'Sau suốt 8 năm, các nhạc sĩ đã bắt đầu phẫn nộ'

18/02/2012 06:00
Hoàng Lâm
(GDVN) - Trước phản hồi của Cục nghệ thuật biểu diễn về quyền tác giả âm nhạc, Giaoduc.net.vn đã gặp nhạc sĩ Phó Đức Phương để làm rõ hơn vấn đề này.
- Phía Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa qua đã khẳng định rằng không nhận được thông tin về việc ngày 16/2 đã có gần 40 nhạc sĩ họp mặt “tố” Cục “tiếp tay” cho các bầu show quỵt tiền tác quyền? Thực hư chuyện này như thế nào?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Hiện tại, tất cả tiếng nói của tác giả âm nhạc đã trao cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả (VCPMC) xử lý. Trong đó, VCPMC đã gửi rất nhiều các văn bản đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Ban Tuyên giáo… về vấn đề tác quyền trong suốt 8 năm qua. 
Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong buổi họp mặt gần 40 nhạc sĩ ngày 16/2 vừa qua
Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong buổi họp mặt gần 40 nhạc sĩ ngày 16/2 vừa qua
Đặc biệt, khi Bộ VHTTDL họp tổng kết 6 năm thực hiện quy chế 47 của Chính Phủ, Trung tâm cũng đã đứng ra nói rất rõ về vấn đề này rồi. Trung tâm đã đi lại không biết bao nhiêu lần để gửi các văn bản về chuyện tác quyền. Thậm chí, đã có lần Bộ VHTTDL giao cho Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn triệu tập cuộc họp nghe ý kiến của Trung tâm một lần nữa...

- Cục nghệ thuật biểu diễn cho rằng mình đã làm đúng quy định của pháp luật. Nhạc sĩ nghĩ thế nào?

Thực tế, Quy chế 47 ra đời trước khi có Luật sở hữu trí tuệ, nên đã tạo ra một khe hở do không phù hợp.
Trong Luật sở hữu trí tuệ có nói rõ rằng khi các cá nhân và tổ chức xã hội muốn sử dụng tác phẩm của các nhạc sĩ tức, là sử dụng tài sản riêng của công dân, thì phải xin phép và trả tiền tác quyền. 
Tuy nhiên, Cục nghệ thuật biểu diễn tìm mọi cách để nói rằng quy chế số 47 không nói rõ việc cấp phép công diễn phải có kèm hồ sơ đã xin phép tác giả nên họ làm như thế không có gì sai. Các nhạc sĩ bức xúc trong suốt 8 năm nay, đến thời điểm hiện tại đã bắt đầu phẫn nộ.
Các nhạc sĩ ký vào đơn "tố" Cục Nghệ thuật biểu diễn ngày 16/2 - Ảnh: NLD
Các nhạc sĩ ký vào đơn "tố" Cục Nghệ thuật biểu diễn ngày 16/2 - Ảnh: NLD
Nếu Cục biểu diễn thực lòng muốn hỗ trợ thì chỉ việc căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ là có quyền yêu cầu các đơn vị đăng ký biểu diễn trước khi xin cấp phép đã thực hiện nghĩa vụ luật pháp chưa? Nếu có hợp đồng tác quyền rồi thì mới cấp phép. Đó là một trong những điều kiện cần thiết.
Nhưng Cục cứ cố ý căn cứ vào văn bản quy chế 47 thực tế chưa thể hiện đúng tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ, vì quy chế ra đời trước khi Luật Sở hữu trí tuệ được áp dụng. Cục nghệ thuật biểu diễn là một cơ quan nhà nước lại cố tình làm như vậy chứng tỏ một thái độ thiếu trách nhiệm. 

- Thưa nhạc sĩ, như vậy, trong suốt thời gian qua, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đã không nhận được tiền tác quyền? 

