Phát ngôn sốc của đạo diễn: 'Đừng dại đi tôn thờ nhạc Trịnh'

27/09/2012 10:01
Quốc Khánh
(GDVN) - Đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh được xem là người khá đa năng trong giới nghệ thuật và có phần "lập dị". Ngoài vai trò đạo diễn, Anh Khanh còn là một nhà sản xuất, nhạc sỹ, diễn viên của không ít bộ phim có tiếng.
Nhân dịp ca sỹ Khánh Ly được cấp phép về nước biểu diễn, đạo diễn Anh Khanh đã có buổi trò chuyện với Giaoduc.net.vn về nhạc Trịnh, và thật bất ngờ anh đưa ra quan điểm có thể khiến người yêu Trịnh Công Sơn nổi giận. Trong khi số đông nhìn nhận về nhạc Trịnh với con mắt ngưỡng vọng, có phần sùng kính thì quan điểm của đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh hoàn toàn trái ngược.

“Tình Cha” là một bộ phim chính thống, tâm lý xã hội, tính nhân bản và nhân văn của tác phẩm được đặt lên hàng đầu.
“Tình Cha” là một bộ phim chính thống, tâm lý xã hội, tính nhân bản và nhân văn của tác phẩm được đặt lên hàng đầu.

- Trong âm nhạc, có lẽ anh cũng là một người kỹ tính tính đến mức “tẩy chay” nhạc Trịnh như trong một bài phỏng vấn gần đây?


Tôi không tẩy chay nhạc Trịnh. Tôi chỉ muốn nói lên một góc nhìn khác của tôi về nhạc Trịnh và tôi muốn sự sùng bái tác phẩm phải đi đúng hướng… Nếu tác phẩm có giá trị thực sự thì cứ để nhiều luồng ý kiến tương tác, thậm chí cả công kích. Tôi yêu sự khác biệt và tôi luôn tôn trọng điều đó. Người Mỹ có câu “không một ý kiến nào là ngu xuẩn cả” cho nên văn hóa đó đã tạo ra nước Mỹ bây giờ!

- Trong một bài viết anh có cho rằng "Nhạc Trịnh ảnh hưởng xấu đến thần kinh người nghe". Bây giờ anh có còn giữ quan điểm đó?


Cho đến nay, tôi chưa thấy có một lý do nào thuyết phục tôi phải từ bỏ quan điểm đó cả. Thực chất, đó chỉ là ý kiến của cá nhân tôi. Nhạc Trịnh chỉ dừng lại ở mức độ hay, phù hợp ở một thời cuộc nào đó và rất hợp với thẩm mỹ nghe nhạc của đại đa số người Việt chúng ta. Nhưng giai điệu, tiết tấu và ca từ của nhạc Trịnh đa phần là sự bi lụy, ai oán về thân phận… Nếu là tác phẩm lớn luôn phải chứa đủ ba yếu tố (tư, tứ, tự), trong cái tư, tứ, tự đó thì cái “tư” tức là cái tư tưởng phải đi đầu… nhưng tư tưởng của Trịnh thì luôn luôn hướng đến cho người nghe sự chấp nhận, cam chịu số phận nhiều hơn. Tính từ bi trong nhạc Trịnh cũng chỉ là sự kêu gọi hời hợt, không có đường dẫn, không có con đường… đôi khi sẽ làm cho một số người bị lạc lối đời sống, mù mờ về vũ trụ nhân sanh. Và xin thưa, ý kiến của tôi cũng nằm ở góc độ tương đối mà thôi!

- Người yêu nhạc Trịnh theo thường coi nhạc sỹ là “bạn”, vì tìm đến khi tâm tư chất chứa chứ có thờ đâu. Anh lại bảo người ta “thờ” nhạc Trịnh, có vẻ anh không hiểu nhạc Trịnh lắm và hay chỉ cố phát biểu sốc để gây chú ý?


Tôi thấy có ảnh hưởng thì tôi cảnh báo, người nào không bị ảnh hưởng thì thôi, nghĩa là thần kinh người đó tốt, vững, tri thức người đó có nền tảng… Còn có một số người thấy tôi nói đúng thì theo. Thời buổi này tự do bày tỏ quan điểm mà, đúng không? Cũng là ý kiến cá nhân thôi… Tôi nghĩ, nên tôn trọng sự khác biệt và cũng nên tôn trọng những góc nhìn không đồng thuận, có như vậy xã hội mới văn minh! Không có văn hóa đám đông, không có văn hóa một chiều trong tư duy và suy luận…

Tôi nghe rất nhiều nhạc Trịnh và đa phần thì hơi mệt và nặng nề quá
Tôi nghe rất nhiều nhạc Trịnh và đa phần thì hơi mệt và nặng nề quá

- Ở Việt Nam hiện nay, có hàng triệu người nghe và cũng đến con số triệu người yêu nhạc Trịnh. Thế mà anh lại nói người yêu nhạc Trịnh là ủy mị… Anh không sợ hàng triệu người “ném đá”?

Số đông chưa hẳn đã đúng! Nhân loại này cũng bao nhiêu phen chạy theo những chủ nghĩa và tư tưởng mà sau này bị đạp đổ rồi còn gì! Và một khi tôi đã quyết nói lên chính kiến của mình thì phải chấp nhận sự phản kháng, những người ném đá không phải những người trượng phu nên tôi không sợ. Còn ai có phản kiến thì cứ bày tỏ quan điểm đường hoàng giống tôi, nếu họ nói hay chắc chắn tôi phải nghe theo!

