Xem hài Tết 2013 Xuân Hinh: Cười chưa đã!

01/01/2013 09:02
Ngọc Nguyên
(GDVN) - “Chiếc gương của giời” và “Tìm vợ mất tích” của danh hài Xuân Hinh là hai trong số những tiểu phẩm Hài Tết 2013 đầu tiên ra mắt công chúng. Mặc dù được trông đợi đã lâu song hai tác phẩm này dường như chưa lấy lòng được khán giả mê hài Tết bởi vấn đề kịch bản.

Tiểu phẩm “Chiếc gương của giời” lấy bối cảnh làng quê nông thôn Việt Nam xưa, kể về một anh nông dân tên Tròn mơ thấy Thổ thần ban  một chiếc gương. Song từ khi có vật quý, gia đình anh Tròn bỗng lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Tròn trông thấy mình trong gương lập tức vác chổi đuổi đánh vợ vì nghĩ rằng vợ nhân lúc mình vắng nhà tranh thủ “tòm tem” với nhân tình. Cô vợ Tròn (nghệ sĩ Hồng Vân thủ vai) chạy vào soi gương lại tưởng rằng chồng rước vợ bé về nhà, hùng hổ tranh đấu với chồng. Mẹ Tròn (nghệ sĩ Thu Hà) trong lúc can ngăn, xem xét sự tình, thấy mình trong gương lại lu loa lên khóc rằng: các con chê mẹ già, muốn đón mẹ khác về nuôi. Cả nhà bèn kéo nhau đến quan Huyện kiện cáo om sòm đúng lúc quan đang xử ả gái điếm lẳng lơ (nghệ sĩ Thanh Nhàn) tội bán cái “ngàn vàng” mà trốn nộp thuế. Khi quan về đến nhà khám xét, trông vào gương liền sụp mình chắp tay vái lạy, cho rằng đó là quan Chánh tổng đi vi hành. Chỉ đến khi Thổ thần xuất hiện thì mọi người mới vỡ lẽ đó là hình bóng của chính mình trong gương.

Cảnh trong "Chiếc gương của giời"
Cảnh trong "Chiếc gương của giời"

Sang đến tiểu phẩm mang tính hiện đại “Tìm vợ mất tích”, Xuân Hinh vào vai gã chồng mê mải chọi gà đến nỗi vợ chán chường bỏ đi anh ta mới cuống quýt lên tìm chủ tịch xã (nghệ sĩ Hồng Vân) thông báo mất vợ. Nhưng đến khi tả nhân dạng vợ cao, thấp, gầy, béo, tóc dài, ngắn thì lại không thể tả được chính xác vợ mình trông như thế nào. Anh ta đã nhận được một bài học về thói vô tâm của mình.

Cảnh phim "Tìm vợ mất tích"
Cảnh phim "Tìm vợ mất tích"

Có thể nói mặc dù được khán giả vô cùng mong đợi bởi “thương hiệu” của “cặp bài trùng” Xuân Hinh – Hồng Vân, cũng như việc coi đĩa Xuân Hinh mỗi dịp Tết đến xuân về đã trở thành thông lệ của mỗi gia đình, tuy nhiên kịch bản của cả hai tiểu phẩm trên chưa chặt chẽ.

Như trong "Chiếc gương của giời", tiểu phẩm mô tả cảnh bối rối, nhốn nháo của những con người sống trong thời đại chưa từng biết đến gương soi cũng như chưa bao giờ trông thấy hình dáng bên ngoài của chính mình. Câu chuyện được đẩy đến cao trào khi 3 mẹ con nhà Tròn lôi nhau ra kiện cáo và hồi hộp khi quan quân xông đến nhà Tròn khám xét. Những tưởng sẽ có một kết thúc hay ra trò, ấy vậy mà Thổ thần chỉ hiện lên phán một câu: cho mỗi nhà một chiếc gương để soi xem mặt mình sạch hay bẩn?

Vẫn là những tác phẩm có tính lên án thói hư tật xấu trong xã hội như nạn tham quan, vơ vét của dân, thói cờ bạc, cá độ,… nhưng bài học cuối cùng lại không đủ thâm thúy và sâu sắc. Gã quan tham lam, bòn rút của dân trong “Chiếc gương của giời” không bị trừng trị đích đáng, anh chồng hư hỏng mê chọi gà “Tìm vợ mất tích” để đến nỗi 4 đời vợ phải bỏ đi mà chỉ sau vài câu bốp chát với bà chủ tịch đã tỉnh ngộ, từ bỏ thói ham vui trở về chăm lo cho gia đình... Những kết thúc khá chóng vánh và hơi bị khiên cưỡng.

Khán giả chủ yếu bật cười ở những pha “đấu võ mồm” giữa hai vợ chồng nhà Tròn trong “Chiếc gương của giời” hay màn đối đáp giữa chủ tịch xã và anh chồng mê gà chọi trong “Tìm vợ mất tích”. Là  trung tâm của vở hài, cặp đôi Hồng Vân – Xuân Hinh tung hứng rất trơn tru cũng như thể hiện rõ cá tính của nhân vật. Hồng Vân lúc là người phụ nữ nông dân quê mùa, đanh đá, dám “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chồng, lúc lại là bà chủ tịch nghiêm nghị biết quan tâm tới đời sống của người dân. Xuân Hinh khi là anh nông dân ghê gớm quát nạt vợ, lúc trở thành gã chồng “hâm hấp” luôn miệng nảy nhạc, ngâm thơ. Các diễn viên khác cũng khá đặc sắc: Thanh Nhàn hóa thân một cô gái làng chơi đúng chất lẳng lơ, điêu ngoa; Tiến Đạt lột tả được bản chất háo sắc, hám lợi của gã quan huyện... tuy nhiên tiếng cười mang lại từ những vai diễn này lại rất ít.

Cái được coi là bản sắc của Xuân Hinh chính là những màn “xuất khẩu thành nhạc” hay “xuất khẩu thành thơ”, tiếc là lại được chèn vào một cách hơi gượng gạo và tần suất quá dày. Kịch bị chuyển “tông” đột ngột từ đối thoại sang ca nhạc và ngược lại, tuy bất ngờ nhưng nếu khi lạm dụng lại làm cho người xem đôi lúc không bắt kịp tâm lý của nhân vật. Ví như cảnh anh chồng tên Hinh đang tranh cãi gay gắt với bà chủ tịch xã (Tìm vợ mất tích) đột nhiên chuyển sang ngậm ngùi hát trữ tình hay ca vọng khổ, khóc thương vợ rất thê thảm gây cảm giác loãng, thiếu tính liền mạch...

Tuy nhiên bên cạnh những cái chưa được thì hài “Xuân Hinh 2013” vẫn góp thêm hương sắc cho rừng hài Tết, nội dung lành mạnh, mang tiếng cười xua đi những lo toan nhọc nhằn đời thường trong năm cũ của người dân.

Ngọc Nguyên