Ký ức không bao giờ quên

02/05/2019 06:00
Theo dangcongsan.vn
(GDVN) - Những cựu binh trực tiếp tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ, dù đã 65 năm trôi qua nhưng những ký ức một thời hoa lửa vẫn luôn là dấu ấn không bao giờ quên.

Đã gần 90 năm tuổi đời, 67 năm tuổi Đảng nhưng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp, chiến sĩ của Đại đội 209, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 vẫn nhớ như in những tháng cùng đồng đội "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt".

Sinh ra, lớn lên ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, năm 1949, khi đủ 18 tuổi ông gia nhập bộ đội nhưng sức vóc nhỏ nên chưa được tham gia chiến đấu, phải đi tăng gia, sản xuất.

Khi Đại đoàn 312 về tuyển quân, đầu năm 1951 ông mới được vào đơn vị chủ lực, sau thời gian huấn luyện, ông được cầm súng tham gia chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Trong trận Bản Vậy, ông bị thương, hỏng mất một mắt nên chuyển sang đại đội cối trợ chiến.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp.
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp.

Ông nhớ lại: “Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là chi ủy viên, khẩu đội trưởng cối 82, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại Đoàn 312 (nay là Đại đội 12, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1).

Sau khi giúp các đơn vị pháo binh kéo pháo vào trận địa, toàn Đại đoàn về trú quân ở dãy Tà Lèng. Tại đây, chúng tôi chờ đợi ngày xuất quân.

Qua gần 2 tháng chuẩn bị, các đơn vị đều mong mỏi được đánh trận mở màn, nhưng chỉ Đại đoàn 312 chúng tôi được Bộ chỉ huy mặt trận chọn tấn công vào cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch”.

"Để tiến công cứ điểm này, cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn được quán triệt là trận đánh khó khăn phải nêu cao quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi trận đầu, các đảng viên đều viết quyết tâm thư, sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ ngay trong đêm 13 tháng 3, không để trận đánh kéo dài sang những ngày hôm sau", Ông Chấp kể.

12 giờ đêm 12/3/1954, từ Tà Lèng, ông cùng các đồng đội hành quân chiếm lĩnh trận địa, gần sáng đội hình của Đại đoàn đã đến cánh đồng quanh cứ điểm.

Cả ngày bao quanh cứ điểm Him Lam, cứ nghe loa của Pháp ra rả, “Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời tướng Giáp mà đánh vào. Đánh vào không còn đường về với bố mẹ”. Điều đó không làm ông và các đồng đội nao núng tinh thần.

17 giờ ngày 13/3/1954, pháo ta tập trung bắn vào Him Lam, ngay từ loạt đầu đã bắn trúng cờ chỉ huy của Pháp trong cứ điểm nên anh em hết sức phấn khởi.

Trong khi pháo đang bắn cấp tập, quân địch chưa kịp phản ứng thì các đơn vị xung kích đánh chiếm cửa mở.

Sau hơn 1 giờ chiến đấu lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên cứ điểm 3, đến 22 giờ 30 phút, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta.

23 giờ 30, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.

Như vậy, sau hơn 5 giờ chiến đấu, Đại đoàn 312 hoàn toàn làm chủ được trung tâm đề kháng Him Lam, tạo nên một niềm tin mãnh liệt, có sức lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội ta trên tất cả các mặt trận.

“65 năm đã trôi qua, đó là những giây phút vào sinh ra tử, trải qua thử thách của chiến tranh, đối diện với kẻ thù, đối diện với cái chết nhưng chúng tôi không nao núng, khiếp sợ.

Nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, nhiều người để lại phần thân thể nơi mảnh đất Điện Biên này”, ông Chấp xúc động chia sẻ.

Với ông, mỗi năm qua đi, tuổi ngày càng cao, chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất nơi đã diễn ra trận chiến “chấn động địa cầu” là một vinh dự.

Bởi vậy, dù tuổi cao song với tinh thần của người lính Cụ Hồ, tinh thần của người chiến sĩ Điện Biên vẫn luôn nhắc nhở ông phải cố gắng xứng đáng với những người đã khuất, tiếp tục truyền thụ tinh thần Điện Biên Phủ cho các thế hệ cháu con”.

Cựu chiến binh Phạm Bá Miều kể về những ngày chiến đấu, tiến công đồi A1.
Cựu chiến binh Phạm Bá Miều kể về những ngày chiến đấu, tiến công đồi A1.

Với người chiến sĩ Điện Biên Phạm Bá Miều ở tuổi 90, mắt đã mờ, chân cũng yếu nhưng những ký ức về trận đánh đồi A1 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Ông kể: 4 cuộc tiến công vào đội A1 bắt đầu từ 30/3/1954 kết thúc lúc 4 giờ 30 phút sáng ngày 7/5/1954.

Sau 38 ngày đêm chiến đấu liên tục, tại đây quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 4 tiểu đoàn quân tinh nhuệ, đánh thiệt hại nặng ba tiểu đoàn quân cơ động, bắn bị thương nhiều xe tăng, xe cơ giới của địch.

Chiến thắng trên đồi A1, quân ta tiếp tục tiến sang đánh địch tại Trung tâm, tập đoàn cứ điểm, bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn bộ quân của y tại đây.

“Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi nhưng rất nhiều đồng đội của tôi mãi mãi nằm lại tại nơi này…", vừa nói ông vừa đưa tay giấu đi những giọt nước mắt xúc động.

Ông Phạm Bá Miều chia sẻ, mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại lên Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1, thăm những đồng đội của mình, đứng trước anh linh của đồng đội, những người đã dùng xương máu của mình tô thắm cho Tổ quốc, tôi kể cho các anh nghe về những đổi thay của mảnh đất Điện Biên Phủ.

Tôi cũng nói với các đồng đội của mình rằng, các anh hãy yên nghỉ, chúng tôi những người may mắn được ở lại, cùng với các thế hệ hôm nay vẫn đang nỗ lực không ngừng đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…

Theo dangcongsan.vn