Nhật ký Nậm Mười:

Vì sao nhiều người thích lên vùng cao làm từ thiện?

03/11/2011 02:00
Tiểu Phương
(GDVN) - Tôi rất thích đến vùng cao, về với trẻ em nghèo, không phải bởi tò mò với cái đói, cái nghèo của mỗi vùng đất khác nhau mà bởi…
Nhật ký chuyến đi của Báo Giáo Dục Việt Nam đến Nậm Mười ghi lại những cảm xúc đặc biệt, lắng sâu của những nhà hảo tâm đã đồng hành cùng chương trình đặt chân tới các vùng đất xa xôi để góp thêm bữa cơm, ly sữa, góp thêm miếng thịt cho trẻ em nghèo miền núi.

Chia sẻ với phóng viên Báo, không ít nhà hảo tâm thừa nhận: Họ rất thích đến vùng cao, về với trẻ em nghèo. “Không phải bởi tò mò với cái đói, cái nghèo của mỗi vùng đất khác nhau mà bởi vì những tình cảm nồng ấm mà người dân ở đây trao tặng cho tất cả mọi người. Đi tới đâu, mình cũng cảm nhận được những gương mặt rất dễ thương, trong sáng, ngây thơ tới thánh thiện của trẻ em nơi ấy”…

“Lần sau đi nhớ rủ tôi nhé”

Anh Khoa - Kiến trúc sư (KTS) cho biết: "Mỗi chuyến đi đều mang đến cho người tham gia những dấu ấn riêng biệt, tuy nhiên, vì đây là chuyến đi từ thiện nên cảm xúc của mỗi người sẽ rất khác… vì nó đều xuất phát từ trái tim.

Nếu chỉ nhìn ở những cảnh đẹp bất chợt gặp trên đường thì thiên nhiên nơi vùng cao Nậm Mười lung linh, huyền ảo chẳng khác nào “thành phố sương mù” Sapa. Nhưng do đường đi trắc trở, đời sống của trẻ em nghèo thiếu thốn, khó khăn đã dấy lên trong lòng mỗi người đi làm từ thiện một cảm xúc xót xa, thương cảm đến đặc biệt!

Với góc nhìn của một kiến trúc sư, vừa cảm nhận cuộc đời bằng con tim của người nghệ sĩ, đối với anh Khoa, chuyến đi này không chỉ dừng lại ở sự chia sẻ, cảm thông, xúc động mà nó còn mang ý nghĩa lớn lao hơn: Đó là sự đánh động lương tri của mỗi con người.

Anh Khoa: 'Tôi sẽ là nhà hảo tâm trung thành luôn đồng hành cùng Báo Giáo Dục Việt Nam trong các chuyến từ thiện tiếp theo". (Ảnh: Xuân Trung)
Anh Khoa: 'Tôi sẽ là nhà hảo tâm trung thành luôn đồng hành cùng Báo Giáo Dục Việt Nam trong các chuyến từ thiện tiếp theo". (Ảnh: Xuân Trung)

“Tôi rất tự hào khoe với bạn bè rằng: Tôi vừa trải qua chuyến đi từ thiện về. Nó đã đánh thức cảm xúc của con tim, với tất cả những gì rung động nhất, chân thành nhất, tìm lại cho chính ta sự sâu lắng trong tâm hồn mà trong cuộc sống bon chen, xô bồ, hối hả này, ta đã lãng quên hoặc trong một lúc nào đó, vô tình ta đã đánh mất”.

“Cứ mỗi lần, tôi kể cho bạn bè nghe về chuyến đi, về những gì tận tai nghe, mắt thấy và cảm nhận, bạn bè tôi đều ủng hộ nhiệt tình. Có người “mắt tròn mắt dẹt”: “À thế à”, có người tỏ vẻ nuối tiếc dặn dò: “Lần sau đi nhớ rủ tôi nhé”.

Với anh Khoa, việc chia sẻ, nói ra ngoài miệng chỉ là bề nổi, “chúng ta cần đi và trải nghiệm bằng cả tấm lòng, bằng sự chân thành của mỗi trái tim. Như thế từ thiện mới trở về với đúng nghĩa thực của 2 từ “từ thiện”".

