Nhiếp ảnh gia nổi tiếng "xung đột" về ảnh khỏa thân

29/08/2011 08:07
(GDVN) - Những scandal ảnh "lõa lồ", "thiếu vải" liên tiếp diễn ra có lẽ đang làm méo mó cái nhìn của công chúng về nghệ thuật ảnh nude chân chính.

Khi cầm máy, đứng trước một thân thể nude, các nhiếp ảnh gia luôn ý thức được công việc của mình: đang lưu lại những khoảnh khắc và khoảnh khắc đó có được cho là nghệ thuật hay dung tục tùy thuộc hoàn toàn vào cái tâm và thẩm mỹ, tay nghề của họ.

Nhưng rõ ràng ranh giới giữa cái "nghệ thuật" và "dung tục" là rất mong manh, khó có tiêu chuẩn nào đúng cho hết mọi trường hợp. Thế nên ngay cả những nhiếp ảnh gia nổi tiếng dưới đây khi bàn về ảnh nude cũng có những nội dung, quan điểm hoàn toàn "xung đột" với nhau...

Tác phẩm Tuổi thanh xuân của Duy Anh, giải khuyến khích tại Liên hoan ảnh nghệ thuật TP.HCM năm 1995.
Tác phẩm Tuổi thanh xuân của Duy Anh, giải khuyến khích tại Liên hoan ảnh nghệ thuật TP.HCM năm 1995.
Nhiếp ảnh gia Duy Anh: Quan trọng nhất là ánh sáng

Trong những năm gần đây, khi văn hóa nghệ thuật ở mình cởi mở hơn và tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa nước ngoài khác, nghệ thuật ảnh khỏa thân cũng dần dần được biết đến nhiều và có nhiều cá nhân “mạnh dạn” hơn trong việc chụp và làm người mẫu ảnh. Trong sự phát triển dù còn chậm ấy, cũng có một số tác phẩm ảnh khỏa thân nghệ thuật đẹp, nhiều giá trị biểu cảm về ánh sáng, bố cục tạo hình và tính thẩm mỹ cao.mói đây giải A xuất sắc quốc gia 2010 đã được trao cho tác phẩm ảnh khỏa thân của tác giả Dương Quốc Định.

Tuy nhiên theo tôi, văn hóa Việt Nam vẫn có một nền tảng thuần Á Đông, điều này không phải tính bảo thủ mà là những giá trị văn hóa và đạo đức đã ăn sâu vào tiềm thức con người Việt Nam. Do đó, ảnh khỏa thân nghệ thuật vẫn khó được công chúng đón nhận rộng rãi như những chủ đề khác, bản thân ranh giới giữa “nghệ thuật” và “dung tục” của chủ đề này cũng rất dễ bị xen lẫn và khó nhận định, nên rất dễ gây tranh cãi và thường nhận được những phản ứng gay gắt từ phía người xem.

Nhiếp ảnh gia Duy Anh
Nhiếp ảnh gia Duy Anh
Tôi thích chụp nhiều chủ đề đa dạng, và ảnh khỏa thân nghệ thuật cũng là một chủ đề hay và  “hóc búa”. Tôi cũng từng chụp và đoạt giải trong chủ đề này. Nhưng có lẽ tôi cũng tự nhận mình là người “thuần Á Đông” và cũng hơi “nhát”, nên khi ba cô con gái của tôi trở thành thiếu nữ, tôi suy nghĩ lại, và chắc chắn tôi chẳng cảm thấy dễ chịu chút nào nếu có  nhiếp ảnh gia nào đó chụp con gái tôi, thì ngược lại tôi cũng không nên chụp con gái của người khác. Cũng đã từng có người chụp gặp rắc rối, bị kiện tụng do chụp ảnh khỏa thân ở Việt Nam. Nghệ thuật nhiếp ảnh còn vô số mảnh đất đề tài khác để khai thác, tôi chỉ muốn làm “người nông dân chăm chỉ” cày xới trên mảnh đất giản dị của mình mà thôi.

Thật sự dù mang một “chủ đề nhạy cảm”, nghệ thuật ảnh khỏa thân vẫn không nằm ngoài những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật nhiếp ảnh nói chung, vẻ đẹp của nó nằm ở ánh sáng, bố cục và giá trị tạo hình mà tác phẩm mang tới. Quan trọng nhất vẫn là ánh sáng, bản thân từ “photography” (nhiếp ảnh) là một từ gốc Latin, kết hợp giữa từ “photo” (ánh sáng) và “graphy” (vẽ). Mỗi bức ảnh là một tác phẩm được vẽ bằng ánh sáng. Đây cũng chính là những thước đo cơ bản để nhận định một bức ảnh khỏa thân đẹp, sau đó mới đến yếu tố “lộ” hay không “lộ”.

Nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Dân: Đừng bảo "do đôi mắt người thưởng ngoạn"

Nếu anh là một nghệ sĩ nhiếp ảnh chân chính thì đừng bao giờ chúng ta nói câu: “Một bức ảnh khoả thân có nghệ thuật hay dung tục là do đôi mắt của người thưởng ngoạn”, vì rất vô lý. Tại sao anh không nhận trách nhiệm cái cách anh thể hiện tác phẩm ấy, có dung tục hay không?