Chúng tôi chỉ thu được 5 - 6% còn trên 90% họ “trốn biệt” không chịu đóng tiền tác quyền. Các đơn vị biểu diễn chỉ căn cứ vào việc được đóng dấu biểu diễn mà lờ đi quyền tác giả. Rõ ràng Cục biểu diễn đã hợp thức hóa hành động không đúng luật, vì Cục không có quyền cho phép các đơn vị sử dụng tài sản âm nhạc của các nhạc sĩ khi chưa xin phép theo Luật sở hữu trí tuệ. 
Chúng tôi cũng đã từng có cuộc họp với những người tiền nhiệm của Cục nghệ thuật biểu diễn về vấn đề này, nhưng phía Cục vẫn chưa hiểu ra vấn đề. 

- Vấn đề tác quyền ở Hà Nội đang rất nóng bỏng nhưng TP. HCM lại làm rất tốt? Vậy theo ông nguyên nhân từ đâu thưa nhạc sĩ?

Sự khác biệt ở đây đó là ở TP HCM họ căn cứ vào tinh thần cơ bản của Luật sở hữu trí tuệ và họ đã đưa ra từ vài năm nay rồi. 
Ở TP HCM bất kể hoạt động biểu diễn nào, từ karaoke, thu đĩa, xuất bản đĩa... Sở VHTTDL đều yêu cầu anh đã xin phép tác giả chưa? Nếu xin phép rồi mới xem xét đến các điều kiện khác. Còn ở Hà Nội, những điều trên là hoàn toàn không có!

- Nhiều nguồn tin cho rằng Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đang thu tiền tác quyền quá “cao”. Vậy mức “trần” thu tiền tác quyền hiện nay là bao nhiêu thưa nhạc sĩ?

Thực ra không có một mức cố định nào cả vì tùy quy mô biểu diễn. Có khi một bài hát chỉ 20.000 – 30.000 đồng nhưng cũng có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhà nước đã quy định phải trả cho tác giả từ 15 – 21% tiền doanh thu của show diễn. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ xin nhận 5% của… 75% số ghế được bán ra vì còn nhiều đối tượng khác trong một chương trình được nhận tiền như đạo diễn, ánh sáng, hòa âm phối khí… Con số 5% tôi cho rằng rất khiêm tốn và khoa học nhưng Trung tâm vẫn không được nhận đủ, thậm chí lại còn cho rằng chúng tôi đòi quá nhiều hay cao quá.

- Để giải quyết khúc mắc về chuyện xin phép và trả tiền tác quyền, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc có hướng xử gì trong thời gian tới, khi Cục nghệ thuật biểu diễn vẫn giữ quan điểm như đã trả lời báo chí?

Chúng tôi không yêu cầu khắt khe dù trong luật là phải xin phép và thỏa thuận với nhau trong điều khoản hợp đồng. Nhưng cái quan trọng nhất là phải… xin phép trước, còn chuyện trả tiền có thể trong bất kì thời điểm nào tùy theo thỏa thuận hai bên.

- Nghe nói, phía Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc quyết định sẽ làm “ra ngô ra khoai” và sẽ mời cả luật sư để đòi lại quyền lợi cho Hội nhạc sĩ trong thời gian tới? Chuyện này có thật không thưa nhạc sĩ?

Chúng tôi chưa tính đến việc đó. Trước hết, Trung tâm sẽ cố gắng đấu tranh hết sức để đòi quyền lợi cho các nhạc sĩ.

- Xin cám ơn nhạc sĩ!

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã nói rằng trong tất cả những quy định của pháp luật về vấn đề cấp phép biểu diễn ca múa nhạc thì trong thủ tục hồ sơ “không cần phải chứng minh đóng bản quyền” cho nên tất cả cơ quan quản lý cấp phép hiện nay vẫn đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. "Nếu chỉ quy định có bản quyền tác giả tác phẩm âm nhạc mới được cấp phép thì trái với quy định. Hiện tại cá nhân tôi vẫn chưa nhận bất cứ thông tin nào từ việc các nhạc sĩ phản ứng bị mất quá nhiều tiền như quý báo đề cập cả", ông Phó Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đình Thắng cho biết.

Hoàng Lâm