Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nói gì về siêu dự án tâm linh ở Chùa Hương?

25/12/2018 15:59
Đỗ Thơm
(GDVN) - Ông Trần Ngọc Nam cho biết dự án mà doanh nghiệp Xuân Trường đề nghị có diện tích hơn 1.000 ha.

Ngày 25/12, tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã báo cáo kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FĐI) và cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, Thành phố đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 7,501 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017.

Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã cấp phép cho 616 dự án mới, vốn đầu tư đăng ký mới là 5,03 tỷ USD.

Ông Trần Ngọc Nam trả lời báo chí. Ảnh: Đ.T
Ông Trần Ngọc Nam trả lời báo chí. Ảnh: Đ.T

Tại cuộc họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi với đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư về đề án khu du lịch tâm linh Hương Sơn (Hà Nội) được doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được hồ sơ đề án chưa? Cụ thể thông tin về đề án ra sao?

Ông Trần Ngọc Nam - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhà đầu tư Xuân Trường có đưa ra một đề án.

“Chúng tôi đã đọc đề án này rồi. Khu vực này không chỉ có riêng Xuân Trường đầu tư vào.

Hiện nay, ở khu vực này, có 3 - 4 dự án được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chấp thuận. Trong đó có cả về tâm linh, cáp treo liên quan đến cả Hòa Bình và Hà Nội”, ông Nam cho biết.

Ông Trần Ngọc Nam thông tin, doanh nghiệp Xuân Trường đề nghị hơn 1.000 ha, trong đó có gần 400 ha chồng lấn lên nhau với các dự án đi trước.

Phần chồng lấn lên thì như thế nào, Ủy ban Thành phố đã có yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư họp lại với các nhà đầu tư với nhau.

Trong quá trình đó phải xây lại một quy hoạch tổng thể. Để chúng ta đầu tư một khu vực tâm linh khai thác vẻ đẹp của Hương Sơn.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, ông hiểu mục đích của doanh nghiệp Xuân Trường thu lợi là một phần, ông Nguyễn Văn Trường mong muốn tạo cảnh quan đẹp cho Hà Nội để 4 - 5 năm tới trở thành di sản thế giới.

“4 – 5 năm sau có thể trở thành Di sản thế giới là hơi quá.

Chúng ta đều biết để trở thành Di sản thế giới không phải đơn giản nhân tạo mà được”, ông Nam nhận định.  

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, các nội dung mang tính chất liên quan hiện Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cùng với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, các nhà đầu tư trao đổi để xây dựng một quy hoạch tổng thể khu vực này, làm cơ sở cho các nhà đầu tư thực hiện.

“Với nhà đầu tư Xuân Trường, hiện chưa có cụ thể ở khu vực nào, tiến độ tổ chức thực hiện ra sao.

Ý mong muốn của Xuân Trường là cho doanh nghiệp thực hiện toàn bộ khu vực này và ông Trường chỉ mất 5 -7 năm là có thể tổ chức thực hiện được”, ông Nam cho biết.

Đỗ Thơm