Vì sao “sát thủ” thì “đầu mưng mủ”?

30/10/2011 10:06
Theo SGTT
Điều gì xảy ra trong tâm lý cộng đồng những người trẻ khi ngày càng phổ biến lối nói vần kiểu như: “sát thủ đầu mưng mủ”, “chuyện nhỏ như con thỏ”...?
Có thật đó là sự nhảm nhí hay nông cạn như cách mà một số nhà ngôn ngữ học, quản lý văn hoá, muốn bảo vệ sự trong sáng tiếng Việt chỉ trích, quy chụp, tìm cách cấm đoán?

Một trong những câu tục ngữ bị giới trẻ "hiệu chỉnh" khái niệm.

Trước hết phải khẳng định rằng, từ trong lời ăn tiếng nói dân gian, người Việt rất sính dùng thành ngữ, trích dẫn tục ngữ để gia tăng thêm hiệu quả biểu cảm của phát ngôn. Những thành ngữ súc tích, những tục ngữ gói gọn kinh nghiệm dân gian truyền đời phần lớn đều được thể hiện bằng hình thức biền ngẫu, cấu trúc cặp đôi, đăng đối, và được “gieo” vần, tạo cảm giác trôi chảy trong lời nói, biểu trưng về nghĩa, cô đọng về khái niệm, dễ nghe về mặt phát âm.

Thành ngữ, tục ngữ được “xen” vào hợp lý trong văn viết đem lại giá trị phái sinh về ngữ nghĩa cao. Cho nên có tâm lý này: chúng ta thường xem người biết dùng, dùng hiệu quả, nhuần nhuyễn nhiều và hợp lý những thành ngữ, tục ngữ, dụng điển vào giao tiếp (nói và viết, nhất là trong bình luận xã hội, nghệ thuật, học thuật) là sắc bén, thâm thuý. Người Việt cũng rất sính thơ ca.

Một trong những đặc tính quan trọng và phổ biến trong quan niệm về thơ ca của người Việt là nệ vào vần, đề cao nhịp điệu. “Thơ” (có vần) xuất hiện nhiều trong sinh hoạt lời nói hàng ngày, từ quán nhậu, hội thảo...

Có lẽ, bắt nguồn sâu xa từ tâm lý phản ứng trước những khuôn thức cũ, những người trẻ đã có cách giễu nhại các mâu thuẫn hài hước trong môi trường sống. Họ giễu vần vè, châm biếm các hình thức giao tiếp bày trò văn hoa bề ngoài, khiêu khích sự bịp bợm hời hợt dưới chiếc áo ngôn ngữ hoa mỹ…
Cách hiệu quả nhất là: 1/ mô phỏng chính cơ trình tạo ra vần vè, song đối, biền ngẫu, nhịp điệu, nhạc tính của “mô hình” truyền thống để tạo ra các “ngữ liệu” mới, đẩy giá trị biểu trưng nghĩa trở về zero, từ đó chỉ tạo ra cảm giác nhảm, gây cười; 2/ lợi dụng đặc tính dị bản của truyền khẩu để bẻ đôi câu chữ, “hiệu chỉnh” khái niệm, đem lại những ý nghĩa hoàn toàn đối lập, ưu tiên sự phi lý hơn là logic, nặng tính giải trí “lãng xẹt” để đối lập với thông điệp nghiêm trọng và cao đạo đã cũ.

Và sau đó là gì? Dần xuất hiện một lối nói nhại biếm, đùa giỡn ngôn ngữ tự do, phóng túng, tếu táo. Và, dễ cắt nghĩa khi cách nói dí dỏm bạt mạng kiểu: “chơi trội như bộ đội”, “đau khổ như con hổ”, cách thay từ bẻ câu, lái nghĩa so với “phiên bản cũ” như: “một điều nhịn là chín điều nhục”, “một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ” hay “thuận vợ thuận chồng đông con mệt quá”… lại xuất hiện ngày càng nhiều trong những không gian tán gẫu, phổ biến trên không gian mạng, phi chính thức hơn là thành văn.

Không thể phủ định tính giải trí, thời trang trong lối nói này. Nhưng chúng ta tin rằng, thời gian sẽ sàng lọc một cách hợp lý để sự vui đùa với ngôn từ của con người không trở nên là một trò hoang phí, vô thưởng vô phạt.

Ngôn ngữ chỉ thực sự sống động khi người ta, qua lời ăn tiếng nói, qua sáng tạo ngôn từ, còn biết vui đùa tung tẩy với nó. Di sản ngữ liệu mà hôm nay trong kho tàng ngôn ngữ dân tộc cũng từng có nguồn gốc là từ lời ăn tiếng nói, tinh thần ưa hài hước, giễu nhại và đùa vui với ngôn từ của dân gian.

Vậy, trước những hiện tượng mới phát sinh trong đời sống ngôn ngữ, thì các nhà ngôn ngữ học và quản lý văn hoá cần cắt nghĩa cho được điều gì phía sau hành vi, chức năng sử dụng ngôn ngữ và nhận diện một cách khách quan, khoa học về quá trình chuyển động của nó thay vì vội vàng lên án, quy chụp và làm cái việc quá sức mình đó là tìm mọi cách để ngăn chặn.
Theo SGTT