“Tại sao cháu muốn lên Nậm Mười?” - “Cháu muốn làm từ thiện?”

Khi gặp 2 em nhỏ: Bùi Tùng Lâm (9 tuổi) và bé Trần Hùng Khánh (8 tuổi), câu đầu tiên, phóng viên đã hỏi: “Tại sao các cháu muốn lên Nậm Mười?”. Chẳng ngần ngại suy nghĩ, bọn trẻ trả lời luôn: “Cháu muốn đi để làm từ thiện”.

- Cháu thấy đời sống của các bạn ở đó thế nào?

- Rất khổ ạ!
Nói rõ giúp cô là khổ như thế nào?
- Bé Bùi Tùng Lâm trả lời: Các bạn ấy không được ăn những thứ mà mình thích. Không có đồ ăn ngon, không có áo ấm để mặc.
- Bé Trần Hùng Khánh cũng gật đầu: Cháu thì thấy tội nhất là các bạn ấy không có đồ chơi để chơi. Không đầy đủ như bọn cháu ở Hà Nội. Lần sau nếu được quay trở lại, cháu sẽ mang áo ấm đến tặng các bạn ấy.
Không quản ngại đường xá xa xôi, 2 bạn trẻ Bùi Tùng Lâm (9 tuổi) và bé Trần Hùng Khánh (8 tuổi) đã theo chân sư thầy để lên chia sẻ với các bạn vùng cao. (Ảnh: Sỹ Nam)
Không quản ngại đường xá xa xôi, 2 bạn trẻ Bùi Tùng Lâm (9 tuổi) và bé Trần Hùng Khánh (8 tuổi) đã theo chân sư thầy để lên chia sẻ với các bạn vùng cao. (Ảnh: Sỹ Nam)
Là hai trong số 3 em nhỏ duy nhất có mặt trong đoàn thiện nguyện về Nậm Mười ngày hôm đó, Lâm và Khánh đã không quản ngại đường xá xa xôi để lên vui với các bạn vùng cao.

Theo lời đại đức Thích Quảng Hoàng (chùa Tảo Sách, Hà Nội) - người đang nuôi dậy 2 em nhỏ này kể lại: Chúng đã rất háo hức khi được biết thầy sẽ xin phép cho chúng nghỉ học để lên Nậm Mười chia sẻ những khó khăn với đời sống của các em dận tộc miền núi. “Đêm đó chúng đã trằn trọc và thức khá muộn, thầy phải giục mãi chúng mới chịu đi ngủ. Sáng ra thì chúng dậy từ rất sớm, chuẩn bị tươm tất mọi thứ, sẵn sàng lên đường” - thầy Thích Quảng Hoàng nói.

Dù còn nhỏ tuổi, chưa nhận thức đầy đủ về những gì mà mình đang và đã làm nhưng sự nhiệt thành và trái tim ấm nóng của các em đã phần nào làm ấm lại những trái tim đã đóng băng, làm lay động, thức tỉnh lương tri của không ít những người đang vô cảm trước sự thiếu thốn, khó khăn của đồng loại.

“Cái len lén nhìn, sự rụt rè của dân miền núi đã ám ảnh tôi”


Là một người làm việc trong Bộ chỉ huy quân sự (tỉnh Bắc Ninh), bạn Lý Chung Kiên lại có cảm nhận rất riêng về đời sống của các đồng bào dân tộc miền núi.

Ngoài việc nhìn thấy ở họ sự thật thà, hiền hậu, chất phác, Kiên còn cảm nhận được sự rụt rè, nhút nhát và “sợ” người miền xuôi của đồng bào dân tộc nơi đây.

“Tình cảm của đồng bào miền núi dành cho người dân rất thân thiện. Nhưng mình thấy, họ cứ sợ sệt thế nào ấy, có lẽ ít tiếp xúc với người miền xuôi nên họ không thoải mái chăng? Hay tại bởi mình chưa hòa đồng, chưa hiểu họ nên khó tiếp cận? Mình có lại gần hỏi chuyện và làm quen với một số người dân bản địa ở Nậm Mười nhưng hầu như mình hỏi gì, họ đáp nấy và đáp rất ngắn gọn. Mình hỏi về mùa màng, công việc, họ chỉ mở lời 1, 2 câu rồi lại im lặng quay đi, không nói gì.

