Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam trong một chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ. Ảnh: Talk Vietnam. |
Tờ India Times ngày 21/10 đưa tin, chưa đầy một tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, một hiệp định hợp tác quốc phòng giữa 2 nước dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 27, 28/10 tới trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gây hấn trong khu vực.
Hiệp định hợp tác quốc phòng giữa 2 nước sẽ được ký kết sau khi hai bên đã ký bản ghi nhớ về việc New Delhi cung cấp 100 triệu USD tín dụng cho Việt Nam để hỗ trợ người Việt nâng cao năng lực an ninh hàng hải, mua sắm tàu tuần tra, nguồn tin chính thức nói với India Times.
Cả Ấn Độ và Việt Nam đều chủ yếu sử dụng các vũ khí, trang thiết bị quốc phòng do Nga sản xuất. Điều này cho phép hợp tác song phương mở rộng ra lĩnh vực Ấn Độ bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng cho lực lượng vũ trang Việt Nam, nguồn tin cho biết.
Kể từ khi trở thành đối tác chiến lược năm 2007 hai nước đã phát triển quan hệ quốc phòng và an ninh nhanh chóng bởi Trung Quốc đã bành trướng tham vọng độc chiếm Biển Đông, một chuyên gia giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề nói với India Times.
Ấn Độ và Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hợp tác quốc phòng song phương, trở thành đối tác tin cậy và quan hệ quốc phòng phát triển ổn định. Ấn Độ muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực phòng thủ, hai nước cũng đang tìm kiếm nhiều cuộc tập trận chung và các chương trình đào tạo hơn nữa.
Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuần tới, hai bên sẽ tổ chức hội thảo bàn tròn với chủ đề "Hợp tác Việt - Ấn trong khu vực châu Á mới nổi" vào tuần tới. Việt Nam và Ấn Độ không chỉ hợp tác tăng cường khả năng phòng thủ, mà Việt Nam còn đóng vai trò trụ cột trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ.
Sẽ có lãnh đạo của khoảng 50 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác với nỗ lực giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc. Việt Nam cũng mong muốn Ấn Độ đầu tư vào các lĩnh vực mà nước bạn có lợi thế như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát điện, đấu thầu quốc tế các dự án tại Việt Nam, công nghệ thông tin, giáo dục, dược phẩm, sản xuất nông nghiệp.