Tết này chưa chắc em về được...

04/02/2019 06:09
NGUYỄN VĂN KHÁNH
(GDVN) - "Xuân tha phương" của Nguyễn Bính đã đi vào lòng người đọc một cách rất đời thường bởi nó đã đồng cảm được mọi tâm trạng của những người xa quê trong dịp Tết.

Đã từ lâu rồi, tôi yêu và thuộc rất nhiều thơ của Nguyễn Bính. Yêu thơ ông, bởi hồn thơ dung dị, chân thành mà câu chữ vô cùng giản đơn như những lời ăn, tiếng nói trong cuộc sống đời thường.

Yêu cái không gian Bắc Bộ với thôn Đông, thôn Đoài, với những bãi mía, nương dâu. Yêu cả những cái ghen vô cớ, những cái nhớ vô tình. Yêu từ dậu mùng tơi trước nhà, bông hoa cỏ may, chú bướm vàng, cánh diều lững lơ bay …

Đặc biệt, đối với những người như tôi đang công tác xa quê hương, mỗi khi Tết đến, xuân về không thể về quê được thì tôi lại nhớ đến bài thơ Xuân tha phương của ông.

Cái tình và nỗi lòng của Nguyễn Bính đã vượt qua được không gian, thời gian để hòa vào trong nỗi lòng của bao kẻ xa quê nên bài thơ đã lay động được tâm can của nhiều thế hệ bạn đọc suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Bài thơ Xuân tha phương đã chiếm trọn cảm tình của bạn đọc ( Ảnh minh họa: Báo Công an Nhân dân)
Bài thơ Xuân tha phương đã chiếm trọn cảm tình của bạn đọc ( Ảnh minh họa: Báo Công an Nhân dân)

Xa quê- nỗi buồn đã luôn bủa vây ngày tháng, thế nhưng, nỗi buồn ấy còn được nhân lên gấp bội phần khi nhìn những cành hoa mai của đất trời phương Nam bắt đầu khoe sắc vàng rực rỡ trước nắng.

Nỗi lòng của những người xa quê sẽ không bao giờ nguôi ngoai về nỗi nhớ quê hương của mình nơi xứ Bắc.

Nơi ấy, có biết bao người thân yêu của mình đang chờ đợi, nơi ấy có biết bao những kỷ niệm thân yêu của thuở thiếu thời. Những hạt mưa xuân vương vương trong ký ức, những cành đào nghiêng nghiêng chớm nở phơn phớt hồng trong cái lạnh chiều đông.

Càng nhớ quê hương trong những ngày cận Tết thì càng yêu bài thơ Xuân tha phương của Nguyễn Bính. Lúc này đây, đọc bài thơ của ông như thấm thía từng cầu chữ vậy.

Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng 

Mặc dù bài thơ này tác giả gửi về cho chị Trúc- một người chị mà Nguyễn Bính đã nhắc đến nhiều lần trong những sáng tác của mình. Dù vậy, đọc bài thơ này ta vẫn cảm thấy đồng điệu vô cùng với những người xa quê.

Mở đầu bài thơ, thi sĩ nói rằng “chưa chắc em về được” thế nhưng ngay câu kế tiếp là sự thông báo về một thông điệp “em gửi về đây một tấm lòng”.

Nhớ chị, nhớ quê hương nhưng và chắc chắn sẽ buồn lắm khi đón mùa xuân nơi xứ người, bởi: “Chén rượu tha hương, trời: đắng lắm” nhưng biết làm sao được?

Tết này chưa chắc em về được... ảnh 2Xuân về nhớ Nguyễn Bính, mỉm cười cùng vần thơ

Cuộc đời Nguyễn Bính chứa nhiều đau khổ, lận đận, lớn lên lại tha phương khắp nơi nên những vần thơ của ông cũng luôn sầu não, cô đơn và nhiều nỗi niềm.

Chỉ còn vài ngày nữa là hết mùa đông, nhìn mọi người sắm Tết mà lòng bâng khuâng quá đỗi.

Này đây: những câu đối, giấy hồng, phiên chợ Tết… khiến cho tác giả chạnh lòng thương cảm cho hoàn cảnh của chính mình nơi xứ người bằng những lời cảm thán, buồn tênh:

Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết 
Một mình em vẫn cứ tay không 
Vườn nhà Tết đến hoa còn nở 
Chị gửi cho em một cánh hồng

(Tha hương chẳng gặp người tri kỷ 
Một cánh hoa tươi đã lạnh lòng) 

Đọc thơ Nguyễn Bính, người đọc thường thấy cái nghèo luôn đeo bám và ta còn thấy cả sự cô đơn luôn ẩn nấp trong từng câu chữ của thơ ông.

Sự so sánh của tác giả khiến ta cảm thấy một nỗi buồn gần như luôn thường trực bởi khi mà "Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết" còn đối với Nguyễn Bính vẫn đang trong cảnh "Một mình em vẫn cứ tay không” nó chất chứa rất nhiều nỗi niềm riêng.

Sự đối lập này cho ta thấy tác giả như đang rơi vào trạng thái cô đơn bởi cảnh “tha hương chẳng gặp người tri kỷ” khiến cho ông như đang thu mình lại để sống để vui buồn nơi xứ lạ.