Lý Chung Kiên (làm việc tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh): ““Ánh mắt lấm lét nhìn và sự rụt rè đó vẫn ám ảnh tôi, bạn ạ! Thương quá!”. (Ảnh: Tiểu Phương)
Lý Chung Kiên (làm việc tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh): ““Ánh mắt lấm lét nhìn và sự rụt rè đó vẫn ám ảnh tôi, bạn ạ! Thương quá!”. (Ảnh: Tiểu Phương)

Khi nhìn thấy một đứa trẻ đứng ở ngoài sân, rất xa chỗ biểu diễn văn nghệ, bé nhỏ thó, bị che lấp bởi hàng rào người đông kịt phía trước mặt. Mình có lại gần và bảo: “Em lên phía trên xem đi”, nó lấm lét nhìn rồi lại thụt về phía sau thay vì tiến lên phía trước. Có lẽ, cái nghèo, cái đói và sự thiếu thốn trong giao lưu, tiếp xúc đã hình thành nên tính rụt rè, sợ sệt của người miền núi?”.

Từ Nậm Mười trở về Bắc Ninh đã hơn một tuần lễ, nhưng trả lời phóng viên qua điện thoại, giọng Lý Chung Kiên vẫn đầy “ướt át”: “Ánh mắt lấm lét nhìn và sự rụt rè đó vẫn ám ảnh tôi, bạn ạ! Thương quá!”.

“Các em ngoan lắm, lại lễ phép nữa”

Nếu như Chu Quỳnh Giang ấn tượng với việc tự tạo niềm vui sống của trẻ em vùng cao thì Lê Thị Thu Hương (phòng du lịch trong nước của Vietravel) và Nguyễn Quỳnh Chi (sinh viên năm cuối trường Đại học Điện Lực) lại quý mến các em ở sự ngoan ngoãn và lễ phép.

“Mình còn nhớ, khi xuống xe, một thầy giáo dạy Văn chở mình. Trên đường đi có gặp 2 em học sinh nhỏ. Chúng vừa nhìn thấy thầy thì đứng im ngay ngắn và khoanh tay chào. Mình thấy chúng rất ngoan và lễ phép, mặc dù thầy đang đi xe, vậy mà chúng vẫn: “Em chào thầy ạ” – Lê Thị Thu Hương (Vietravel) nhoẻn miệng cười khi nghĩ về sự ngoan ngoãn của các trẻ em nghèo.
Lê Thị Thu Hương (phòng du lịch trong nước của Vietravel): Mình rất thích đến với trẻ em vùng cao để cảm nhận tình cảm ấm nóng của các em.
Lê Thị Thu Hương (phòng du lịch trong nước của Vietravel): Mình rất thích đến với trẻ em vùng cao để cảm nhận tình cảm ấm nóng của các em.

Hương chia sẻ: Chị đã từng đến với trẻ em vùng cao nhiều lần nhưng lần nào về cũng cảm thấy lưu luyến và mới trực về nhà, chị đã lại muốn đi. “Mình cứ muốn đến với trẻ em vùng cao, không phải bởi tò mò với cái đói, cái nghèo của mỗi vùng đất khác nhau mà bởi vì những tình cảm nồng ấm mà người dân ở đây trao tặng cho tất cả mọi người. Đi tới đâu, mình cũng cảm nhận được những gương mặt rất dễ thương, trong sáng, ngây thơ tới thánh thiện của trẻ em nơi ấy”.  

Cũng cùng chung cảm xúc với Thu Hương, bạn sinh viên năm cuối Quỳnh Chi cũng thấy thân thương lắm hình ảnh các em học sinh vùng cao xếp hàng tăm tắp đợi cơm.