Tác phẩm Mồi và cá của Huỳnh Ngọc Dân
Tác phẩm Mồi và cá của Huỳnh Ngọc Dân

Một nhiếp ảnh gia có trình độ thẫm mỹ, chắc chắn không thể nào tạo ra những tác phẩm tồi được. Ranh giới giữa đồi truỵ và nghệ thuật trong một tác phẩm nhiếp ảnh nude, có mong manh hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào cái tâm nghề nghiệp của người nhiếp ảnh.

Tôi nghĩ, riêng lĩnh vực nhiếp ảnh khỏa thân rất là khó, bởi vì lĩnh vực này có một biên giới mong manh giữa cái thiện và ác. Nhiếp ảnh gia phải thăng hoa, để tâm hồn nghệ sĩ của mình lấn át  tất cả những nhục dục tầm thường. Như vậy, người nghệ sĩ mới có thể tạo ra những tác phẩm được gọi là nghệ thuật đúng nghĩa.

Nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Dân
Nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Dân

Khi cầm máy, đứng trước một thân thể trần truồng, các nhiếp ảnh gia nên nhớ đến câu nói của hoạ sĩ tài năng thời Go-ya, thời phục hưng: “Sự trần truồng là một tác phẩm tuyệt mỹ của tạo hóa. Những ý thức tà dâm về sự trần truồng ấy là bản chất của kẻ gian manh”.

Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam: Dung và tục nằm trong tư duy của người xem

Gán cụm  từ ”thuần phong mỹ tục” cho lĩnh vực ảnh nude, tôi e có phần khiên cưỡng, vì làm gì cũng có thể bị “mắng” là vi phạm thuần phong mỹ tục được hết. Làm nghệ thuật mà cứ bị đánh giá một chiều kiểu này sẽ chẳng đi đến đâu, cả người đánh giá lẫn người bị đánh giá đều có những lý lẽ riêng khi làm việc và lý nào thì cũng có phần đúng cả.

Xét ra cho cùng thì  mang thuần phong mỹ tục ra để nói chỉ là một kiểu ngụy biện tùy tiện, dùng được ngay không cần nghĩ ngợi một khi không thích. Có kiểu đánh giá nào hay ho hơn không, chứ kiểu này cũ quá rồi, hết mốt rồi bạn ơi. Nếu cứ hợp thuần phong mỹ tục thì xin thưa, đến cái áo dài ngày nay chúng ta đang mặc cũng đã một thời bị coi là quá sexy đấy ạ!

Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam
Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam
Nhân vật nào tôi từng chụp nude thì xin để dành việc tiết lộ danh tính cho chính nhân vật ấy. Riêng cá nhân tôi, chụp nude luôn là một đề tài khó, muốn làm phải được chuẩn bị kỹ để khỏi bị gán “mác vi phạm thuần phong mỹ tục” như bạn vừa làm. Cảm xúc khi chụp đơn giản là cảm xúc sáng tạo, có nhanh, có chậm, có sai sót và sửa chữa, có thành công và có khi cũng không thu lại được gì. Thành quả thế nào tôi không dám chắc vì cho đến giờ này tôi vẫn giữ những thứ tôi thấy đẹp nhất cho mình. Khán giả riêng của thể loại này, những người có thể xem để thấy đẹp, cảm nhận được cái đẹp, phán xét theo chiều hướng thưởng ngoạn chứ không gắn mác này nọ không nhiều, nếu có mang đi khoe, tôi cũng khoe một cách có chọn lọc.

Quan điểm của tôi là mỗi dòng chảy của nghệ thuật đều có khán giả riêng của nó, ranh giới giữa dung và tục là rất mỏng khi chụp Nude, đường kẻ ấy nằm trong tư duy của người xem nhiều hơn là ngay chính bản thân sáng tạo của người nghệ sĩ. Người xem thường lấy bản thân mình ra làm thước đo rồi đưa ra nhận định, đôi khi rất phiến diện, tôi cho đây là hành động không hay. Khi thưởng thức nghệ thuật nên im lặng mà cảm nhận, đi nhẹ nói khẽ, cười duyên để cho người khác còn có không gian mà thưởng thức, đừng làm phiền người xung quanh bằng những lời lẽ đao to búa lớn.

Từ những lý do đó, tôi cho mọi sáng tạo đều cần được ủng hộ bằng cách cho nó sống đời sống của bản thân nó, được chia sẻ bởi những người hiểu và yêu mến nó, còn không thích nó thì xin mời anh/chị đi tìm cái minh thích mà hưởng thụ, để cho chỗ này đỡ chật.

Sáng tạo của tôi và của những người khác có đời sống  hoàn toàn tách biệt nên nói cho cùng thì chúng chẳng ảnh hưởng gì đến nhau cả.

Lê Ngọc Dương Cầm thực hiện