Lê Hoàng: Con gái đầu bò, đầu biếu mới hay đi du lịch

04/06/2013 06:49
Đ.T (ghi)
(GDVN) - Trong chương trình "Mỗi tuần một chuyện", Lê Hoàng và Thùy Minh đã cùng khách mời - Tiến Sĩ Nguyễn Phương Mai trò chuyện về chủ đề sự dịch chuyển của một con người.
MC Thùy Minh: Xin chào quý vị và các bạn. Vì chủ đề hôm nay rất đặc biệt nên chúng tôi đã mời một vị khách mời rất đặc biệt - Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai. Để mở đầu cuộc trò chuyện ngày hôm nay, Thùy Minh sẽ phát cho mỗi người gọi là đạo cụ.

Lê Hoàng: chẳng bao giờ thấy phát tiền (cười)
Thùy Minh: Đây là một bản đồ để đánh dấu những nơi bạn đã đi.

TS. Phương Mai: Anh Hoàng chỉ cần một nét là xong (cười)
Lê hoàng: Tôi thì đi ít lắm, ít lắm, nhục lắm, nhục lắm, nhục lắm… 

Thùy Minh: Minh chỉ muốn vui một chút thôi nhưng chắc kết quả này, anh Hoàng cũng đoán được đúng không?

Lê Hoàng: Mai đi quá nhiều rồi đúng không?

TS. Phương Mai:  Không có cái gì là quá nhiều, em vẫn còn bao nhiều nước chưa đi. Mới chỉ có gần 80 nước thôi mà trong khi đó Liên Hợp Quốc là hơn 190 quốc gia cơ mà.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai

Lê Hoàng: Chủ đề của chúng ta hôm nay nếu căn cứ vào Mai thì gọi là “sự dịch chuyển của một con người” hay nói chung là nhu cầu dịch chuyển trong cuộc sống hiện tại.

TS. Phương Mai: Thực ra nhìn vào anh cũng thấy sự dịch chuyển, tức cũng qua màn ảnh nhỏ dịch chuyển rất là nhiều.

Lê Hoàng: Nói một cách đơn giản Mai đã từng đi qua bao nhiêu quốc gia?

TS  Phương Mai: Lần trước đếm được 78 quốc gia, nhưng trong khoảng 1 tháng nữa thì em đến  2 quốc gia nữa là được 80 quốc gia.

Lê Hoàng: Một cô gái trẻ như Mai mà đến 80 quốc gia, chắc năm nay phải 25 rồi nhỉ ?(cười).

TS. Phương Mai: (Cười lớn). Anh Hoàng như trai 18 đúng không?

Lê Hoàng: Tiến sĩ Phương Mai đi 80 quốc gia, hiện giờ đang dạy ở đại học Amsterdam Hà Lan. Hoàng có đọc cuốn sách của Mai có một câu nói rất hay: “Càng đi nhiều lại càng ít chê nước mình nhiều”. Mai có thể phân tích câu đó được không?

TS. Phương Mai: Đó là một câu rất dễ hiểu. Ở nhà mình các cụ thường nói: “Ếch ngồi đáy giếng”. Tức con ếch chỉ ngồi trong cái giếng nên nó nghĩ bầu trời  bé bằng cái vung thôi.  Khi mà con ếch nhảy từng bước ra ngoài cái giếng thì nó  thấy: A! hóa ra bầu trời không phải bằng cái vung. Con người cũng thế, càng đi nhiều thì thấy cuộc sống càng to lớn và giúp  mình biết nhiều thêm, thấy những cái mà vấn đề mình có thì ở đâu cũng có. Anh Hoàng có viết một lời đề tựa cho sách của em mà em cười mãi: “Loài người  trở nên văn minh khi mà họ đứng lên bằng hai chân”, và “Loài người trở nên văn minh khi mà họ đứng lên và đi”. Thực ra khi họ đứng lên thì họ phải đi chứ đứng lên bằng hai chân mà đứng yên một chỗ thì đứng lên làm gì. (cười)

Thùy Minh: Chị có nói người ta đi dựa trên những kinh phí người ta có, rồi mục đích nào đó. Vậy bản thân chị trước những chuyến đi có mục đích là gì? Hay đơn giản là chị chỉ muốn đi?