Đối với Nguyễn Quỳnh Chi (sinh viên năm cuối trường Đại học Điện Lực): Điều ấn tượng nhất lại là sự ngoan ngoãn của trẻ em nghèo vùng cao. (Ảnh: Xuân Trung)
Đối với Nguyễn Quỳnh Chi (sinh viên năm cuối trường Đại học Điện Lực): Điều ấn tượng nhất lại  là sự ngoan ngoãn của trẻ em nghèo vùng cao. (Ảnh: Xuân Trung)

“Ấn tượng nhất là bọn trẻ rất ngoan, còn nhỏ nhưng các thầy cô đã rèn được cho các em tính kỷ luật rất cao. Đặc biệt, một hành động nữa khiến mình cảm động đó là khoảnh khắc các em nhỏ đem giấy bút đi xin chữ ký. Vừa có gì đó rất ngộ nghĩnh vừa thể hiện sự mến khách mà không phải nơi nào qua, ta cũng được đón nhận” - Quỳnh Chi nhấn mạnh.  

“Tôi thấy nhói tim”


Là một “đệ tử” của đạo Phật, đối với Đặng Anh Huy, Sinh viên năm 4, Trường Kỹ thuật Quân sự, việc đi làm từ thiện nằm trong hành động từ bi, bác ái của mỗi người.

“Mỗi người có những cảm nhận riêng, suy nghĩ riêng về từ bi, bác ái”. Trong chuyến đi lần này, Đặng Anh Huy chia sẻ: Cậu thấy nhói tim khi chứng kiến bữa cơm của các em, “không thể tưởng tượng được, thời đại này rồi mà vẫn có những bữa ăn lại khố đến vậy!”.

Đặng Anh Huy, Sinh viên năm 4, Trường Kỹ thuật Quân sự:"Tim tôi nhói đau khi chứng kiến bữa cơm của học trò nghèo Yên Bái." (Ảnh: Xuân Trung)
Đặng Anh Huy, Sinh viên năm 4, Trường Kỹ thuật Quân sự:"Tim tôi nhói đau khi chứng kiến bữa cơm của học trò nghèo Yên Bái." (Ảnh: Xuân Trung)

Đặc biệt, “mình cảm thấy xót xa hơn khi các thầy cô giáo nói: Bữa ăn này là còn sang đấy. Có rau ăn là tốt lắm rồi. Lúc không có rau, các em còn phải lên rừng kiếm rau rừng để ăn cơ!”. Tuy khổ như vậy nhưng các em học sinh tại đây lại rất đáng khâm phục. Các em nhỏ có thể đi bộ đi học từ 15 đến 22 km đường rừng, các em mầm non cũng phải tự đi học và tự về, “đường thì gập ghềnh đá sỏi như vậy, trời mưa nếu nhỡ các em ngã thì ai nâng đỡ” – Đặng Huy thương cảm.

“Ăn uống thế này có đảm bảo cho một tương lai tươi sáng?”


Mục đích chính của chuyến đi là để khảo sát địa hình và các dịch vụ, chuẩn bị cho các tour từ thiện lên vùng cao nhưng những gì tận mắt chứng kiến tại Nậm Mười đã khiến chị Nguyễn Anh Đào, đại diện Công ty du lịch Vietravel đong đầy cảm xúc và có những trải nghiệm thực sự vượt ra ngoài cả phạm vi công việc.

“Tôi thấy các em nhỏ tại đây thiếu thốn nhiều quá, cả vật chất và tinh thần” – chị Đào chia sẻ.

Nhìn những buồng ngủ bằng vách ngăn ọp ẹp, mùa đông không thể đủ ấm hay bữa cơm vùng cao chỉ  có rau xào, bát canh lèo tèo vài miếng mướp, có mâm có bát gừng rã hoặc lá chanh với ớt, chị Đào không khỏi băn khoăn, trăn trở: “Mặt mũi các em rất sáng sủa, tinh khôi nhưng với cách ăn uống thiếu chất như thế này, tôi cũng không dám đảm bảo cho một tương lai tươi sáng sau này cho các cháu”.