- Anh đã nghe bao nhiêu bài của Trịnh? Anh thích nhất bài nào hay không thích bài nào? Nói một cách chân thành thì những lúc buồn sầu, mềm yếu, anh có tìm đến nhạc Trịnh, hay là tìm đến rượu hoặc thứ gì khác?


Tôi nghe rất nhiều nhạc Trịnh và đa phần thì hơi mệt và nặng nề quá (như tôi đã nói trên)! Cũng có nhiều ca khúc của Trịnh mà tôi thích vì tư tưởng trong sáng, khoáng đãng như: Hạ trắng, Diễm xưa, Để gió cuốn đi. Còn khi buồn hay sầu thì tôi ngồi “Thiền” hoặc đi dạo, du lịch… chẳng việc gì phải nghe nhạc Trịnh hay uống rượu cả. Tôi không phải tuýp người mượn chất men để xua đi nỗi buồn.

- Theo quan điểm của anh thì hầu hết tín đồ nhạc Trịnh bây giờ đều “hỏng tâm hồn”. Vậy theo anh họ nên làm gì để họ có thể “bình thường” trở lại? Đập đĩa nhạc Trịnh, tẩy chay các quán café Trịnh, hay… “hỏng hẳn không thể cải tạo”?


Ý kiến của tôi là mang tính tương đối, mọi thứ tùy thuộc vào căn cơ và cơ địa của mỗi người. Không có ý kiến nào đúng hoặc sai hoàn toàn cả, hãy xem như đó là một góc nhìn mới để tham khảo, còn dung nạp hay lĩnh hội nhiều hay ít tùy thuộc vào mỗi người, tôi chỉ đóng vai trò một người biết chia sẻ về góc nhìn của mình mà thôi… và chấp nhận bị ném đá!

- Nhạc Trịnh có cái gì “được” cho người nghe không?

Cái được thì mọi người đã tung hê mấy thập kỷ qua rồi, tôi mà nói nữa sẽ dư!

- Theo đánh giá của anh thì ai hát nhạc Trịnh “được” nhất? Dở nhất là ai? Không thích nhạc Trịnh anh thích nghe loại nhạc gì? Anh có thích giọng hát của Mỹ Linh, Thanh Lam hay Hồng Nhung không?

Ai hát nhạc Trịnh tôi thấy đa phần khi nghe cũng mệt cả, chỉ một vài bài khi nghe thì thấy tâm hồn mình thoải mái mà thôi, nhưng rất ít!

Ai hát nhạc Trịnh tôi thấy đa phần khi nghe cũng mệt cả
Ai hát nhạc Trịnh tôi thấy đa phần khi nghe cũng mệt cả

Còn tôi, tôi rất yêu âm nhạc và tôi nghe rất nhiều loại nhạc ngay cả trong và ngoài nước. Phần đánh giá của tôi về ba giọng ca Mỹ Linh, Thanh Lam và Hồng Nhung là như thế này: Ba giọng ca này điều là ba giọng ca đẹp và đầy nội lực của Việt Nam. Nhưng tôi lại thích nghe cả ba giọng ca này lúc họ ở trên đỉnh của sự nghiệp cách đây khoảng mười năm… còn những năm gần đây phong độ của họ vẫn tốt, nhưng họ không có thứ gì để họ tỏa sáng hơn. Tôi nghĩ, đó cũng là quy luật trăng tròn rồi lại khuyết vậy thôi.

- Anh đánh giá như thế nào về sự trở về của Khánh Ly lần này? Ở tuổi gần thất thập “cổ lai hy”, liệu Khánh Ly có thể ghi được điểm trong mắt người nghe ở nước ta?

Cô Khánh Ly là một ca sĩ tầm cỡ của Việt nam. Ở trường hợp của cô Khánh Ly mà lại quyết định về nước hát ở độ tuổi này thì tôi cho là, quyết định này không mấy sáng suốt trong sự nghiệp ca hát của cô. Tôi chỉ đáng tuổi con cháu của cô thôi, nhưng tôi chia sẻ những điều mình thấu hiểu được. Theo tôi, cô Khánh Ly nên về nước và hát giao lưu một vài bài, rồi kêu gọi quyên góp tiền bạc và đi làm từ thiện là hay nhất. Đến tuổi này rồi cô nên lấy tiếng tăm của mình làm những việc có ý nghĩa và lớn lao hơn. Hãy dừng trên đỉnh của sự nghiệp!

- Bộ phim truyện nhựa “Tình cha” được khởi quay từ 2010 đến nay vẫn chưa xong. Có vẻ anh là người làm phim “chậm” so với tốc độ làm phim hiện nay. Anh là người kỹ tính hay còn vì nguyên nhân nào khác?

Bộ phim truyện nhựa “Tình Cha” tôi đã hoàn thành khá lâu, nhưng xét thấy thị trường phim hiện nay chưa hợp lắm cho việc phát hành bộ phim này. Hiện nay thị trường đang hưởng ứng mạnh dòng phim giải trí, hài hước và cả những phim gợi dục mang nhiều cảnh nóng… “Tình Cha” là một bộ phim chính thống, tâm lý xã hội, tính nhân bản và nhân văn của tác phẩm được đặt lên hàng đầu, cho nên tôi e rằng phát hành “Tình Cha” trong giai đoạn này chắc chắn sẽ khó thắng.


- Xin cám ơn anh!

Quốc Khánh