Vì sao Trung Quốc ráo riết xây dựng hệ thống VT dẫn đường Bắc Đẩu?

18/04/2013 15:00
Đông Bình
(GDVN) - Hiện nay, một trong những mục đích mà Trung Quốc ra sức xây dựng hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu là bán được nhiều vũ khí kiếm lợi.
Mô hình hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc
Mô hình hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc

Tờ nguyệt san “Kanwa Defense Review” Canada tháng 4 (xuất bản trước) có bài viết cho rằng, TQ chính thức tuyên bố, cuối năm 2012 hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu 2 chính thức cung cấp dịch vụ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điểm khác so với “Bắc Đẩu 1” (thế hệ 1, áp dụng mô hình làm việc chủ động) là vệ tinh định vị Bắc Đẩu 2 (thế hệ 2) áp dụng mô hình làm việc bị động tương tự GPS.

Về quân sự, Bắc Đẩu 1 chỉ có thể sử dụng để định vị cho tàu thuyền và máy bay quân sự, còn Bắc Đẩu 2 có khả năng định vị tấn công chính xác cho các loại vũ khí tên lửa. Điều này sẽ cải thiện rất lớn khả năng tấn công chính xác cho vũ khí Trung Quốc ở khu vực xung quanh châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động tiếp thị vũ khí tên lửa của Trung Quốc (được hệ thống Bắc Đẩu định vị) với các nước láng giềng xung quanh khu vực châu Á.

Bài viết cho rằng, căn cứ vào kế hoạch xây dựng, năm 2020 Trung Quốc sẽ xây dựng xong hệ thống định vị bị động toàn thế giới mang tên Bắc Đẩu, lúc đó vũ khí chiến lược của Trung Quốc sẽ cải thiện rất lớn độ chính xác tấn công toàn cầu, điều này có nghĩa là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A cũng có thể sử dụng “Bắc Đẩu” tiến hành tấn công đối với châu Mỹ. Ngoài ra, hoạt động tiếp thị vũ khí Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu cũng sẽ có sức cạnh tranh hơn.

Phạm vi định vị của vệ tinh định vị chủ động Bắc Đẩu 1 là 70-140 độ kinh đông, 5-55 độ vĩ bắc, phạm vi định vị của Bắc Đẩu 2 mở rộng tới 55-180 độ kinh đông, độ chính xác định vị được tuyên truyền - quảng bá là 10 m, độ chính xác tốc độ đo đạc là 0,2 m/giây.

Mặc dù đây là tiêu chuẩn dân dụng, nhưng đủ để nâng cao độ chính xác tấn công cho vũ khí xuất khẩu Trung Quốc, nó là dịch vụ mở, vì vậy nếu như không đóng dịch vụ, về lý thuyết, đối phương của Trung Quốc cũng có thể sử dụng “Bắc Đẩu” tiến hành định vị cho hệ thống vũ khí của mình.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc

Một phương thức dịch vụ khác của Bắc Đẩu 2 là phiên bản quân dụng, gọi là dịch vụ trao quyền, tương tự như quân Mỹ. Người phụ trách một số công ty xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc cho biết: Hiện nay dịch vụ trao quyền của “Bắc Đẩu” không xuất khẩu cho bất cứ nước thứ ba nào, chủ yếu là Quân đội Trung Quốc tự sử dụng, tương lai sẽ xem xét tình hình quan hệ quốc tế để ứng xử.

Phạm vi dịch vụ của Bắc Đẩu 2 (16 vệ tinh) được mở rộng, phạm vi hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao phủ cả Đông Nam Á, Nhật Bản, Australia, New Zealand, toàn bộ Ấn Độ, phần lớn Mông Cổ, khu vực Viễn Đông Nga, Kazakhstan, Afghanistan, một phần Iran, phần lớn Pakistan.

Điều này có nghĩa là, độ chính xác tấn công đối với những khu vực này của vũ khí tấn công chính xác (được định vị “Bắc Đẩu” của TQ) sẽ được cải thiện, không còn lệ thuộc vào GPS. Ngoài ra, hoạt động chào bán/tiếp thị vũ khí tấn công chính xác (dẫn đường Bắc Đẩu) đối với Đông Nam Á, Pakistan sẽ tăng cường sức hấp dẫn.

Hiện nay, không thể phán đoán công nghệ định vị Bắc Đẩu phiên bản quân dụng (dịch vụ trao quyền) được Quân đội Trung Quốc vận dụng ở mức độ nào, độ chính xác cao bao nhiêu. Nhưng, người phụ trách của các công ty xuất khẩu vũ khí Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh trên quốc tế rằng: Tất cả các vũ khí định vị GPS do Trung Quốc chế tạo đều có “mô hình kép”, tích hợp với mô hình Bắc Đẩu, không có trở ngại công nghệ gì nếu vũ khí tên lửa của Trung Quốc muốn lắp thêm hệ thống dẫn đường phiên bản quân dụng Bắc Đẩu.