TS. Phương Mai: Cả 2. Thực ra đầu tiên là đi để biết đã. Hồi mình mới ra nước ngoài thì sướng lắm. Mình nghĩ được đi đến những nơi như: cối xay gió, Tháp Eiffel,  New York... sau đó mình thấy đi như thế này chẳng thu được gì. Rồi mình nghĩ mình phải đến nơi mà người ta chưa  đến bao giờ để xem những cái gì người ta đang nói có thật hay không?  Còn bây giờ Phương Mai đi để học. Các cuộc hành trình mới của Phương Mai là đi theo vệt. Mai đi theo vệt di cư của loài người. Tức là loài người đi theo vệt từ Châu Phi vòng qua Châu Úc và Châu Á…Để biết số phận của loài người lần đầu đặt chân từ Châu Phi đến những châu lục này là như thế nào.

Lê Hoàng: Lời khuyên đầu tiên của Tiến sĩ Mai cho những người định đi là  tuy đi nhiều nhưng thực ra là đi theo vệt, theo một hành trình chứ không phải bạ gì đi nấy. Lời khuyên thứ 2 là tránh xa những lộ  trình quen thuộc, tránh xa khách sạn 5 sao, hướng dẫn du lịch..

Đạo diễn Lê Hoàng
Đạo diễn Lê Hoàng


TS.Phương Mai: Đúng rồi. Trời ơi vào khách sạn thì làm sao mà biết được cuộc sống xung quanh như thế nào. Thực ra có một webside Mai muốn giới thiệu cho mọi người biết, gọi là trang mạng về bạn bè xung quanh trên thế giới. Ví dụ, anh Hoàng ở nhà mà tự dưng có một phòng còn trống và bảo, tôi không đi, tôi chỉ đi bằng miệng thôi và tôi sẽ mời một bạn đến. Bạn này đang ở Việt nam, tôi sẽ cho bạn đó ở nhờ, giới thiệu cho bạn đó văn hóa Việt Nam. Ở trên mạng có khoảng 2 triệu người và lập trang thông tin như thế này? Mỗi người sẽ có một profile và xem họ có đáng tin hay không.

Lê Hoàng:  Hoàng chỉ nghe thấy họ đăng một cái là sẵn sàng chờ các cô gái trẻ  18 tuổi trọ tại nhà (cười).

TS.Phương Mai: Quên ngay, sẽ không ai đến nhà vì người ta không tin. Anh mời người ta đến, người ta vẫn chưa kịp đến mà anh đã nhắc đến việc trẻ đẹp rồi (cười).

Lê Hoàng: Thì mình phải đưa ra một số tiêu chuẩn chứ. Thế những người đó không có tiêu chuẩn à? không biên giới à?

TS. Phương Mai:  Không. Phải màu mè một tý chứ (cười lớn). Phải là ham hiểu biết về văn hóa, tôi sẽ sẵn lòng  mở cánh cửa nhà tôi giới thiệu về văn hóa Việt Nam và những gì tôi cần của bạn chỉ là một đầu óc rộng mở và tấm lòng rộng mở. Nói thế người ta mới đến chứ (cười).

Lê Hoàng: Tức là người ta đến gõ cửa nhà mình lúc nào mình cũng tiếp.

Phương Mai: Không, người ta sẽ gửi anh một email và anh sẽ nhìn thấy ảnh người ta,  nhìn thấy profile của người ta. Nhưng phải nhìn, soi cho kỹ vì giờ photoshop nhiều lắm (cười).

Lê Hoàng: Hóa ra người ta sẽ đến, thường người ta sẽ ở nhà mình thôi còn ăn uống, ngủ nghỉ người ta có thể cùng với mình, hoặc không.

TS. Phương Mai: Cái đấy thì tùy (cười).

Lê Hoàng: Nghe hấp dẫn nhỉ? (cười).

TS. Phương Mai: Quá hấp dẫn.