Tiếp theo những câu thơ về sau ta lại bắt gặp câu thơ cảm thán khi nhớ về Tết quê nhà một cách quay quắt. Hình như những cái Tết quê đã ám vào ức của bao người xa quê vậy. Tết đến mà xa quê tâm trạng càng não nề, càng nhớ về quê hương da diết và Nguyễn Bính cũng không phải là trường hợp ngoại lệ:

Chao ơi, Tết đến em không được 
Trông thấy quê hương thật não nùng 

Rồi Nguyễn Bính như tự trách mình, trách cuộc đời đã “mắc duyên” cùng bút mực mà có lần ông đã từng viết trong một bài thơ khác: “Mẹ hiền mất sớm trời đàu làm thơ” nên cuộc đời nhiều long đong, sóng gió.

Những nhà thơ từ xưa đến thời Nguyễn Bính có ai giàu có gì đâu, cái nghèo như đã vận vào đời những thi nhân của chúng ta rồi nên ta thấy tác giả như đang tự trách mình:
Ai bảo mắc duyên vào bút mực 
Suốt đời mang lấy số long đong

Người ta đi kiếm giàu sang cả 
Mình chỉ mơ hoài chuyện viễn vông 

Tết này chưa chắc em về được... ảnh 3Nỗi nhớ Tết quê hương da diết của những đứa con xa nhà

Sự tự trách mình của Nguyễn Bính cũng vô cùng đáng yêu.

Ông đưa ra nguyên nhân lựa chọn của mình trước rồi mới dẫn đến kết quả bây giờ sau.

Tại vì cuộc đời thi nhân đã “mắc vào duyên bút mực” nên giờ đây phải mang “số long đong” âu cũng là lẽ thường tình...

Ông lại so sánh khi mọi người đi tìm kiếm “giàu sang” còn mình chỉ mơ toàn những “chuyện viễn vông” cho nên khi Tết đến nơi xứ người tác giả như tự an ủi chính mình.
Tết này, ồ thế mà vui chán 
Những một mình em uống rượu nồng

Nhà thơ thì uống rượu với bạn bè mới thú, mới tức cảnh sinh tình, mới hàn huyên câu chữ. Vậy mà Nguyễn Bính uống rượu một mình, tự giễu cợt mình…

Tuy nhiên, ta thấy từ trong cõi lòng, Nguyễn Bính đang cô đơn, hình như ông đang muốn mượn những chén rượu giải sầu, để đẩy đưa câu chuyện:

Chị ơi, Tết đến em mua rượu 
Em uống cho say đến não lòng 

Ta thấy tác giả không chỉ có nỗi buồn tha phương mà nỗi buồn trong ông như đã luôn có sẵn. Ở đây, hình như không chỉ buồn nhớ Tết quê nhà mà còn có cả những tình duyên dang dở. Bởi trong bài thơ Xuân tha phương này ta vẫn bắt gặp loáng thoáng hình ảnh một người con gái nào đó trong thơ:

Thôi em chẳng dám đa mang nữa

Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc

Chắp nối nhau hoài cũng uổng công!

Trong men rượu, trong rất nhiều nỗi niềm riêng tư đó, ta thấy bật lên cả những câu thơ chua chát đến tận cùng nỗi đau của ông:

Hàng trăm con gái đời nay ấy

Đừng nói ân tình với thủy chung

Một nỗi thất vọng và hình như cả mất niềm tin, sự trách móc người con gái mình yêu nữa. Nhưng tác giả Nguyễn Bính lại trở lại chính mình. Cứng rắn, bản lĩnh để tự tin nhìn về phía trước và hy vọng:
Xuân đến cho em thêm một tuổi 
Thế nào em cũng phải thành công

Và, ta thấy tác giả như đang tự hứa với chính mình để tự khẳng định bản thân. Buồn đó nhưng bản lĩnh đối diện, bản lĩnh để vui cùng cái vui thiên hạ. Cho nên sự so sánh tiếp theo của Nguyễn Bính vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Xa nhà xa chị tuy buồn thật 
Cũng cố vui ngang gái được chồng

Thời Nguyễn Bính sống tất nhiên có những khó khăn riêng bởi đói nghèo, sự dịch chuyển của xã hội cũ sang xã hội mới, rồi có những lúc đất nước chia đôi. Chính hoàn cảnh như vậy, cộng thêm những trắc ẩn của cuộc đời nên thơ ông thường thấm đẫm một nỗi buồn rất riêng.

Song, điều mà nhiều nhà thơ cùng thời không có được là dù cho đến bây giờ, xã hội đã có nhiều thay đổi nhưng người ta vẫn yêu da diết những vần thơ chân quê chất phác của ông.

Ở đó, không chỉ là sự thật thà đáng yêu mà dù ở đâu đi chăng nữa thì bao giờ Nguyễn Bính cũng luôn dành trọn nỗi nhớ của mình cho quê hương thân yêu của mình.

Chính vì thế, bài thơ Xuân tha phương của Nguyễn Bính đã đi vào lòng người đọc một cách rất đời thường bởi nó đã đồng cảm được mọi tâm trạng của những người xa quê trong dịp Tết.

NGUYỄN VĂN KHÁNH