Chị Nguyễn Anh Đào, đại diện Công ty du lịch Vietravel (trái): "Tôi lo lắng cho tương lai của các cháu khi ăn uống thiếu chất như thế này". (Ảnh: Vietravel)
Chị Nguyễn Anh Đào, đại diện Công ty du lịch Vietravel (trái): "Tôi lo lắng cho tương lai của các cháu khi ăn uống thiếu chất như thế này". (Ảnh: Vietravel)

Chị Đào cho biết: Chị đã từng tham gia nhiều chương trình tham gia từ thiện, với công ty Vietravel và với cả bản thân gia đình chị. Gia đình chị có quỹ từ thiện của Việt kiều Pháp gọi là “Quyền và hi vọng” với mục đích mua sách vở, quần áo cho các em nhỏ ở một số địa phương có hoàn cảnh khó khăn như Hòa Bình và một số điểm vùng sâu, vùng xa khác nữa.

“Trên kinh nghiệm của tôi, tôi nhận xét: Đây là một chuyến đi rất thành công. Báo Giáo Dục Việt Nam là người có ý tưởng mới và gần như tiên phong trong hình thức tour tập hợp mọi người như vậy. Tôi đánh giá cao về phương tiện tổ chức của báo và tôi mong Vietravel sẽ cùng góp sức để tăng cường những chuyến đi từ thiện đưa người miền xuôi lên gặp người miền núi, kết nối cộng đồng, kết nối các trái tim, cùng nhau “chia ngọt sẻ bùi”, “lá lành đùm lá rách”" – chị Đào tâm sự.

“Tôi sẽ lôi kéo thêm bạn bè tham gia. Chuyến đi ý nghĩa quá!”

Là một người làm trong lĩnh vực truyền thông, chị Phan Thu Phương, đang công tác tại Trung tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình (Đài truyền hình Việt Nam) đã từng tham gia công tác tại nhiều địa điểm vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, nếu như những chuyến đi trước chỉ mang tính chất công việc hoặc đi với mục đích du lịch là chính, đem lại cho chị cảm giác vui vẻ nhưng với chuyến đi từ thiện lần này, chị Phương cho biết: “Mình đã cảm nhận được một sự đồng cảm lớn lao!”.

Là một người làm trong lĩnh vực truyền thông, chị Phan Thu Phương, đang công tác tại Trung tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ tuyền hình (Đài truyền hình Việt Nam) hi vọng sẽ lôi kéo được nhiều hơn các nhà hảo tâm tham gia vào các chuyến đi từ thiện ý nghĩa về vùng cao.
Là một người làm trong lĩnh vực truyền thông, chị Phan Thu Phương, đang công tác tại Trung tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ tuyền hình (Đài truyền hình Việt Nam) hi vọng sẽ lôi kéo được nhiều hơn các nhà hảo tâm tham gia vào các chuyến đi từ thiện ý nghĩa về vùng cao.

“Mình chưa bao giờ đăng kí những chuyến đi từ thiện, phần lớn mới chỉ dừng lại ở đóng góp một vài trăm, một vài nghìn khi cơ quan vận động quyên góp. Mình chỉ ngồi nhà, tiết kiệm chút tiền cho đồng bào miền núi với hi vọng sẽ chia sẻ một chút những khó khăn của những người dân tộc vùng cao. Thậm chí, cũng đã có lúc mình thở dài, tặc lưỡi băn khoăn: “Chắc gì số tiền ấy sẽ đến tay đúng người cần nhận”.

Nhưng nhờ kết nối với các nhà từ thiện và báo Giáo Dục Việt Nam, với chuyến đi này, mình đã làm được một việc ý nghĩa hơn. Dù đường đi rất vất vả, dù lúc này thấy rất mệt và đói nhưng mình cảm thấy hạnh phúc vì được đón nhận những tình cảm nồng ấm của tất cả mọi người, không chỉ các thầy cô giáo, không chỉ các em nhỏ vùng cao mà còn ở tấm lòng chân - thiện của các nhà hảo tâm” – Giữa buổi cơm trưa ăn vội, chị Phương thủ thỉ vào tai tôi trò chuyện.

Chị hi vọng: Trong thời gian tới, chị sẽ lôi kéo thêm được nhiều bạn bè tham gia, là người làm việc trong lĩnh vực truyền thông, bằng các cách khác nhau, chị sẽ thông tin thêm về việc làm bổ ích này để tình yêu thương được lan rộng, sự đùm bọc, chia sẻ sẽ nhân lên nhiều hơn nữa.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: toasoan@giaoduc.net.vn



Tiểu Phương