Quốc Trung bị "ném đá" tơi tả trong Giai điệu tự hào

01/06/2014 18:23
Theo Tâm Giao (VnExpress.net)
Nhạc sĩ bị các khách mời bình luận "ném đá" không thương tiếc về phần dựng bài thiếu nhi nổi tiếng trong "Giai điệu tự hào", tối 31/5.

Xuất hiện trên sân khấu "Giai điệu tự hào", rocker Hải Bột - cựu thành viên nhóm nhạc Quái vật Tí Hon thể hiện không thành công ca khúc Đi học. Tiết mục của anh được cả dàn dây hùng hậu hỗ trợ. Anh hát với chất giọng khàn nhẹ. Những nốt luyến láy cuối câu: "Hương rừng thơm đồi vắng", "Cọ xòe ô che nắng" bị lạc mất hẳn. Những câu "Nước suối trong thì thầm" hát thành "Nước suối trong thầm thì" hay "Trường của em be bé nằm lặng giữa rừng cây", Hải Bột hát "nằm ở giữa rừng cây". Chính những điều này đã gây ra phản ứng khá gay gắt của hai hội đồng khách mời bình luận.

Nhạc sĩ Quốc Trung giải thích về dàn dựng tiết mục "Đi học" trước khán giả.
Nhạc sĩ Quốc Trung giải thích về dàn dựng tiết mục "Đi học" trước khán giả.

Phó giáo sư Nghệ thuật học - Nguyễn Thị Minh Thái là người mở màn phần bình luận: "Tôi cho là bài hát này vừa hát sai mà lại vừa dựng sai. Hát sai là một ông đàn ông với chất giọng như thế làm lạc mất chủ đề và làm hỏng giai điệu của bài hát. Đi học là nhạc phẩm vốn rất êm đềm, chỉ cần một guitar gỗ nhỏ thôi với một cô gái nhỏ xinh hát bằng giọng soprano thì cực kỳ hay. Còn giọng ông đàn ông như thế không lên hết tinh thần âm nhạc của bài hát và có phần xúc phạm đến tai của người từng nghe bài này”.

Ngay lập tức, một số khán giả lớn tuổi tại trường quay tự đệm kèn harmonica, đồng thanh hát bài Đi học để chứng minh rằng hát bài này theo kiểu cũ mới hay.

Đồng tình với bà Minh Thái, khách mời - biên kịch Phan Thanh Tú chia sẻ: "Tôi thấy bài này hát phải hơi nhanh, trong sáng, vui tươi nhưng bè đệm của tiết mục quá sang trọng, trầm hùng biến nó như một nỗi đau. Ca sĩ hát sai, không thể hiện được hết những nốt luyến láy. Tôi nghĩ ý đồ của nhạc sĩ trong tiết mục này chưa thành công".

Nhà văn Trần Thị Trường có ý kiến trái ngược: "Rất nhiều tác phẩm kinh điển của Mozart, Betthoven được làm mới bằng các dàn nhạc khác nhau với bản tổng phổ khác nhau. Bài hát cũ hát theo kiểu cũ cũng hay tuyệt vời, nếu thể hiện theo kiểu mới cũng đáng để cho chúng ta nghe. Nghệ thuật nếu cứ nằm yên một chỗ thì nghệ thuật chỉ có một ký ức thôi, tai nghe sẽ không đa dạng".

NSND Thanh Hoa cho rằng muốn sáng tạo sao cũng được miễn là phải trân trọng tác phẩm đó tức là người hát nên đúng lời và đúng nhạc.

Cuộc tranh luận gay gắt tới mức, nhạc sĩ Quốc Trung phải dời bàn điều khiển âm thanh trong hậu trường. Anh bước lên sân khấu để giải thích về ý đồ dàn dựng ca khúc.

Nhạc sĩ cho biết: "Mọi người nghe bài Đi học này chắc sẽ thấy lạ vì tôi đã đổi nhịp của ca khúc từ 2/4 sang nhịp 3/4. Là một người làm âm nhạc, tôi biết rõ phải tôn trọng nốt nhạc như thế nào. Tôi trân trọng tác phẩm đồng thời cũng muốn tiếp nối đời sống của ca khúc. Tôi không hướng tới các khán giả lão thành bởi vì các vị đã nghe bài hát ấy 40 năm rồi. Tôi muốn các khán giả trẻ cảm nhận và thích thú để bài hát ấy tiếp tục tồn tại. Đó là lý do tôi bắt ca sĩ hát khác đi ở lần thứ hai và nếu đấy là lỗi thì tôi sẽ xin lỗi nhạc sĩ và sẽ chịu những sai sót".

Ca sĩ Hải Bột thể hiện ca khúc "Đi học" sai nhạc, lời.
Ca sĩ Hải Bột thể hiện ca khúc "Đi học" sai nhạc, lời.

Quốc Trung tự tin về phần dàn dựng của mình: "Mọi người nói rất nhiều về chuyện thế hệ trước và thế hệ sau không có áp đặt thì hôm nay chính các vị đang rất mâu thuẫn. Trong nghệ thuật cũng như trong đời sống không có cái gì gọi là một hình mẫu. Một tác phẩm nghệ thuật phải được dàn dựng, biểu diễn với rất nhiều các cách khác nhau. Không có một hình mẫu biểu diễn nào gọi là duy nhất cho một bài hát".

Dù giám đốc âm nhạc đã lên tiếng giải thích, khán giả tại trường quay cũng không đồng tình và bình chọn tiết mục này với tỷ lệ thấp 61,31%.

Cũng trong tập phát sóng này, Quốc Trung nhận được phản hồi tích cực trong phần dàn dựng các ca khúc Đưa cơm cho mẹ đi cày qua tiếng hát Mỹ Anh - Mỹ Linh. Bằng chất giọng trong veo, con gái diva đã dễ dàng tái hiện lại hình ảnh cô bé con lon ton trên bờ đê đi đưa cơm cho mẹ. Nhận được 85,91% bình chọn, đây là tiết mục được các khán giả tại trường quay yêu thích nhất.

Giọng ca nhí Vũ Song Vũ (phải) và Tiến Quang.
Giọng ca nhí Vũ Song Vũ (phải) và Tiến Quang.

Vũ Song Vũ cùng Tiến Quang đã thay đổi hẳn ngôn ngữ kể chuyện trong tác phẩm Lỳ và Sáo của nhạc sĩ Văn Chung bằng chất nhạc hiện đại. Ca khúc này cũng châm ngòi cho cuộc tranh luận gay gắt từ hai hội đồng khách mời bình luận.

Nhiếp ảnh Na Sơn và nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho rằng dù tác phẩm này rất hay nhưng không nên phổ biến với giới trẻ mà nên giới hạn phạm vi biểu diễn ca khúc ở không gian nghệ thuật nhất định. Lớp trẻ, nhất là các em thiếu niên nhi đồng, mà nghe những câu chuyện về bạo lực, về giết người như thế này thì không hay.

Tuy nhiên, Xuân Bắc lại có quan điểm trái ngược hoàn toàn. Anh chia sẻ cách dạy con mình: "Khi cần bảo vệ cho điều gì đó mà mình cho là lẽ phải thì phải đánh cho quân địch không kịp trở tay thay quần áo. Không thể nhầm giữa khái niệm tương thân tương ái, giúp đỡ người yêu người với việc đấu tranh được".

Theo Tâm Giao (VnExpress.net)