Thực hành Then được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới

13/12/2019 09:08
Theo TTXVN
(GDVN) - Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thầy Then thực hiện nghi lễ cúng Then. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)
Thầy Then thực hiện nghi lễ cúng Then. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Quyết định này được đưa ra vào hồi 15 giờ 23 phút (giờ địa phương) ngày 12/12, tức 3 giờ 23 phút (giờ Việt Nam) ngày 13/12 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Bogotá, Cộng hòa Colombia.

Thực hành nghi lễ không thể thiếu

Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết, Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

Theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại.

Thông qua những quan niệm về Mường Trời (nơi cư ngụ của các thần linh), Mường Đất (nơi cư ngụ của con người), Mường Nước (nơi cư ngụ của Long Vương... người Tày, Nùng, Thái giải thích về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như bày tỏ ước vọng về chỗ dựa tinh thần, tạo dựng niềm tin để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Trong đời sống của người Tày, Nùng, Thái cổ, thực hành Then xuất hiện ở những sự kiện trọng đại như lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn…

Bên cạnh đó, Then còn được nhìn nhận như một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật từ văn học, âm nhạc, múa tới hội họa và trình diễn….

Người hát Then trong những dịp lễ, Tết là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Nhạc cụ chính sử dụng trong hát Then là đàn tính.

Then được trao truyền bằng hình thức truyền khẩu khi thực hành nghi lễ Then, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ.

Di sản này của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang) và vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai)...

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. (Ảnh: Phạm Cao Quý)
Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. (Ảnh: Phạm Cao Quý)

Tiêu chí vinh danh

Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết, Hồ sơ đề cử Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Thực hành Then ở Việt Nam tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ.

Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc này, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc. Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam.

“Việc ghi danh nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam sẽ làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc khác nhau,” báo cáo chỉ rõ.

Ngoài ra, một trong những tiêu chí quan trọng khác là sức sống của di sản được đảm bảo bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng.

Năm lễ hội truyền thống được công nhận là di sản văn hóa quốc gia

Từ năm 2001, Chính phủ đầu tư kinh phí từ các Chương trình quốc gia về văn hóa để bảo vệ di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, trong đó có nghi lễ Then.

Cụ thể, các cơ quan chức năng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; triển khai các hoạt động nhận diện, kiểm kê và tư liệu hóa; nghệ nhân dân gian truyền dạy kiến thức bằng cách kết hợp đưa hát Then và tính tẩu vào chương trình giảng dạy ở trường...

Các cộng đồng và nghệ nhân đã tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch, đề xuất các biện pháp bảo vệ di sản.

Bên cạnh đó, các nghệ nhân dân gian và các cộng đồng liên quan đã tích cực tham gia vào tất cả các giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị và tập huấn.

Tại Việt Nam, di sản Then của 11 tỉnh lần lượt được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kể từ năm 2012 và thường xuyên được kiểm kê, cập nhật.

“Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO”, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thu Hiền khẳng định.

Theo TTXVN