Thùy Minh: Minh có biết một bức ảnh đoạt giải quốc tế về văn hóa đó của giới trẻ. Nhìn trong phòng khách của một nhà nào đó thấy có 16 con người, người thì nằm trên  ghế, người nằm dưới đất. Tức ở một cái chỗ của anh có thể có 16 người ở 16 quốc gia khác đến. Cùng ăn ở sinh hoạt trong nhà anh mấy ngày. Minh thấy 16 nền văn hóa trộn vào một thời điểm đó… Bây giờ thấy nhiều cách mà  khách du lịch có thể ở như khách sạn. Nhưng đó lại là một điều không mấy quan tâm.

TS.Phương Mai: Khách sạn thì rất chán, thực ra khách sạn chỉ là nơi mình trú chân thôi, không phải nơi để mình tìm hiểu. Nếu muốn biết, muốn tìm hiểu thì phải ăn, ở cùng với người bản xứ mình mới được biết nhiều hơn. Còn anh nghe Thùy Minh dọa 16 người mà sợ, anh có thể đưa ra tiêu chuẩn như cho ở 1 người hoặc 2 người…Nói chung anh có quyền đòi hỏi!

Lê Hoàng: Vậy Phương Mai còn lời khuyên nào cho mọi người nữa không?

Phương Mai: Mai không dám khuyên, Mai chỉ đưa ra những lý luận về khía cạnh nhìn của Mai thôi. Trước khi đi thì phải đọc. Mai mới đọc một thông tin giật hết cả mình.  Người Việt Nam một năm đọc có 0,7 cuốn sách. Thế thì làm sao mà đi được. Phải tìm hiểu kỹ những nơi mình định đến trước chứ. Rất nhiều bạn nói về vụ hiếp dâm bên Ấn Độ và hỏi Mai: “Sao Mai đi cả tháng mà không bị sao?”.

Thùy Minh: Chúng ta thấy có rất nhiều người đi mà không trang bị và gặp rất nhiều vấn đề. Bản thân chị có gặp vấn đề gì không?

TS. Phương Mai: Có chứ. Nói lại đến mạng bạn bè trên thế giới, mình đến mình đi đều để lại những thông tin cá nhân. Nhưng không phải ai cũng có một profile, hoặc có người cũng bịa ra. Hay cũng có người họ không dám nói. Mai gặp phải một trường hợp khi đến ở nhà một anh chàng người Maroc. Mai không bao giờ chọn gia đình có anh chàng sống độc thân mà phải sống cùng gia đình với mẹ, bố, hoặc vợ... Lúc đó, bố mẹ anh ta đi vắng không ở nhà. Khi Mai đang ngủ, khoảng tầm 4h sáng thấy có một bàn tay vòng qua sườn, rồi anh ta nói relax đi, enjoy đi…Lúc đó mình điên lên, nhưng anh ta ở một mình chứ không phải gia đình nên mình phải cân nhắc sao để hắn không điên lên, không có mình chết (cười).

Lê Hoàng: Đó là những trường hợp Mai kể, còn trường hợp Mai không kể thì Hoàng với Minh tự đoán, nhưng không sao (cười).

Thùy Minh: Đúng là từ nãy chúng ta du lịch qua màn ảnh nhỏ, nói chuyện nhiều về những trải nghiệm của chị, không biết chị có bằng chứng cho trải nghiệm mình có không ạ?

TS.Phương Mai: Có chứ. Một  lần Mai viết về chuyện lặn xuống dưới biển Nam Phi để lặn với cá mập trắng. Đó là loài vật nguy hiểm nhất trên thế giới, mỗi con chừng 6-7 m cơ. Người ta nhét mình vào một cái chuồng sau đó mình vào, nó phi đến…nhưng Mai lại không quay phim  được. Sau đó, Mai có đến Sydney, có lặn xuống với cá mập North Shark, không biết dịch là gì. Đại khái nó có khoảng mấy trăm cái răng, nhìn tua tủa như một cánh rừng trông rất kinh. Cái đấy có quay phim, có bằng chứng đàng hoàng nhé.

Lê Hoàng: Vậy với tư cách là một người Việt Nam đi nhiều, giờ nhìn lại thì Mai thấy sao? So với thế giới, giới trẻ Việt Nam mình có bị cho là đi ít quá không?

