Việc Bộ GD&ĐT “sửa sai”, nghĩ về văn hóa xin lỗi và năng lực lắng nghe

17/07/2013 14:50
Phạm Nguyễn
(GDVN) - Trên diễn đàn Quốc hội nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhiều lần có những ý kiến phát biểu hết sức tâm huyết và thẳng thắn về “năng lực lắng nghe”.

1. Ngày hôm qua, sau 12 ngày “thoi thóp” sống trong búa rìu dư luận, Thông tư số 24 của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã được “khai tử” và thay bằng Thông tư 28 với sự thay đổi duy nhất là bãi bỏ Quy định cộng điểm ưu tiên thi ĐH-CĐ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945.


Mặc dù trước đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã kiên quyết khẳng định việc cộng 2 điểm ưu tiên này là phù hợp với quy định của Chính phủ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người có danh hiệu cũng như thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.Và mặc dù được cả một ông Cục phó ở Bộ LĐTBXH biện hộ giúp, đây là việc lo cho tương lai vì rất có thể sẽ có MVNAH chỉ… hơn 30 tuổi. Thì cái “thông tư máy lạnh” này cũng đã phải tạm bỏ vào ...một chỗ.

Dù “sửa sai” nhưng Thứ trưởng Ga vẫn khẳng định: thông tư...  không sai mà chỉ là… không phù hợp với thực tiễn. Và  “Sau khi lắng nghe ý kiến của dư luận, với tinh thần rất cầu thị, tiếp thu, chúng tôi quyết định bãi bỏ quy định đó”.

Nghe xong phát biểu mà nhiều người thấy có điều gì đó "ấm ức"! Đấy nhé! Chính Thứ trưởng đã thừa nhận mình làm “chính sách....chưa phù hợp với thực tiễn” đấy nhé!

Và cũng xin mở ngoặc, đây không phải là lần đầu tiên “Bộ Học” (Bộ GD&ĐT - PV) này “sửa sai” khi ban hành quy định không phù hợp. Trước đó, vào tháng 3, khi đưa ra quy định “người có bằng chứng gian lận thi cử không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất cứ hình thức nào”, Bộ GD-ĐT cũng bị dư luận phản ứng vì sai với Luật Tố cáo, sau đó đã phải rút lại quy định này…

2. Thực ra, với cái “kết có hậu” này, sự việc sẽ êm đẹp và nhẹ nhàng hơn nhiều nếu Bộ GD&ĐT không có những “cãi chày, cãi cối” kiểu “không sai chỉ là chưa phù phù hợp”.

Khổ! Sai thì đã làm sao!Chỉ không làm thì mới không sai. Làm, sai thì sửa. Nhưng vấn đề ở đây là cách lắng nghe, cách tiếp thu và văn hóa sửa sai.

Dư luận sẽ vô cùng xúc động và sẵn sàng bỏ qua nếu Thứ trưởng Ga (mà tốt nhất là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận) đứng lên nói lời xin lỗi công luận, cám ơn báo chí phát hiện "lỗi sai sót" của Bộ. Xin lỗi các mẹ VNAH và người có công vì đã chạm tới tự ái của các bậc tôn kính khi đưa một chính sách phi thực tế, một chính sách mà đối tượng thụ hưởng không thể được hưởng.

Câu chuyện đắng lòng này cũng khiến người ta nhớ lại cách sửa sai của Bộ Xây dựng cách đây ít lâu khi ban hành quy định cấm xây các công trình nhại kiến trúc cổ điển Pháp – Châu Âu.Sau khi bị báo chí phản ứng, Bộ đã ra công văn đính chính, đề nghị các địa phương bỏ nội dung này khỏi văn bản vì… lỗi in ấn.

Cũng như cách giải thích của "Bộ Học" ở “thông tư cộng điểm”; cách “thanh minh – chối tội – đổ lỗi – tranh công” của bộ Xây dựng ở văn bản trên khiến người ta thấy ngày càng thương cho những người làm “nghề đánh máy”.

Cách xử lý của Bộ Xây dựng khi đó, khiến người ta nghĩ đến sự non nớt và yếu kém không chỉ ở trong việc xây dựng văn bản chính sách, pháp luật mà ở cả văn hóa hành xử khi mắc lỗi. Đường đường là một cơ quan Nhà nước, là những quan chức cấp cao, lỗi tư duy rất rõ ràng, vậy mà lại đi đổ cho “cậu đánh máy” thấp cổ bé họng. Chúng ta có những cách hay và nhân văn hơn rất nhiều khi xử lý “sửa sai” một vụ việc như vậy.

Kể thêm chuyện này là để thấy rằng, văn hóa xin lỗi, văn hóa lắng nghe ở ta đã “hỏng có hệ thống”.

3. Trên diễn đàn Quốc hội nhà sử học Dương Trung Quốc đã  nhiều lần có những ý kiến phát biểu hết sức tâm huyết và thẳng thắn về “năng lực lắng nghe”.

Ông cho rằng, chính bộ máy công quyền đang quá khắt khe cảnh giác để rồi hành xử có phần vụng về thậm chí một số trường hợp đã thô bạo đối với một bộ phận nhân dân, làm phương hại đến hình ảnh của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nguyên nhân đáng quan ngại nhất dẫn đến điều này là “năng lực lắng nghe” của một số người làm công tác chính quyền, chính sách đang rất hạn chế.

Nói về “năng lực lắng nghe” là nói đến khả năng tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin một cách nhanh nhạy, chính xác và đưa ra những chỉ đạo, điều hành một cách kịp thời, đúng đắn. Đó là khả năng lắng nghe không chỉ những ý kiến đồng thuận mà cả những ý kiến trái chiều một cách hết sức nghiêm túc và cầu thị.

Lâu nay chúng ta có tiếp thu những đóng góp, phản biện xã hội về các vấn đề quốc kế dân sinh, song nhiều khi chỉ là “nghe rồi để đấy” và nhiều vấn đề còn bị “bỏ ngoài tai”. Hậu quả về kinh tế - xã hội của sự thiếu lắng nghe này không thể kể và đo lường hết. Và cái mất lớn nhất là mất lòng tin, không tập hợp được sức mạnh xã hội.

“Năng lực lắng nghe” ở một góc độ nhất định, đó là “hàn thử biểu” của mức độ dân chủ hoá. Bất kỳ một chính sách xã hội nào khi được áp dụng vào đời sống, bên cạnh mặt tích cực thì còn có những khiếm khuyết, tồn tại; lúc này vai trò phản biện là hết sức quan trọng. Và, người lãnh đạo, lúc này cần hết sức phát huy “năng lực lắng nghe”.

Và, những người có năng lực lắng nghe thật sự, sẽ biết cách hành xử có văn hóa; họ sẽ có văn hóa xin lỗi. Bởi họ hiểu, biết cúi đầu thì mới có thể ngẩng cao đầu.
Phạm Nguyễn