiên, khi viết a blind (lưu ý: có giới từ a) thì phải hiểu đó là (giả) mù, cố tình không nhìn thấy, mà không thể hiểu theo nghĩa là (giả) trốn, (giả) giấu mặt vì như vậy không đúng với hoàn cảnh thực tế của phần thi này, đơn giản là chả ai có thể trốn, hay giấu mặt trong cuộc thi cả.

- Giấu mặt? Tại sao lại phải giấu mặt? Giấu mặt thường được hiểu là kẻ hành động không đàng hoàng, không tự nhiên, người có âm mưu mờ ám nào đó.

Ở phần thi này, tuy thí sinh và giám khảo không nhìn nhau trực diện, cần được hiểu như là một thủ pháp làm việc nhằm tập trung sự chú ý của Ban giám khảo vào phần giọng của thí sinh, tránh bị chi phối bởi những yếu tố phụ, mục đích chỉ là giúp giám khảo thẩm định tốt nhất giọng hát mà thôi.

“Giả mù”, cố tình không nhìn thí sinh biểu diễn, thực chất là một thủ pháp làm việc: chỉ cần nghe giọng hát, và chừng ấy là đủ, ngoài ra, có thể coi đó chính là đặc thù mang tính chất tuyên ngôn của phần thi này và cũng chính cho cả chương trình này: The Voice (Giọng hát Việt). Theo đó, nếu gọi là Giấu mặt như hiện nay, rõ ràng không đứng với thực tế (không ai giấu mặt ở đây cả, không việc gì phải giấu mặt cả).

Thực chất, đây là phần thẩm định giọng hát, vì trước đó, thí sinh đến từ các nguồn khác nhau, cần thiết phải qua khâu đánh giá, thẩm định lại giọng hát, một yêu cầu có tính chất "tuyên ngôn”, bắt buộc, như chính tên gọi của cuộc thi này (The Voice).

Tuy nhiên, việc thẩm định giọng hát ở The Voice theo phương cách đặc thù, khác với các cuộc thi khác, ở chỗ giám khảo chỉ cần nghe giọng hát, không nhìn thí sinh diễn (a blind phase), vì thế gọi chính xác theo kịch bản này, đây là phần thỉnh giọng.

>>Xem tiếp phần 2: Giọng hát Việt - Phần thi Đối đầu nên đổi tên là gì?
Phan Quốc Linh (từ Bulgaria)