TS.Phương Mai: Cái này Mai không nói mà con số nói luôn. Mai không nhớ nhưng rất là ít, thậm chí là ít hơn cả những nước ít hơn mình 1 xíu như Thái lan, Indonexia. Quốc gia có người đi nhiều nhất là người Hà Lan.

Lê Hoàng: Đúng là lạnh quá nên phải trốn thôi (cười).

TS. Phương Mai: Ồ không! Không hề lạnh (cười). Mà họ dành nhiều tiền nhất trong vòng 1 năm để đi nước ngoài. Tức là một năm, một người Hà Lan trung bình không kể già hay trẻ mà họ dành 60$/1 người để đi nước ngoài. Sau đó là Đức, Anh, Nhật… Người Việt Nam mình Mai không có con  số sẵn sàng nhưng thực ra Mai đi rất nhiều, mỗi năm 9 tháng lăn lội như thế nhưng chưa gặp một người Việt Nam nào.

Thùy Minh: Để nói giới trẻ Việt Nam đi ít thì Minh cũng phát hiện ra điều đó nhưng tại sao họ lại đi ít. Thùy Minh nhìn thấy bố mẹ của Thùy Minh cũng là những người không mấy đi bao giờ và mỗi chuyến đi đều lo sợ. Đó có phải là lý do khiến giới trẻ Việt Nam thụ động không?

TS. Phương Mai: Chính xác. Chúng ta đi ít bởi vẫn còn có những người như bố mẹ Thùy Minh chẳng hạn. Hay như anh Hoàng nói: “con gái đầu bò đầu biếu thì mới đi”. Thế nhưng bây giờ con gái nhà người ta xinh đẹp như thế này lại bảo đầu bò đầu biếu thì con ai dám đi nữa (cười). Phải nói là ai cũng phải đi, càng xinh càng phải hay đi để còn quảng cáo sắc đẹp Việt Nam ra thế giới (cười).

Thùy Minh: Một điều Thùy Minh nghĩ một chút là khi Thùy Minh cảm thấy mình đi được nhiều là cảm thấy mình kiếm được tiền tức là có tiền. Đúng là có nhiều kiểu du lịch phải có tiền mới đi được chứ ạ?

TS. Phương Mai: Nói một cách đơn giản “luật bất bất thành văn”, người ta gọi là quy luật ngón tay cái. Một ngày đi bụi là 60$. Nếu bạn không có trong tài khoản một ngày 60$ thì tốt nhất bạn không nên lên đường, không nên đi ra ngoài. 

Lê Hoàng: Nghĩa là 60$/1 ngày, 10 ngày có  600$.

TS. Phương Mai: Đúng. Bạn có thể không phải tiêu hết 60$ đó trong 1 ngày. Có thể trong 1 ngày bạn tiêu 5$, 100$... Nhưng bạn phải có ngần đấy tiền thì bạn mới được lên đường. Chứ không thể tự dưng quẳng bản thân mình ra giữa đường thì vô trách nhiệm quá. 60$ bạn có thể cho là hơi nhiều nhưng Mai thấy không nhiều vì khi đi mình phải chi rất nhiều khoản, ….

Thùy Minh: Hôm nay là một cuộc nói chuyện rất vui vẻ, cũng hi vọng sẽ tạo nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ cũng như người Việt Nam nói chung sẽ đi nhiều hơn, dịch chuyển nhiều hơn. Không biết chị Phương Mai còn lời cuối gì cho khán giả chương trình không?

TS. Phương Mai:  Đúng rồi. Trong quyển sách Mai sắp ra, Mai ví mình là một con lừa. Tức tiêu đề của nó “Tôi là một con lừa”. Tại sao? Vì con lừa rất hay đi, nó cứ đi, cứ đi hoài. Tôi nhận tôi là con lừa có cá tính, các bạn cứ đâm đầu vào vũng nước thôi vì nó là vũng nước hoa hay vũng bùn thì rồi chúng ta cũng đứng dậy cứ rũ lông xong rồi kệ và chúng ta cứ đi tiếp. Hi vọng các bạn sẽ cùng lên đường giống như tôi, biết đâu trên đường chúng ta lại gặp nhau. 

Cám ơn Phương Mai về cuộc trò chuyện thú vị ngày hôm nay!
Đ.T (ghi)