Bom dẫn đường chính xác dòng FT do Trung Quốc chế tạo.
Bom dẫn đường chính xác dòng FT do Trung Quốc chế tạo.

Còn về độ chính xác định vị, thông qua số lượng 35 vệ tinh sử dụng cho hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu trong tương lai phán đoán, sau năm 2020, độ chính xác định vị phiên bản quân dụng toàn cầu Bắc Đẩu sẽ gần tiệm cận  với hệ thống GPS siêu việt, độ chính xác định vị dân dụng của GPS hiện nay là 10 m, độ chính xác tấn công của bom JDAM được GPS dẫn đường là 5-6 m, vì vậy, độ chính xác định vị của Bắc Đẩu phiên bản quân dụng có thể đạt 5-6 m.

Bài viết chỉ ra, trong các nước châu Á, nước đầu tiên sử dụng vũ khí định vị phiên bản dân dụng Bắc Đẩu là Pakistan. Islamabad đã nhập khẩu bom dẫn đường Phi Đằng-2 (FT-2) GSP/Bắc Đẩu, loại bom này (do Trung Quốc chế tạo) đã tiến hành thử nghiệm trên máy bay chiến đấu Mirage-III, việc thử nghiệm giai đoạn tiếp theo chính là sử dụng Bắc Đẩu định vị, Pakistan chưa từng tin tưởng GPS, vì vậy vũ khí tên lửa do Pakistan sản xuất chưa từng sử dụng GPS định vị.

Hiện nay, trong các nước châu Á-Thái Bình Dương được Bắc Đẩu 2 phủ sóng, các nước sử dụng vũ khí định vị vệ tinh do Trung Quốc sản xuất gồm có:

Vũ khí Lục quân: Lục quân Thái Lan sắp tự sản xuất tên lửa dẫn đường Vệ Sĩ-32 GPS/Bắc Đẩu của Trung Quốc, sau năm 2012, cùng với việc Bắc Đẩu 2 đi vào hoạt động, có nghĩa là cho dù Mỹ không cung cấp dịch vụ GPS, độ chính xác tấn công của Vệ Sĩ-32 phiên bản Thái Lan cũng sẽ tiếp cận mức 50 m, tầm phóng tối đa của Vệ Sĩ-32 là 150 km.

Lục quân Campuchia đã có được công nghệ tên lửa không dẫn đường Vệ Sĩ-15, hiện đang đàm phán cải tiến công nghệ để có được tên lửa dẫn đường, vì vậy một quốc gia Đông Nam Á sử dụng Bắc Đẩu 2 tiếp chắc chắn là Campuchia.

Tên lửa tầm xa A-100 do Trung Quốc chế tạo.
Tên lửa tầm xa A-100 do Trung Quốc chế tạo.

Pakistan hiện sử dụng tên lửa đất đối đất A-100 không dẫn đường (mua của Trung Quốc), sau khi có thêm Bắc Đẩu, sẽ có thể đổi thành tên lửa dẫn đường, vì vậy, trong tương lai họ là khách hàng tiềm năng.

Vũ khí hàng không: Bom dẫn đường Bắc Đẩu/GPS dòng Phi Đằng (FT) đã sử dụng tại Pakistan, đang được Trung Quốc chào bán cho Sri Lanka, Bangladesh.

Myanmar, Pakistan còn là khách hàng của máy bay không người lái CH-3 do Trung Quốc chế tạo, trong tương lai máy bay không người lái phiên bản xuất khẩu cũng có thể sử dụng công nghệ định vị Bắc Đẩu.

Trong vũ khí hải quân, tên lửa hạm đối hạm hiện đang sử dụng và xuất khẩu chỉ có C-602 (Ưng Kích-62, YJ-62) tầm phóng 280 km sử dụng hệ thống dẫn đường GPS đoạn giữa, Bắc Đẩu 2 càng có lợi cho Trung Quốc xuất khẩu loại tên lửa này. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Bắc Đẩu 2 phủ sóng hiện nay, Hải quân Thái Lan, Myanmar sử dụng tên lửa hạm đối hạm C-802A tầm phóng 180 km; Hải quân Indonesia, Pakistan sử dụng C-802, Indonesia còn là khách hàng đầu tiên sử dụng tên lửa hạm đối hạm C-705. Những tên lửa này không trang bị hệ thống định vị vệ tinh đoạn giữa, nhưng trong tương lai không loại trừ chuyển sang sử dụng Bắc Đẩu 2.


Đông Bình